Aspirin thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được dùng để giảm đau, sốt và viêm. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng liều thấp hàng ngày của thuốc làm giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch ở người.
Các cơ quan y tế khuyến cáo, bệnh nhân sử dụng thuốc dưới sự giám sát, theo dõi của bác sĩ, vì loại thuốc giảm đau, hạ sốt này không phải ai cũng dùng được. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều người tự ý dùng thuốc hoặc lạm dụng loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm này…
Không phải ai cũng dùng được aspirin trong điều trị bệnh.
1.Aspirin sẽ gây nguy hiểm nếu dùng ở người bệnh sốt xuất huyết
Khi các ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng, nhiều người vô tình đã mua aspirin về hạ sốt, giảm đau… Điều này là rất nguy hiểm.
Trong bệnh sốt xuất huyết, người bệnh sẽ bị rối loạn đông máu khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu (xuất huyết) và giảm tiểu cầu. Trong khi đó, aspirin lại ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu (nên sẽ chống lại quá trình cơ thể tự cầm máu khi bị chảy máu do sốt xuất huyết), gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày… làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết kéo dài hơn và không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh sốt xuất huyết trầm trọng thêm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
2.Không an toàn cho người già khỏe mạnh
Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã sửa đổi các hướng dẫn về việc dùng aspirin, khuyến cáo người cao tuổi hãy thận trọng với loại thuốc làm loãng máu phổ biến này.
Các hướng dẫn được ban hành sau một nghiên cứu ‘Ảnh hưởng của aspirin đối với các biến cố tim mạch và chảy máu ở người cao tuổi khỏe mạnh’, được công bố trên Tạp chí Y học New England. Kết quả cho thấy rằng, liều lượng thấp của thuốc như một chiến lược phòng ngừa các vấn đề về tim mạch ở người lớn tuổi dẫn đến nguy cơ xuất huyết cao hơn.
3.Có thể gây chảy máu
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng aspirin lâu dài có liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ chảy máu do loét. Thuốc được phát hiện là làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa ngay cả ở liều thấp hơn. Một số nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng aspirin và sự xuất hiện của bệnh loét dạ dày tá tràng.
Aspirin có thể gây ra các biến chứng trong hệ tiêu hóa.
4.Aspirin không hữu ích trong tất cả các cơn đột quỵ
Aspirin đã được biết là có tác dụng tốt trong việc giảm nguy cơ đột quỵ vì có tác dụng làm loãng máu. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơn đột quỵ đều do cục máu đông gây ra. Một số cơn đột quỵ là do các mạch máu trong não bị vỡ và aspirin có thể làm cho những cơn đột quỵ chảy máu này nghiêm trọng hơn.
Aspirin được chỉ định để giảm đau nhẹ và vừa, đồng thời giảm sốt. Aspirin cũng được sử dụng trong chứng viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm (thoái hóa) xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp. Nhờ tác dụng chống kết tập tiểu cầu, aspirin được sử dụng trong một số bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và dự phòng biến chứng tim mạch ở các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao. Thuốc cũng được sử dụng trong điều trị và dự phòng một số bệnh lý mạch não như đột quỵ.
Do nguy cơ dị ứng chéo, không dùng aspirin cho người đã có triệu chứng hen, viêm mũi hoặc mày đay khi dùng aspirin hoặc những thuốc chống viêm không steroid khác trước đây. Người có tiền sử bệnh hen không được dùng aspirin, do nguy cơ gây hen thông qua tương tác với cân bằng prostaglandin và thromboxan. Những người không được dùng aspirin còn gồm người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận…
Cần thận trọng khi điều trị đồng thời với thuốc chống đông máu hoặc khi có nguy cơ chảy máu khác. Không kết hợp aspirin với các thuốc kháng viêm không steroid và các glucocorticoid.
Ở trẻ em, khi dùng aspirin đã gây ra 1 số trường hợp hội chứng Reye, vì vậy cần hạn chế hoàn toàn chỉ định aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi chỉ trừ một số trường hợp như bệnh Kawasaki, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, bệnh Still.
Người cao tuổi có thể dễ bị nhiễm độc aspirin, có khả năng do giảm chức năng thận. Cần phải dùng liều thấp hơn liều thông thường dùng cho người lớn.
Các tác dụng phụ phổ biến có thể xảy ra như: Buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột; mệt mỏi; mày đay; yếu cơ, khó thở…
Mời độc giả xem thêm video:
Tai biến mạch máu não gia tăng ở người trẻ: Làm thế nào để phát hiện sớm?