4 loại trà, nước ép hỗ trợ ổn định huyết áp

SKĐS - Đối với người tăng huyết áp, nếu kết hợp với một số loại trà, nước ép dễ làm, uống hằng ngày, có thể hỗ trợ kiểm soát tốt huyết áp.

1. Trà cúc hòe, hỗ trợ hạ huyết áp

- Thành phần: Hoa cúc, hòe hoa, trà xanh mỗi thứ 3g.

- Cách làm: Cho các dược liệu trên vào cốc sứ, pha với nước sôi 80 -90 độ C, đậy kín và ngâm trong 5 phút.

Mỗi ngày 1 ly, uống đều đặn mỗi ngày.

- Công dụng: Theo y học cổ truyền, cúc hoa có vị ngọt đắng, tính hơi hàn, tác dụng thanh nhiệt ở can, giáng hỏa giải độc

Theo dược lý hiện đại, cúc hoa có tác dụng hỗ trợ tăng lưu lượng máu ở mạch vành làm giảm thiếu máu cơ tim, hạ huyết áp.

Hòe hoa vị đắng, tính bình; quy kinh can, đại trường có công năng lương huyết, chỉ huyết. Theo dược lý hiện đại trong nụ hoa hòe có chứa hàm lượng rutin rất cao (6-30%). Rutin có trong hòe hoa có tác dụng tăng cường bền thành mạch, giúp ổn định và hạ huyết áp, hỗ trợ phòng ngừa tai biến mạch máu não.

Trong trà xanh có chứa các thành phần chất chống oxy hóa mạnh, các flavonoid trong trà giúp hỗ trợ giảm lắng đọng và xơ vữa động mạch ở người tăng huyết áp.

Vì vậy, khi sử dụng trà cúc hòe mỗi ngày không chỉ giúp hỗ trợ hạ huyết áp mà còn giúp hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến mạch vành, mạch mãu não.

photo-1672980545782

Trà hoa cúc.

2. Trà lá sen quyết minh tử

- Thành phần: Hạt thảo quyết minh 12g, lá sen 12g.

- Cách làm: Đun sắc các dược liệu trên trong 200-300ml nước, chắt bỏ bã lấy nước uống.

- Công dụng: Theo y học cổ truyền, lá sen có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thanh thử, lợi thấp. Theo dược lý hiện đại, lá sen có chứa các loại alkaloids và flavonoid các tác dụng hỗ trợ phòng chống xơ cứng, xơ vữa động mạch, hạ mỡ máu và hỗ trợ hạ áp.

Thảo quyết minh có vị mặn tính bình, quy 2 kinh can thận; có tác dụng thanh can, khử phong, sáng mắt, an thần, nhuận tràng, thông tiện. Theo dược lý hiện đại, thảo quyết minh có tác dụng hạn chế hình thành mảng xơ vữa động mạch, hỗ trợ hạ triglyceride máu và choloesterol máu, hạ huyết áp.

Loại trà này đặc biệt thích hợp những người thể chất béo mập, ít vận động, chân tay nặng nề, hay mệt mỏi, ít hay cảm giác đàm vướng cổ. Sau khi ăn uống một cốc trà lá sen quyết minh tử giúp cải thiện chức năng chuyển hóa, loại bỏ chất béo dư thừa, hỗ trợ hạ mỡ máu.

photo-1672980562154

Trà lá sen hỗ trợ hạ mỡ máu và hạ áp.

3. Nước ép cần tây tươi

- Thành phần: 250g cần tây tươi.

- Cách làm: Cần tây rửa sạch, chần trong nước sôi trong 2 phút, cắt nhỏ ép lấy nước. Ngày có thể uống 2 lần, mỗi lần một nửa chén.

- Công dụng: Trong cần tây rất giàu kali, nên có tác dụng hỗ trợ hạ áp và xơ cứng mạch máu. Ngoài ra apigenin có trong cần tây có thể hỗ trợ làm giãn mạch máu, giảm phản ứng áp lực, do đó hạ huyết áp.

photo-1672980569551

Nước ép cần tây có tác dụng hạ áp.

4. Nước ép cà chua

- Thành phần: 200-300g cà chua tươi.

Cách làm: Cắt bổ làm tư trái cà chua, bỏ hạt, cho vào máy ép lấy nước. Ngày có thể uống 1 – 2 lần, mỗi lần 1 ly 250-300mL.

- Công dụng: Cà chua chứa nhiều kali và sắc tố hữu cơ carotenoid lycopene, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Ăn cà chua mỗi ngày có thể giúp hỗ trợ giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như huyết áp cao.

photo-1672980576767

Nước ép cà chua tốt cho người bệnh cao huyết áp.

Mời bạn xem tiếp video:

4 sai lầm khi ăn cơm có thể khiến bạn mắc bệnh dạ dày? SKĐS


BS. Bùi Thị Yến Nhi
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3
Ý kiến của bạn