4 loại trà dược tốt cho người mắc bệnh đường hô hấp

SKĐS - Bệnh đường hô hấp bao gồm rất nhiều thể bệnh như: Viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, hen phế quản, viêm phổi… Một số loại trà dược rất tốt cho người mắc các bệnh này.

Đông y cho rằng, các bệnh đường hô hấp là do sức đề kháng suy giảm, tà khí thừa cơ xâm nhập vào cơ thể làm cho mối quan hệ sinh khắc của các tạng phủ bị cản trở mà sinh ra bệnh.

Trong Đông y, trà dược trị bệnh đường hô hấp được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên, giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị, thích hợp dùng hàng ngày, giảm nhẹ các triệu chứng bệnh lý của bệnh.

1. Trà linh chi ngân nhĩ tốt cho người mắc bệnh đường hô hấp

- Thành phần: Linh chi, ngân nhĩ, liều lượng bằng nhau, sấy khô, tán vụn, trộn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy 10-15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút là dùng được. Khi dùng cho thêm chút đường phèn.

- Công dụng: Tư âm, nhuận phế, chỉ khái trừ đờm, an thần, ích trí... dùng cho người bị viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, suy nhược thần kinh.

- Tác dụng của vị thuốc:

+ Linh chi có tác dụng "phù chính khu tà" tăng cường miễn dịch là cơ bản. Với bệnh viêm phế quản mạn và hen suyễn, linh chi ức chế tế bào thượng bì phế quản, làm giãn cơ trơn phế quản, tiêu trừ phản ứng quá mẫn.

+ Ngân nhĩ vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, trị suy nhược cơ thể, các chứng bệnh đường hô hấp, tăng huyết áp, thiếu máu não.

photo-1695736154289

Trà linh chi ngân nhĩ hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp.

2. Trà bách hợp ngư thảo

- Thành phần: Bách hợp 10g, ngư tinh thảo 10g, đại táo 5g. Tất cả đem hãm với nước sôi 20 phút.

- Công dụng: Nhuận phế, bổ hư, giảm ho tiêu đờm... dùng cho những người viêm phổi phế quản, hen phế quản, viêm họng...

- Tác dụng vị thuốc:

+ Bách hợp vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào kinh tâm và phế, có tác dụng nhuận phế trị chứng tâm âm hư, phế âm hư có các biểu hiện ho lâu ngày, ho khan, ho có đờm/

+ Ngư tinh thảo vị hăng, chua và cay, tính mát, vào kinh phế có tác dụng giảm ho hoặc giãn phế quản.

+ Đại táo tính ôn, vị ngọt, có công dụng bổ t, nhuận phế, giảm ho, điều hòa khí huyết.

3. Trà kỷ tử tang diệp

- Thành phần: Kỷ tử 5g, râu ngô 10g, tang diệp 5g, đại táo 3g. Tất cả sơ chế thái vụn đem hãm nước sôi, uống hằng ngày.

- Công dụng: Nhuận phế, bổ thận khí, trừ phong, tiêu khát, mát gan, lợi niệu... dùng cho người viêm phổi, viêm phế quản, viêm gan, viêm đường tiết niệu, thận hư gây đau lưng mỏi gối…

- Tác dụng vị thuốc:

+ Kỷ tử có tính bình, vị ngọt, có công dụng bổ gan thận, nhuận phế, tăng cường miễn dịch.

+ Tang diệp, có vị ngọt, đắng, tính mát, chữa cảm, ho, sốt, ho, viêm họng, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, cao huyết áp.

+ Râu ngô có vị ngọt, tính bình vào kinh phế, tâm, can, thận, có tác dụng mát gan, tiêu đờm, lợi niệu.

+ Đại táo tính ôn, vị ngọt, có công dụng bổ tỳ, nhuận phế, giảm ho, điều hòa khí huyết.

photo-1695736155393

Trà kỷ tử tang diệp hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp

4. Trà lô căn mạch đông

- Thành phần: Lô căn 150g, mạch môn đông 120g. Hai thứ rửa sạch, thái vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín.

- Công dụng: Thanh nhiệt giải thử, dưỡng âm sinh tân, chỉ khát trừ phiền... dùng cho người có các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, họng khô, miệng khát, viêm đường tiết niệu, viêm da...

- Tác dụng vị thuốc:

+ Lô căn vị ngọt, tính hàn, vào các kinh phế, vị và thận; có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, mát phổi, dịu ho, chữa các chứng bệnh về phổi, ho có đờm, các chứng thực nhiệt ở trong phế: ho do cảm mạo phong nhiệt, viêm phế quản cấp tính.

+ Mạch môn đông vị ngọt, hơi đắng tính hơi hàn, vào 3 kinh tâm, phế và vị; có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, hóa đờm, giảm ho, dùng chữa hư lao, ho, thổ huyết, ho ra máu, miệng khô khát, bệnh nhiệt tân dịch khô.

Mời bạn xem thêm video:

Đau mắt đỏ tăng, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, không để thiếu thuốc | SKĐS

BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn