Đó là những thông tin hoàn toàn sai lệch về methadone và biện pháp điều trị bằng thuốc thay thế Methadone ở người nghiện các chất dạng thuốc phiện. ThS. BS Nguyễn Tuyết Mai – Trưởng Cơ sở điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng đã chỉ ra những hiểu biết sai lầm trong điều trị methadone như một số điều dưới đây:
Methadone là thuốc cai nghiện ma túy?
Theo BS Mai, Methadone là thuốc điều trị thay thế cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, đây không phải là thuốc cắt cơn, thuốc điều trị ngắn ngày, methadone là thuốc điều trị duy trì.
Trong điều trị Methadone có rất nhiều giai đoạn từ khởi liều, dò liều, điều chỉnh liều, duy trì đến ngừng điều trị. Đây là một phương pháp điều trị lâu dài nhưng có một số bệnh nhân có tâm lý sốt ruột, muốn ra khỏi chương trình và ngừng điều trị, nhưng hầu hết họ đều không tránh được những cám dỗ khi gặp lại bạn bè cũ hay bị rủ rê.
Chính vì thế, không chỉ thế giới mà cả ở Việt Nam, các chuyên gia đều khuyên người bệnh càng ở lâu trong chương trình càng tốt. Vì càng ở lâu, họ sẽ càng được ổn định về tâm lý, kinh tế, gia đình, giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường. Nếu tuân thủ điều trị, bệnh nhân có thể dần giảm liều, tiến tới ngừng sử dụng methadone.
Ths.BS Tuyết Mai nhấn mạnh: "Đây là phương pháp điều trị thay thế chứ không phải cai nghiện. Nhiều người nhầm tưởng đây là phương pháp cai nghiện ngắn ngày như cắt cơn". Mỗi một bệnh nhân khi đến các cơ sở điều trị Methadone đều được giáo dục nhóm để truyền thông cho bệnh nhân và người nhà hiểu được mục đích của việc điều trị là điều trị lâu dài, cùng với quyết tâm của người bệnh sẽ đem lại hiệu quả.
Đặc biệt, phương pháp điều trị này dùng được cho cả người có HIV.
Thủ tục đăng ký tham gia uống Methadone rất phức tạp, và đắt đỏ
Cách đây khoảng chục năm, việc đăng ký tham gia chương trình điều trị bằng thuốc thay thế Methadone ở người nghiện các chất dạng thuốc phiện rất phức tạp với thủ tục rườm rà. Nhưng đến nay, thủ tục đã đơn giản đi rất nhiều. Người có nhu cầu tham gia chương trình uống methadone chỉ cần đến cơ sở điều trị Methadone (có ở trên 63 tỉnh thành trên cả nước với hàng trăm cơ sở điều trị) đăng ký, kèm theo bản photo chứng minh thư, căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu là được vào chương trình.
ThS.BS. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Cơ sở Điều trị Methadone quận Hai Bà Trưng cho biết, tại cơ sở này, bệnh nhân đang uống thuốc có đóng phí, chỉ 8.500đ/ ngày, nếu so với 200.000đ/ ngày hút chích thì đã tiết kiệm rất nhiều tiền cho bản thân người bệnh và cả xã hội. Nói chung chi phí cho một lần uống methadone rất thấp, mà lợi ích của nó đem lại rất nhiều như giảm các hành vi phạm tội, giảm chi phí xã hội do nghiện ngập, chi phí thấp so với các chương trình khác, thậm chí còn có hiệu quả tích cực trong phòng ngừa lây nhiễm HIV (do sử dụng ở dạng uống, không phải tiêm chích).
Uống methadone sẽ gây nghiện?
Thực chất, Methadone là một loại ma túy hợp pháp, được dùng để điều trị thay thế cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện hay ma túy bất hợp pháp. Mục tiêu của điều trị bằng Methadone là giúp người nghiện không còn bị lệ thuộc và dần từ bỏ được ma túy.
Chia sẻ về lý do nhiều người cho rằng dễ bị nghiện methadone, BS Mai lý giải, do methadone là thuốc thay thế thuộc nhóm opioid, nếu đang uống methadone mà ngừng đột ngột hoặc bỏ sẽ có dấu hiệu (biểu hiện) của việc ngừng đột ngột thuốc opioid như khó chịu, mệt mỏi. Khi xuất hiện hội chứng với những biểu hiện này, nhiều người nghĩ đó là nghiện methadone, nhưng thực tế không phải. Do đó không nên dừng đột ngột methadone. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để lên lộ trình giảm dần cho đến ngừng hẳn thuốc cho nhẹ nhàng.
Uống methadone có rất nhiều tác dụng phụ?
Với bất cứ loại thuốc nào đưa vào cơ thể đều có thể nhận được các tác dụng phụ và methadone cũng vậy. BS Mai cho biết, Methadone là thuốc thay thế của các chất dạng thuốc phiện nên nó sẽ có tác dụng phụ của chất thuộc nhóm opioid như khô miệng, táo bón, toát mồ hôi .... Nhiều người nghĩ rằng đây là những tác dụng phụ sẽ theo người bệnh suốt quá trình điều trị, nhưng thực chất các biểu hiện này sẽ dần mất đi sau 3 tháng điều trị.
Điều trị Methadone có rất nhiều giai đoạn từ khởi liều, dò liều, điều chỉnh liều, duy trì đến ngừng điều trị. Khi một bệnh nhân mới đến sẽ được tư vấn và khởi liều, ở giai đoạn đầu có thể có những tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên sau thời gian dò liều, bệnh nhân bước vào giai đoạn duy trì, khoảng 3 tháng sau bệnh nhân sẽ dần ổn định. "Chúng tôi khuyên bệnh nhân giảm các tác dụng phụ bằng cách uống thêm nước, ăn nhiều rau xanh, thường xuyên tắm rửa, mặc quần áo cotton. Sau khoảng 3 tháng các tác dụng phụ cũng hết đi", BS Mai nói.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân cần ăn sáng rồi mới được uống thuốc, đồng thời người bệnh nên duy trì việc đi vệ sinh vào 1 giờ nhất định để tránh táo bón.