1. Nguyên nhân gây chóng mặt
Chóng mặt là một biểu hiện của bệnh lý, khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy quay cuồng, mọi vật xung quanh chuyển động quay tròn, mất thăng bằng, có thể té ngã.
Triệu chứng chóng mặt có thể gặp trong một số bệnh như: Chấn thương ở vùng đầu, tổn thương vùng tiền đình ốc tai, tiền sử tiểu phẫu và phẫu thuật ở tai, tổn thương dây thần kinh tiền đình, các bệnh lý tại vùng tiểu não, thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến chèn ép động mạch đưa máu lên não...
Phần lớn chóng mặt không gây nguy hiểm cấp tính đến tính mạng, tuy nhiên triệu chứng sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, sinh hoạt thường nhật của người bệnh. Bệnh nhân có thể gặp phải một số vấn đề khác do chóng mặt gây ra như: Suy nhược cơ thể, buồn nôn, nôn, ù tai, té ngã dẫn đến chấn thương hoặc đa chấn thương...
Chóng mặt có bệnh danh 'huyễn vựng' trong Đông y, hoặc một số tài liệu sẽ ghi là đầu vựng, đầu vậng...
Huyễn vựng là tình trạng nhìn mọi vật tối sầm lại, xoay chuyển, tròng trành như ngồi trong thuyền, trong xe... bệnh trở nên nặng hơn khi bệnh nhân mở mắt, kèm theo đó, bệnh nhân sẽ đứng ngồi không vững, cảm thấy buồn nôn, có thể té ngã…
2. Một số huyệt vị làm giảm chóng mặt
Xoa bóp bấm huyệt có thể giảm triệu chứng chóng mặt, cảm thấy lênh đênh, buồn nôn...
2.1 Huyệt bách hội
Bách thường hiểu với nghĩa hàng trăm, tuy nhiên ở đây ta sẽ hiểu với nghĩa là rất nhiều. Hội có nghĩa là nơi tụ họp. Huyệt bách hội ám chỉ đó là nơi hội tụ của các kinh dương của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể. Đây cũng là nơi đưa đón nhận, đưa khí từ bên ngoài vào trong cơ thể và ngược lại.
Xoa bóp bấm huyệt bách hội có tác dụng khai khiếu, định thần, thanh thần chí, tiết nhiệt động, tiềm can dương... giúp bệnh nhân tỉnh táo, giảm ảo giác mọi vật chuyển động xoay tròn, ổn định lại tinh thần, loại bỏ một phần nguyên nhân gây huyễn vựng... Do đó, huyệt bách hội đóng vai trò quan trọng trong điều trị giảm triệu chứng chóng mặt.
Vị trí huyệt: Huyệt nằm ở đỉnh đầu, là nơi giao nhau vuông góc của hai đường thẳng, xác định như sau: Đường thứ nhất nối từ đỉnh hai vành tai, đường thứ hai xuất phát từ chính giữa hai đầu lông mày (đường dọc giữa đầu) tiến thẳng lên trên, giao với đường thứ nhất ở đâu đó chính là vị trí huyệt bách hội.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn ngược kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
2.2 Huyệt đầu duy
Huyệt đầu duy còn có tên gọi khác là huyệt tảng đại. Huyệt từ lâu đã được ứng dụng trên lâm sàng rộng rãi với chứng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu... là huyệt chủ trị các bệnh vùng đầu mặt.
Theo phương pháp bấm huyệt điều trị bệnh, huyệt đầu duy được biết đến với công dụng trấn thống, tiết nhiệt, khu phong... có tác dụng tại chỗ để cắt cơn hoa mắt, chóng mặt, đau đầu ngay tức thì.
Vị trí huyệt: Đặt ngón tay lên hai bên trán, phần tiếp giữa da mặt và chân tóc, sau đó cắn hàm lại, nơi ụ cơ nổi lên chính là huyệt đầu duy.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn ngược kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
2.3 Huyệt phong trì
Phong trì là một huyệt nằm ở vùng vai gáy, có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, thuộc 1 trong 36 huyệt tử được nhắc tới trong nhiều y văn cổ.
Huyệt phong trì có vai trò quan trọng trong việc điều trị chứng huyễn vựng, có tác dụng an thần, khu phong, thông nhĩ, minh mục, kiện não... Phong trì giúp người bệnh lấy lại thăng bằng, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tiền đình ốc tai, sáng mắt... Vậy nên cần được áp dụng ngay khi bệnh nhân xuất hiện chóng mặt.
Vị trí huyệt: Xòe ngón tay hai bàn tay, dùng lòng bàn tay ôm lấy tai, ngón tay cái hướng xuống dưới, sau đó dùng ngón tay cái vuốt dọc qua ụ xương chẩm thấy một chỗ lõm giữa hai cơ nổi gồ lên ở sau gáy.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn ngược kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
2.4. Huyệt thái xung
Là một huyệt nằm ở bàn chân, mặc dù không có tác dụng tại chỗ, tuy nhiên huyệt có tác dụng toàn thân hiệu quả với trường hợp bệnh nhân gặp các triệu chứng chóng mặt.
Theo một số tài liệu tác dụng huyệt vị được lưu truyền đến tận đời nay cho rằng, huyệt thái xung chủ trị nhiều bệnh lý trong cơ thể. Với công dụng tức can phong, bình can, thanh can hỏa... hỗ trợ điều trị với trường hợp bệnh nhân có cảm xúc nóng giận khiến tình trạng chóng mặt tiến triển nặng hơn.
Vị trí huyệt: Ở mặt mu chân, xác định khe ngón 1 và ngón 2 bàn chân, từ đó đo lên 1,5 thốn.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn ngược kim đồng hồ, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần.
Ngoài ra, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện phù hợp. Tránh lao động quá sức, cơ thể suy kiệt, căng thẳng stress kéo dài.
Lưu ý, phương pháp day, bấm huyệt ở bài này giới hạn với bệnh nhân đang trong thời điểm có triệu chứng chóng mặt. Mọi thủ thuật điều trị, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, vì vậy khi bị chóng mặt, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị, tránh tự ý điều trị có thể gặp những biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tập yoga có tốt cho tim mạch?