Nguyên nhân viêm cột sống dính khớp
Nguyên nhân bệnh viêm cột sống dính khớp hiện vẫn còn chưa rõ ràng, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy bệnh có thể liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái) mắc bệnh, khả năng sẽ có nguy cơ cao bị viêm cột sống dính khớp.
Ngoài ra, các yếu tố di truyền và môi trường cũng có thể là nguyên nhân để gây ra bệnh viêm cột sống dính khớp.
Dấu hiệu của viêm cột sống dính khớp
Triệu chứng của viêm cột sống dính khớp thường bắt đầu bằng những cơn đau lưng. Các đặc điểm của những cơn đau này bao gồm:
- Cơn đau tệ nhất thường vào buổi tối và sáng sớm. Thường kèm theo triệu chứng đau cứng khớp. Bệnh nhân có thể bị thức giấc lúc nửa đêm do khó chịu vì những cơn đau.
- Cơn đau thường bắt đầu từ khớp xương vùng chậu (giữa xương chậu và cột sống). Theo thời gian, cơn đau có thể lan ra một phần hoặc tất cả các vùng ở cột sống.
- Phần dưới xương sống của bệnh nhân sẽ trở nên kém linh hoạt. Theo thời gian, bệnh nhân có thể bị khòm lưng về phía trước.
- Các bộ phận khác của cơ thể bệnh nhân cũng có thể bị đau nhức và tê cứng, bao gồm:
- Vùng giữa xương sườn và xương ức.
- Sưng và đau ở các khớp vai, đầu gối và mắt cá chân.
- Sưng ở mắt.
- Ngoài ra, người bệnh cũng thường cảm thấy mệt mỏi khi mắc viêm cột sống dính khớp.
Trên thực tế, trong thời kỳ đầu phát bệnh, các triệu chứng thường nhẹ nên không được người bệnh chú ý. Khi triệu chứng đã rõ thì bệnh đã tiến triển từ vài tháng đến vài năm. Dấu hiệu sớm thường là đau cột sống thắt lưng và viêm các khớp chi dưới. Đau tăng lên về đêm và cứng, thấy rõ nhất là lúc sáng sớm mới ngủ dậy…
Điều trị viêm cột sống dính khớp
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa triệt để viêm cột sống dính khớp. Các phương pháp điều trị chủ yếu là để giảm đau và giảm tê cứng ở khớp, bao gồm: Điều trị bằng dùng thuốc, tiêm thuốc giảm đau tại chỗ kết hợp với vật lý trị liệu và tập thể dục. Trường hợp nặng phải phẫu thuật, thay khớp... theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc: Các bác sĩ có thể sẽ kê đơn các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) để giúp giảm sưng và đau. Một số loại thuốc mạnh hơn để kiểm soát triệu chứng sưng bao gồm nhóm liệu pháp corticosteroid hoặc chất ức chế TNF… Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật nếu có dấu hiệu đau và tổn thương nghiêm trọng ở vùng cột sống thắt lưng hoặc vùng hông.
Ngoài ra, vật lý trị liệu, tập thể dục có thể giúp giảm đau và cải thiện tư thế đi lại của bệnh nhân. Các bài tập căng cơ, tăng cường sự dẻo dai có thể ngăn chặn sự dính liền của các khớp ở các vị trí bị viêm và sưng.
Khi bệnh đã đỡ cần vận động càng sớm càng tốt để chống dính khớp. Việc tập vận động khớp và điều trị bằng thuốc đều có tầm quan trọng như nhau, để duy trì được tư thế tốt nhất của cột sống. Tránh mang vác nặng hoặc ngồi lâu không thay đổi tư thế.
Các chương trình tập luyện sẽ được tùy biến cho từng bệnh nhân. Bài tập bơi (bơi ếch) là một bài tập cho hiệu quả rất tốt đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp bởi do vận động dưới nước nên tránh những tác động đau chói đồng thời có kết hợp nhịp nhàng giữa dãn cột sống, dãn phổi, và vận động khớp háng.
Tóm lại: Khi nghi ngờ hoặc thấy khớp háng không thoải mái với các dấu hiệu trên, người bệnh nên đi kiểm tra sớm để được bác sĩ khám, điều trị kịp thời.