Nhiều cha mẹ khi có con mắc tiêu chảy do Rota virus thường lo lắng và không biết xử trí ra sao, khi nào cần nhập viện? Dưới đây là những ghi nhớ cha mẹ cần biết về vấn đề này.
- Cần cho trẻ khám và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường để nhập viện ngay
Khi trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rota virus thường có các biểu hiện như: Trẻ nôn, xuất hiện tình trạng sốt, tiêu lỏng. Và việc điều trị chủ yếu là bù dịch càng sớm càng tốt, do vậy, khi nghi ngờ tình trạng trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rota virus, cha mẹ hãy cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Trên thực tế không phải tất cả các trường hợp tiêu chảy do nhiễm Rota virus đều cần nhập viện điều trị, nhưng khi trẻ mắc bệnh, bác sĩ sẽ khám và đưa ra chỉ định trẻ có cần nhập viện hay không. Nếu trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ nhập viện. Đối với trẻ tiêu chảy mức độ nhẹ chưa cần nhập viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, khi chăm sóc trẻ tại nhà cha mẹ cũng cần phải theo dõi trẻ sát sao, nếu có dấu hiệu dưới đây cũng cần phải nhập viện, cụ thể.
+ Theo dõi trẻ xem có tình trạng khát nước, uống háo hức.
+ Trẻ có xuất hiện tình trạng khô miệng.
+ Xuất hiện tình trạng mất nước khiến mắt trũng kèm theo trẻ khóc không có nước mắt.
+ Xuất hiện đại tiện ra máu lẫn trong phân.
+ Trẻ đau bụng, quấy khóc.
+ Trẻ nôn nhiều, ăn gì nôn nấy.
+ Có biểu hiện sốt cao.
Khi trẻ có một trong các biểu hiện trên cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám.
- Cần nhớ bù nước điện giải Oresol đúng cách
Khi trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rota virus việc bù nước điện giải đúng cách là vô cùng quan trọng. Trên thực tế đã có nhiều trẻ nhập viện do cha mẹ pha sai cách.
Cha mẹ cần bù nước điện giải Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc đúng hướng dẫn trên bao bì. Thông thường 1 gói Oresol pha với 1 lít nước hay 1 gói Oresol pha với 200ml nước, pha bằng nước lọc hoặc nước sôi để nguội. Tuyệt đối không pha Oresol với sữa, nước trái cây, nước nóng...
Cách uống Oresol cũng cần chú ý, cha mẹ cần cho trẻ uống ít một và từng thìa nhỏ, không uống bằng cốc, không bú bằng bình. Nếu cha mẹ pha không đúng cách và tỷ lệ, cho trẻ uống không đúng cách sẽ không cải thiện triệu chứng, mà có thể khiến trẻ tiêu chảy nhiều lên, mất nước nặng, dẫn đến co giật, hôn mê, trụy mạch và có nguy cơ tử vong.
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy
Nhiều cha mẹ thấy trẻ tiêu chảy nhiều nên lo lắng mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ uống. Điều này hết sức nguy hiểm, vì khi trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rota virus sẽ khiến bệnh tiến triển nặng nề, trẻ tiêu chảy là 1 phản ứng của cơ thể để đào thải chất độc, virus ra khỏi cơ thể, nếu dùng thuốc cầm tiêu chảy không giúp điều trị mà có thể khiến trẻ bị chướng bụng và nôn nhiều hơn.
- Không ăn kiêng khem quá mức
Khi trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rota virus, nhiều cha mẹ quá lo lắng nên thường kiêng khem quá mức, vì sợ trẻ tiêu chảy nhiều hơn. Điều này chưa hẳn đúng, vì để trẻ không bị sụt cân, cha mẹ cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Cần cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng hơn bình thường và đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn là 2 giờ.
Đối với trẻ còn bú mẹ dưới 6 tháng tuổi thì cần cho trẻ tiếp tục bú mẹ bình thường và tích cực cho trẻ bú mẹ là rất cần thiết.
Đối với trẻ lớn hơn cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ ăn kiêng khem. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, ăn ngay sau khi nấu. Có thể cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: Chuối, cam, xoài… Cần tránh dùng các loại thực phẩm như: Măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt. Không cho trẻ uống nước quả công nghiệp, nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng.
Tóm lại: Tiêu chảy cấp do Rota virus rất thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể lây nhiễm. Tác hại của nhiễm virus Rota không chỉ ngừng lại ở tiêu chảy, mà còn có thể dẫn đến tử vong do mất nước nặng. Vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ là vô cùng quan trọng, gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống cho các con, chú ý rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ lớn hơn 2 tháng thì cho uống vaccine Rota để giảm tình trạng nặng nề khi mắc bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Rota virus lây truyền như thế nào? | SKĐS