4 hướng mới điều trị Herpes trong tương lai

27-04-2018 14:21 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Herpes là bệnh thường gặp, do virut Herpes (HSV) gây ra. Tuy nhiên, điều trị hiện nay chỉ hạn chế với các thuốc kháng virut và chỉ hiệu quả 50% trong việc giảm sự lây truyền.

Các bệnh nhân nhiễm HSV có thể vẫn phải dùng thuốc suốt đời và là gánh nặng mỗi ngày đối với người bệnh. Do vậy, việc tìm ra các phương pháp điều trị mới là rất cần thiết.

1. Các thuốc kháng virut mới

Năm 1982, việc phát minh và sử dụng thuốc acyclovir mang lại hiệu quả ức chế sự nhân lên của virut.  Từ đó, các thuốc kháng virut tương tự nucleoside và dẫn chất của nó là các loại thuốc đầu tiên và vẫn là vũ khí duy nhất chúng ta có để chống lại căn bệnh này.

Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng nhưng vẫn có những hạn chế, bởi khả năng ức chế virut nhân lên của các thuốc này không đủ mạnh, khi dùng lâu dài, chúng chỉ làm giảm sự lây truyền của virut ở mức 50%. Các thuốc này không có mấy tác dụng với các trường hợp nhiễm Herpes nặng, có nguy cơ tử vong cao, chẳng hạn như viêm não và nhiễm Herpes sơ sinh.

Vì thế, một thế hệ thuốc kháng virut mới gọi là nhóm thuốc ức chế men helicase đang được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển, góp phần cải tiến các lựa chọn sẵn có trong điều trị bệnh Herpes.

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của nhóm ức chế men helicase là hoạt chất pritelivir với liều hàng ngày 75mg cho thấy giảm sự lan truyền của virut trên nhóm dùng thuốc xuống chỉ còn 2,1% so với 16,6% của nhóm dùng giả dược. Một hoạt chất khác thuộc nhóm thuốc ức chế men helicase cũng đang được phát triển bởi một công ty dược phẩm của Nhật Bản và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm III.

4 hướng mới điều trị Herpes trong tương laiMụn rộp do Herpes.

Việc sử dụng nhóm thuốc ức chế men helicase trong điều trị Herpes sinh dục vẫn cần được nghiên cứu thêm về tính an toàn. Nhưng các nỗ lực trên con đường nghiên cứu một lựa chọn mới trong điều trị Herpes ở những bệnh nhân tái phát nặng và nguy cơ cao là rất đáng được ghi nhận.

2. Vắc-xin điều trị Herpes

Đa số hệ miễn dịch của cơ thể đều có khả năng chống lại virut Herpes và khiến chúng tồn tại ở thể ẩn, không gây nguy hại cho sức khỏe. Bởi vậy, một hướng đi khác cho các nhà khoa học là bổ sung cho các cá nhân này hệ miễn dịch đầy đủ hơn để đẩy lùi virut Herpes.

TS. Seth Hetherington - Giám đốc y tế của Công ty Công nghệ sinh học Genocea,  Cambridge, Hoa Kỳ cho biết: “Đa số các bệnh nhân nhiễm Herpes nhẹ đến vừa có đáp ứng miễn dịch tế bào T hiệu quả”. Do đó, các nhà khoa học dựa vào đó để phát triển vắc-xin điều trị cho HSV2 sinh dục có tên là GEN-003.

Khoảng 600 bệnh nhân nhiễm HSV2 sinh dục đã tham gia nghiên cứu đánh giá khả năng gây đáp ứng tế bào T và làm giảm hoạt động của virut HSV2 của vắc-xin GEN-003. Trong một nghiên cứu giai đoạn II, vắc-xin GEN-003 đã làm giảm khả năng lan truyền virut qua da khoảng 50% trong ít nhất 12 tháng. Kết quả này tương đương với hiệu quả điều trị đạt được khi sử dụng các thuốc kháng virut tương tự nucleoside hằng ngày. Nhưng so sánh về tiện ích sử dụng thì GEN-003 có lợi thế hơn. Bệnh nhân không cần phải uống thuốc hằng ngày mà chỉ cần dùng 3 liều được chia đều cách nhau 21 ngày mà cũng đem lại hiệu quả phòng ngừa bảo vệ tương đương. Do đó, GEN-003 có lý do để trở thành một lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong điều trị dài hạn dùng thuốc.

Các nhà khoa học đang có kế hoạch bắt đầu một nghiên cứu giai đoạn III của vắc-xin GEN-003. Theo kế hoạch này, công ty sẽ đệ trình đơn xin chấp thuận tới Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA vào cuối năm 2019 và để có thể đưa vắc-xin ra thị trường vào năm 2020.

3. Vắc-xin dự phòng Herpes

Mặc dù đã tìm kiếm và thử nghiệm suốt 50 năm, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm được một loại vắc-xin dự phòng hiệu quả. Mới đây, một sản phẩm vắc-xin mới đã xuất hiện và nhóm nghiên cứu từ Trường đại học Y khoa Albert Einstein, New York, Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cho thấy loại vắc-xin mới này cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại nhiều chủng HSV1 và HSV2 ở chuột. GS.TS. William Jacobs - người thực hiện nghiên cứu cho biết: Các chủng HSV đã được phân lập trực tiếp từ bệnh nhân và mặc dù có mức độ độc lực khác nhau, vắc-xin này được ghi nhận “bảo vệ chống lại tất cả chúng”.

Nhóm nghiên cứu hiện đang thử nghiệm vắc-xin trong một loạt các mô hình động vật và đã cho thấy kết quả bảo vệ tương tự nhau trong tất cả các nghiên cứu. Tuy nhiên, rất khó để chắc chắn một loại vắc-xin hoạt động tốt trên động vật có hoạt động tốt trên người hay không. Do đó, nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên người vào năm nay.

4. Chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9

Virut Herpes là một dạng virut rất “khôn ngoan và cứng đầu”. Một khi đã cư trú trong cơ thể, virut sẽ không bao giờ rời khỏi vật chủ. Trong thời kỳ phơi nhiễm ban đầu, virut Herpes nhanh chóng thâm nhập các tế bào thần kinh tại chỗ và chiếm đóng nơi này vĩnh viễn. Virut có thể ở dạng không hoạt động nhưng luôn sẵn sàng khởi bệnh hoặc tái phát.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu tin rằng khoa học có thể đã phát triển một phương pháp loại bỏ vĩnh viễn virut Herpes ra khỏi cơ thể. Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9 đang được sử dụng để nhắm mục tiêu và cắt các phần DNA cụ thể của virut Herpes. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Temple, Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ đang sử dụng kỹ thuật làm mất đi khả năng sao chép của các virut này với mục tiêu: “Loại bỏ hoàn toàn virut”. Hiện các nhà nghiên cứu đã áp dụng công nghệ này và đang nghiên cứu trên các mô hình động vật…).


DS. Trần Trang
Ý kiến của bạn