1. Chế độ ăn uống có thể giúp hỗ trợ chữa lành vết loét dạ dày
Loét dạ dày là những vết loét phát triển trong niêm mạc của đường tiêu hóa, gây ra những cơn đau bụng âm ỉ kèm theo ợ hơi, ợ chua rất khó chịu.
Khi người bệnh ăn một số loại thực phẩm có thể kích thích sản xuất axit dạ dày hay làm tổn thương vết loét có thể làm tăng thêm cơn đau rát và làm chậm quá trình lành vết thương.
Vì vậy, khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng, một trong những biện pháp đầu tiên người bệnh cần làm là điều chỉnh chế độ ăn uống. Cần chọn những thực phẩm có tính làm dịu, bao bọc niêm mạc dạ dày, không làm tổn thương vết loét và tránh những thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Xanh Pôn, nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm loét dạ dày - tá tràng là: Nhiễm vi khuẩn HP, sinh hoạt không điều độ, lạm dụng quá nhiều thuốc, căng thẳng, chế độ ăn uống không hợp lý.
Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng bao gồm điều thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp như: ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no. Tránh các chất kích thích, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
Những thực phẩm tốt cho dạ dày là các thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu chất xơ hoặc lợi khuẩn có thể giúp làm dịu các triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành bệnh.
Nên tránh các loại thực phẩm giàu chất béo, thức ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn; các loại gia vị, đồ uống có thể gây kích ứng dạ dày như: cà phê, trà, nước ngọt có gas, hạt tiêu, ớt…
2. Thực phẩm an toàn cho người bị viêm loét dạ dày - tá tràng
2.1. Thức ăn mềm
Các thức ăn mềm, nấu chín kỹ từ các loại gạo, ngũ cốc kết hợp với protein nạc như thịt lợn nạc, thịt bò nạc, thịt gia cầm không da, cá, trứng… rất giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, lại có tác dụng bao bọc niêm mạc và tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày ruột, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét.
Thức ăn nên chế biến dưới dạng cháo, súp, món hầm nhừ như: cháo thịt lợn, cháo thịt bò, súp gà, thịt hầm rau củ quả…
2.2. Thực phẩm giàu chất xơ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu chất xơ làm giảm nguy cơ loét dạ dày do có tác dụng giảm axit dạ dày. Người bệnh nên lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ như: rau và trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
Yến mạch, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ lành mạnh, được hấp thụ tốt trong dạ dày, giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm axit trào ngược lên thực quản.
2.3. Thực phẩm chứa lợi khuẩn
Thực phẩm có chứa men vi sinh (vi sinh vật có lợi cho đường tiêu hóa) có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương bằng cách ngăn chặn vi khuẩn H.P bám vào niêm mạc dạ dày.
Sữa chua hay một số sản phẩm sữa lên men như kefir rất tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa, cung cấp những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, tạo điều kiện hấp thu tốt các chất dinh dưỡng đồng thời tránh được các hiện tượng khó tiêu, đầy bụng do bệnh dạ dày gây ra.
2.4. Thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa
Các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau và trái cây rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giúp giảm viêm trong cơ thể và cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém ở người mắc bệnh lý dạ dày.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa cũng có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn H.P trong ruột.
Có nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp chất chống oxy hóa như: quả mọng, ca cao, thảo mộc, đậu, atisô, táo, các loại hạt, anh đào, rau lá xanh đậm, cà phê, trà, ngũ cốc nguyên hạt, nho, cà chua, khoai tây, khoai lang, bơ, lựu...
Người bệnh nên ăn các loại rau lá xanh, rau màu đỏ tươi và cam, rau họ cải. Tránh ớt cay và cà chua, hoặc các sản phẩm làm từ chúng vì chúng có thể gây trào ngược.
Hạn chế hoặc tránh ăn trái cây họ cam quýt vì chúng thường chứa nhiều axit có thể gây kích thích trào ngược dạ dày-thực quản.
Người bị viêm loét dạ dày - tá tràng cần lưu ý không nên ăn quá no hay để quá đói, nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Không nên uống quá nhiều nước mỗi lần, mỗi lần chỉ nên uống dưới 200ml giữa các bữa ăn.
Nên ăn chậm nhai kỹ. Ngồi thẳng trên ghế khi ăn để tránh chèn ép dạ dày. Sau khi ăn không nên vận động mạnh. Ăn bữa ăn tối ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ, không ăn khuya để tránh dạ dày hoạt động quá tải về đêm.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?