4 loại bệnh trẻ em hay gặp nhất mùa nắng nóng cha mẹ cần biết

25-05-2018 09:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng mùa hè là thời kỳ trẻ dễ mắc bệnh về tiêu chảy, viêm não Nhật Bản, da liễu. Ngoài ra, trẻ cũng rất dễ bị say nắng, say nóng nếu chơi đùa quá lâu ngoài trời khi nhiệt độ lên cao.

Dịch viêm não Nhật Bản - Nỗi lo sợ trong mùa hè

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản (VNNB) hay còn gọi là viêm não B, là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não trong đó có VNNB. Đây là căn bệnh được xem là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỉ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ (từ 10-20%) hoặc gây ra những di chứng thần kinh như động kinh, giảm học lực, giảm thính lực… Những di chứng này khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đây cũng chính là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè.

Theo BS. Lâm, VNNB diễn biến theo 3 giai đoạn: ủ bệnh - toàn phát - lui bệnh. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 5 đến 14 ngày, trung bình là 1 tuần. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 độ C – 40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

Thời kỳ toàn phát: Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virus xâm nhập vào tế bào não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản do vậy khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran rít, ran ngáy và cả ran nổ. Mạch thường nhanh và yếu. Thời kỳ toàn phát diễn ra ngắn bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại BV Nhi Trung ương.

Thời kỳ lui bệnh: Thông thường bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt đô giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh và không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần.

Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn thâm thần…

Đẻ phòng bệnh VNNB, các bác sĩ khuyến cáo tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng VNNB: tiêm 2 lần cách nhau 7 – 14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3 -4 năm tiêm nhắc lại. Cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt. Vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.

Bệnh tiêu chảy “vào mùa”

Mùa hè với khí hậu nóng, ẩm là thời kỳ cao điểm các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong và sau các kỳ nghỉ lễ dài, khi gia đình có phần lơ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bé. Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ phải nhập viện.

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tiêu chảy có thể kể đến là: yếu tố vệ sinh (trẻ bú bình có nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình), ăn bổ sung không đúng cách (cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biên), nước uống không sạch, dụng cụ-tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh, xử lý chất thải không đúng cách, không rửa tay trước khi cho trẻ ăn

Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Cần chú ý bù nước đúng cách cho trẻ bằng thuốc oresol theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Đáng chú ý, khi trẻ bị tiêu chảy cần phải bù nước và điện giải, cha mẹ cần đặc biệt tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua các loại thực phẩm chức năng dạng oresol để bù nước cho con. Khoa Nhi, BV Bạch Mai mới đây đã tiếp nhận một số trẻ trong tình trạng nguy kịch sau uống TPCN dạng oresol để bù nước (thay vì uống thuốc oresol). PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, loại TPCN này chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng; uống vào sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương khuyến cáo, để phòng tiêu chảy ở trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh tay, xử lý chất thải đúng quý định. Ngoài ra, các gia đình cần sử dụng kháng sinh dự phòng khi du lịch vào vùng có nguy cơ cao. Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Coi chừng say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là ở trẻ em các vùng nông thôn. Khi bị say nắng, say nóng, người bệnh thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu…. thậm chí gây ra hiện tượng đột quỵ và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Nguyên nhân của say nắng là do trẻ đùa nghịch quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động, gây ra rối loạn điều hòa thân nhiệt và mất nước cấp. Bệnh nhi bị say nắng thường có biểu hiện nặng ngay từ đầu, có thể có dấu hiệu thần kinh sớm. Tổn thương này có thể hồi phục hoặc không thể hồi phục.

Với say nóng, trẻ có tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, phải hoạt động trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra xung quanh. Do đó, trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Không để trẻ chơi đùa quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức.


Khi bị say nắng, say nóng, bệnh nhân đều có các biểu hiện tăng thân nhiệt dẫn đến đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không được bù dịch kịp thời sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải và có thể tử vong. Tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực. Mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở, chuột rút. Hôn mê, trụy mạch, tử vong.

Trước một trường hợp say nắng, say nóng, người bên cạnh bệnh nhân cần nhanh chóng tiến hành sơ cứu ngay lập tức trước khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế bằng cách: Chuyển bệnh nhi vào chỗ mát, thoáng gió. Cởi bỏ bớt quần áo. Cho uống nước pha muối. Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở các vị trí có động mạch lớn như nách, bẹn, cổ. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn phải chườm mát cho nạn nhân. Không để trẻ chơi đùa quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Uống đầy đủ nước khi trời nóng. Làm thoáng mát môi trường xung quanh...

Bệnh ngoài da: rôm sảy, mụn nhọt

Các bệnh ngoài da như rôm sảy, mụn nhọt... thường xảy ra với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, nguyên nhân do cơ thể trẻ quá nóng, da sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi và xuất hiện rôm sảy. Việc dùng tã lót cho trẻ một cách thiếu cẩn thận, không thay mới thường xuyên cũng khiến trẻ bị rôm sảy.

Theo các bác sĩ, bệnh mụn nhọt ở mức độ nhẹ có thể tự khỏi và không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bị nặng hơn, mụn nhọt có thể gây đau nhức, sốt, biếng ăn, hay bứt rứt, phải đưa trẻ đi khám và chích mụn dẫn lưu mủ.

Để phòng bệnh, trẻ cần được vệ sinh thân thể sạch sẽ, mặc các loại quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi. Cần thay quần áo thường xuyên cho trẻ, cần lau mát để tránh mồ hôi ứ đọng trên da. Không thoa các loại kem có chất mỡ, nhờn trên da để tránh làm tắc lỗ chân lông, gây ngứa ngáy.


Dương Hải
Ý kiến của bạn