Dưới đây là sai lầm thường gặp làm hại đôi môi và cách khắc phục giúp môi mượt mà, khỏe mạnh.
Không uống đủ nước
Một trong những nguyên nhân khiến môi khô có thể do bạn không uống đủ nước. Ngoài ra, môi khô cũng là dấu hiệu của stress xáo trộn cơ thể, làm suy giảm các dưỡng chất thiết yếu, bao gồm nước.
Bổ sung đủ nước không có nghĩa là buộc phải uống 8 ly nước một ngày. Các loại trà thảo mộc, nước dừa và thậm chí cả các loại trái cây, rau củ có hàm lượng nước cao (như mướp, dưa chuột…) có thể được tính vào lượng nước tổng thể bạn tiêu thụ. Lượng nước tối thiểu uống vào có thể khác nhau ở mỗi người nhưng nếu nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt (khi đó, đôi môi ít bị khô nẻ), bạn đang uống đủ nước.
Chọn sai son dưỡng
Hiện nay, nhiều loại son dưỡng giúp bảo vệ môi, chống khô nẻ nhưng thực sự không hấp thụ vào da, bổ sung nước. Nếu chứa thêm tinh dầu bạc hà hoặc long não, các loại son dưỡng này có thể gây kích ứng và khô môi hơn nữa.
Nhiều loại son dưỡng giúp bảo vệ môi, chống khô nẻ nhưng thực sự không hấp thụ vào da, bổ sung nước.
Thay vào đó, bạn hãy chọn một loại kem hoặc mỡ chứa hỗn hợp các chất giữ ẩm (như axít hyaluronic hoặc squalane, hút nước từ không khí vào da) hoặc kem dưỡng chứa các thành phần tự nhiên như bơ hạt mỡ, dầu bơ, jojoba…). Hãy bôi kem hoặc mỡ vào môi cả buổi sáng và tối, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy môi khô.
Dùng tay chà xát để xóa son
Việc chà xát làm bong da, khiến môi bị tổn thương, thô ráp. Để tránh điều này, bạn cần bôi một ít kem, dầu dưỡng ẩm lên môi, nhẹ nhàng dùng tay hoặc bàn chải mềm xoa bóp, lấy đi son và phần da chết. Bạn cũng có thể tẩy tế bào chết cho da môi khoảng 1 lần/tuần bằng cách dùng ít đường nâu trộn với dầu ô-liu hoặc dầu dừa, dùng ngón tay xoa nhẹ trong vài giây. Chú ý, không dùng muối tẩy tế bào chết ở môi vì sẽ làm môi nứt nẻ.
Không bôi kem chống nắng
Nếu son môi hoặc kem dưỡng mắt của bạn không chứa thành phần chống nắng, trước khi ra nắng, bạn nên bôi thêm kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15 (SPF 30 nếu đi biển).
H. Nhiên (Theo Women’s Health)