Sâu răng là một vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới. Các bệnh răng miệng gây hậu quả ở nhiều mức độ về sức khỏe răng miệng và sức khỏe chung.
Sâu răng không phải là bệnh cấp tính và nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc.
Theo nghiên cứu của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, các bệnh lý răng miệng trong đó có sâu răng ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 80-85% dân số Việt Nam ở mọi lứa tuổi.
1. Vì sao răng bị sâu?
Sâu răng là một bệnh nhiễm khuẩn của tổ chức canxi hóa được đặc trưng bởi sự phá hủy các thành phần khoáng trong cấu trúc răng. Sự hủy khoáng của thành phần vô cơ và sự phá hủy thành phần hữu cơ của mô cứng làm cho cấu trúc răng bị mềm đi và sụp xuống tạo thành các khoang gọi là lỗ sâu răng.
PGS.TS.BS Phạm Như Hải, nguyên Trưởng khoa Răng miệng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba cho biết: Cơ chế gây sâu răng là do vi khuẩn làm giảm nồng độ PH trong khoang miệng dẫn đến tan chảy các tổ chức cứng của răng. Nguyên nhân sâu răng do vi khuẩn, thức ăn và cơ địa tại chỗ.
Vi khuẩn gây sâu răng chủ yếu là Streptococcus Mutans có sẵn trong miệng. S.Mutans có khả năng lên men carbohydrate tạo ra axit, làm giảm pH trong khoang miệng xuống < 5. Việc giảm độ pH liên tục dẫn đến quá trình khử khoáng trên bề mặt răng, làm ăn mòn các mô cứng của răng và từ đó khởi phát các lỗ sâu răng.
Thức ăn cho vi khuẩn này là chất đường, chất bột hay tinh bột. Khi chúng ta ăn quá nhiều thức ăn chứa đường và tinh bột thì chúng ta sẽ cung cấp thức ăn cho vi khuẩn phát triển. Khi có thức ăn dính lên mặt răng đặc biệt là đường và tinh bột, các vi khuẩn sẽ phân hủy thức ăn tạo nên acid ăn mòn men răng tạo thành lỗ sâu.
Răng bị sâu sẽ có cảm giác ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì sẽ bị viêm tủy gây đau và ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng có thể dẫn đến viêm tủy răng, nhiễm trùng, đau nhức và thậm chí là mất răng.
2. Các loại thực phẩm gây sâu răng
Tiến sĩ Cary Goldstein - một nha sĩ tại Trung tâm Nha khoa Goldstein ở Atlanta, Hoa Kỳ cho biết: Có nhiều loại thực phẩm và đồ uống thực sự làm hại đến răng của bạn. Đó là những loại thức ăn ưa thích của vi khuẩn gây sâu răng hoặc góp phần làm mòn lớp men bảo vệ của răng.
2.1 Đồ uống có đường
Đồ uống có đường rất hại cho răng của bạn.
Nếu bạn uống nhiều đồ uống có đường một cách thường xuyên, bạn có thể đang âm thầm làm hỏng răng của mình. Đồ uống như soda, nước tăng lực và nước ngọt đóng chai có thể góp phần gây sâu răng theo thời gian.
Tiến sĩ Goldstein giải thích: "Đường trong những loại đồ uống này dễ dàng dính vào răng và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn sản xuất axit, có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám gây sâu răng và đổi màu răng".
Tiến sĩ Goldstein đưa ra lời khuyên: Nếu bạn định uống đồ uống có đường, chủ động vệ sinh răng miệng ngay sau đó là điều cần thiết cho sức khỏe răng miệng của bạn. Nên dùng ống hút để hạn chế sự tiếp xúc đồ uống vào răng bạn. Và hãy nhớ, chỉ nên uống một cách điều độ và súc miệng bằng nước ngay sau đó.
2.2 Thức ăn dính
Đây là điều mà mọi người có thể không nghĩ đến để bảo vệ sức khỏe răng miệng, nhưng thực sự những thức ăn dính như kẹo hoặc thậm chí trái cây sấy khô có thể dần dần trở thành một vấn đề cho răng của bạn theo thời gian.
Tiến sĩ Goldstein cho biết: "Những thức ăn này mắc kẹt giữa răng của bạn và khó có thể loại bỏ chỉ bằng cách đánh răng. Chúng cũng thường chứa đường, có thể dẫn đến sâu răng theo thời gian. Để giảm nguy cơ sâu răng, hãy chọn những món ăn nhẹ lành mạnh hơn, không dính như rau củ sấy, các loại hạt và phomai".
2.3 Thực phẩm có tính axit
Thực phẩm có tính axit có thể làm suy yếu men răng.
Theo Tiến sĩ Goldstein, các loại thực phẩm có tính axit cao như trái cây họ cam quýt, cà chua và giấm có thể làm suy yếu men răng của bạn."Mặc dù những thực phẩm này tốt cho sức khỏe nhưng axit có trong chúng có thể ăn mòn men răng của bạn và gây sâu răng".
Tiến sĩ Goldstein đưa ra lời khuyên: Nếu bạn chọn ăn thực phẩm có tính axit, hãy nhớ súc miệng bằng nước sau đó để giúp trung hòa axit.
2.4 Carbohydrate tinh chế
Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng một số carbohydrate như bánh mì và khoai tây chiên cũng có thể dẫn đến sâu răng.
Tiến sĩ Goldstein giải thích: "Vi khuẩn trong miệng ăn đường có trong carbohydrate, có thể góp phần hình thành mảng bám và sâu răng. Vì vậy, để hạn chế sâu răng hãy đảm bảo chải răng đúng cách và dùng chỉ nha khoa sau khi ăn carbohydrate. Ngoài ra, hãy chọn các loại carbohydrate lành mạnh hơn như trái cây, rau và ngũ cốc".
Việc nhận thức được những loại thực phẩm có thể đang âm thầm làm hỏng răng của bạn có thể giúp bạn bảo vệ nụ cười của mình và giữ cho răng khỏe mạnh trong nhiều năm tới.
Cuối cùng, nếu bạn lo lắng về khả năng bị sâu răng và muốn hiểu rõ hơn loại thực phẩm và đồ uống nào có thể góp phần vào tình trạng sức khỏe răng miệng hiện tại của mình, bạn luôn có thể có thêm thông tin bằng cách thảo luận về các nhu cầu cụ thể của mình với bác sĩ nha khoa.
Để phòng tránh sâu răng, ngoài việc hạn chế đồ ăn ngọt, nhiều tinh bột, bạn nên có thói quen chăm sóc răng thật tốt. Muốn duy trì sức khỏe răng miệng lâu dài, bà mẹ mang thai cần có chế độ chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ lúc thai kỳ, tránh mắc các loại bệnh ảnh hưởng đến răng và có chế độ dinh dưỡng đúng cách, hợp lý để đứa trẻ sinh ra sẽ có hàm răng tốt.
Đối với trẻ em, cha mẹ cần vệ sinh răng miệng ngay từ khi có răng sữa đầu tiên. Cần hỗ trợ trẻ vệ sinh răng miệng cho đến 6 tuổi, cho trẻ đánh răng tối thiểu một lần buổi tối. Hướng dẫn trẻ cách đánh răng đúng phương pháp và thường xuyên khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần ở địa chỉ nha khoa uy tín.
Xem thêm video đang được quan tâm
5 cách uống nước giúp bạn giảm cân khi tập luyện.