4 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư vòm họng bạn không nên bỏ qua

09-03-2022 10:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Ung thư vòm họng là 1 trong 10 căn bệnh ung thư hay gặp nhất nước ta và đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu-mặt-cổ.

Vậy nguyên nhân và những triệu chứng sớm của bệnh thực sự là gì để người bệnh chú ý đi khám, cách phòng bệnh như thế nào... Chuyên gia Tai Mũi Họng – ThS. BS. Vũ Văn Tiến( Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề này.

Các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng thay đổi tùy theo vị trí khối u và là các triệu chứng mượn của các cơ quan lân cận nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

Về tên gọi, nhiều người vẫn nhầm là "vòng họng", trong khi đúng phải là "vòm họng". Đây là vị trí khá đặc biệt nên để quan sát được, các bác sĩ Tai Mũi Họng thường phải sử dụng thiết bị nội soi qua đường mũi. Do vòm họng có vị trí giải phẫu mật thiết với vùng nền sọ, tai và mũi nên những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư vòm họng sẽ biểu hiện ở các cơ quan này. Theo hầu hết các nghiên cứu, 4 dấu hiệu sớm của bệnh ung thư vòm họng là: Đau đầu, chảy máu mũi, triệu chứng ở 1 bên tai và nổi hạch cổ.

Ung thư vòm họng và những điều cần lưu ý - Ảnh 1.

Do vòm họng có vị trí giải phẫu mật thiết với vùng nền sọ, tai và mũi nên những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư vòm họng sẽ biểu hiện ở các cơ quan này.

1. Những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vòm họng

Đau đầu

Bệnh nhân ung thư vòm họng thường đau nửa đầu, đau sâu trong hốc mắt hoặc vùng thái dương, vùng đỉnh, đau âm ỉ. Tuy đây là dấu hiệu sớm nhưng đôi khi khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh. Theo một số nghiên cứu về bệnh nhân ung thư vòm họng với đau đầu là triệu chứng duy nhất, hầu hết các bệnh nhân đi khám chuyên khoa Thần kinh, được chẩn đoán đau đầu do căn nguyên mạch máu và thần kinh, chụp phim cắt lớp vi tính sọ não nhưng không phát hiện tổn thương. Những bệnh nhân này được điều trị thuốc không đỡ, khám lại và chụp phim cộng hưởng từ (MRI) sọ não mới phát hiện tổn thương vòm xâm lấn nền sọ, kết hợp với chuyên khoa Tai Mũi Họng để nội soi sinh thiết khối u vòm chẩn đoán xác định bệnh.

Chuyên gia Tai Mũi Họng – ths. Bs Vũ Văn Tiến – Bệnh viện Đại học Y

Ths. Bs Vũ Văn Tiến – Bệnh viện Đại học Y

Chảy máu mũi

Do vòm họng nằm phía sau khoang mũi, phía trên khoang họng miệng nên người bệnh ung thư vòm họng có thể chảy máu ra cửa mũi trước, hoặc chảy xuống họng phải khịt xuống và khạc ra ngoài. Các triệu chứng kèm theo có thể là ngạt mũi, chảy dịch mũi khiến cho người bệnh nghĩ chảy máu do viêm thông thường nên chủ quan. Khi tần suất nhiều hơn hoặc chảy máu khó tự cầm, người bệnh mới đi khám.

Triệu chứng 1 bên tai

Do vòm họng nối với tai qua vòi Eustachian nên khối ung thư vòm họng phát triển có thể làm tắc vòi và gây nên những khó chịu về tai. Người bệnh có thể than phiền có cảm giác đầy trong tai, ù tai kéo dài hoặc đau tai, nghe kém 1 bên. Ban đầu những triệu chứng xảy ra thoáng qua, có lúc tự hết rồi tái phát khiến người bệnh chưa chú ý, hoặc tự mua thuốc điều trị vì nghĩ bị viêm tai. Khi các triệu chứng tăng dần lên, ảnh hưởng đến sinh hoạt mới đi khám và phát hiện bệnh. Qua thăm khám nội soi Tai Mũi Họng, khối ung thư vòm họng nằm cùng bên với tai bị tổn thương, màng nhĩ có thể bị co kéo hoặc trong tai giữa có dịch.

Nổi hạch cổ

Hạch cổ điển hình của bệnh ung thư vòm họng thường thấy ở vùng sau góc hàm, thường cùng bên với khối u. Hạch lúc đầu nhỏ sau to dần, sờ thấy mật độ chắc, ấn không đau, di động hạn chế dần, sau bị cố định dính vào cơ và da xung quanh.

Những nguyên nhân gây ung thư vòm họng.

Những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư vòm họng.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay chưa có nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, có 3 nhóm yếu tố nguy cơ khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn như:

  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc ung thư vòm họng thì khả năng người còn lại mắc bệnh cũng nhiều hơn.
  • Nhiễm virus EBV.
  • Môi trường: Tiếp xúc nhiều với thuốc lá, rượu bia; làm việc trong môi trường ô nhiễm không khí, hoá chất độc hại; sử dụng nhiều các loại thịt nướng, thịt hun khói, đồ hộp, đồ muối như dưa muối, cá muối...vì có thành phần Nitrosamin tăng nguy cơ gây ung thư.

3. Cách phòng tránh

- Giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường như hút thuốc lá, uống rượu, thói quen ăn mặn hay sử dụng đồ hộp chế biến sẵn, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và làm việc sạch sẽ; có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường hoá chất độc hại…

- Tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khoẻ.

- Đặc biệt chú trọng việc tầm soát ung thư vòm họng bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, nội soi tai mũi họng 6 tháng/lần, nhất là những người có yếu tố nguy cơ…giúp phát hiện được tổn thương dạng khối vùng vòm với các hình thái điển hình như sùi, loét, thâm nhiễm hoặc kết hợp các tổn thương này, qua đó giúp phát hiện sớm ung thư ngay từ khi tổn thương còn nhỏ và người bệnh chưa có triệu chứng.

Ung thư vòm họng nếu được phát hiện sớm có tiên lượng khá tốt. Do đó, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi có các triệu chứng như đau đầu, chảy máu mũi, khó chịu 1 bên tai hay nổi hạch cổ, bạn nên đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán sớm để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

6 thói quen ăn uống ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư nên thực hiện ngay6 thói quen ăn uống ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư nên thực hiện ngay

SKĐS - Mặc dù không có cách nào đảm bảo chắc chắn để ngăn ngừa ung thư, nhưng có một số lựa chọn lối sống nhất định có thể giảm thiểu nguy cơ của bạn, trong đó có các thói quen về dinh dưỡng.

Xem thêm video được quan tâm:

Chung sống với F0: Giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách nào?


Ths. Bs Vũ Văn Tiến
Bệnh viện Đại học Y
Ý kiến của bạn