Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã làm cho não “tiến hóa” theo một cách mà khoa học vẫn chưa hiểu hết.
1. Não người sẽ “biến đổi” theo những cách rất lạ
Công nghệ đa phương tiện phát triển, ngoài cái lợi, mặt trái ngày càng lộ rõ, đó là việc làm cho con người nghiện các thiết bị giải trí, lệ thuộc vào Internet, đặc biệt là các trang web có thông tin dễ tiếp cận như Google, bởi vậy bộ não của con người nhàn hơn, không phải nhớ nhiều thứ, chức năng bộ nhớ đang ngày càng còi cọc nên các nhà khoa học dự báo tương lai não con người sẽ dựa hoàn toàn vào Internet.
Tương lai não người sẽ dựa hoàn toàn vào Internet và có nguy cơ co lại
Trở lại thời kỳ mạng điện toán Internet còn chưa thông dụng, mọi thứ người ta phải ghi chép, tra từ điển, thậm chí còn cắt cả những trang báo để lưu giữ thông tin quý giá... Bộ não đảm nhận nhiều chức năng trong lưu giữ và xử lý thông tin trong một thời gian dài. Sau một khoảng thời gian nhất định, não làm tiếp nhiệm vụ phân loại và chỉ giữ lại những gì cần thiết để giải phóng khoảng trống. Hiện tượng này được các nhà khoa học ở Đại học Oxford, Anh, gọi là “sự giảm tải về nhận thức” (cognitive offloading). Trước khi sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào Internet, khoảng thời gian giữa các khoang chứa bộ nhớ khá rộng, vì vậy thông tin được giữ lại lâu hơn để sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, khi Internet trở nên thông dụng, con người có mọi thứ trong tầm tay, người ta lại chuyển sang luyện trí não để sử dụng thông tin và sử dụng nó một cách hợp lý. Chức năng lưu giữ và xử lý thông tin cũng như khoang nhớ thông tin trong não rộng ra, não trở nên nhàn hơn nhưng sự lệ thuộc vào Internet lại tăng lên. Những gì não của chúng ta đang làm giống như việc sử dụng một ổ cứng gắn “bên ngoài” để lưu trữ tất cả thông tin, thuật ngữ “bên ngoài” trong trường hợp này là toàn bộ một hệ thống Internet. Điều này thật dễ hiểu, khi có sự gia tăng của máy móc thì não của con người không khác gì bộ não của một robot, con người sẽ dựa hoàn toàn vào nó, vì vậy có người ví Internet sẽ là “nhà tù” trong tương lai.
Ngoài sự lệ thuộc vào Internet, bộ não của con người đang có xu hướng co lại. Điều này có thể hiểu là sản phẩm của tiến hóa nhưng theo khoa học, một bộ não lớn có nghĩa, sinh vật thông minh hơn, nếu đây là sự thật thì thật đáng buồn, con người đang phải trả giá.
2. VR sẽ làm tăng chán nản, lo lắng, và ít cảm thông hơn
Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (Virtual reality), viết tắt là VR là thuật ngữ mô tả môi trường được giả lập bởi con người. Các môi trường giả lập này là hình ảnh do con người chủ động thiết kế qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc qua kính thực tại ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như thể họ đang ở trong chính không gian đó. Để gia tăng tính trải nghiệm môi trường, các môi trường giả lập đều được tích hợp thêm giác quan khác như khứu giác (âm thanh). VR không phải là một phát minh mới, mà có từ đầu thập niên 60 ở thế kỷ trước do Morton Heilig người Mỹ phát minh thông qua thiết bị mô phỏng SENSORAMA. Giống như nhiều ngành công nghệ khác, VR phát triển sôi động trong những năm gần đây nhờ vào sự phát triển của tin học (phần mềm) và máy tính (phần cứng). Ngày nay VR được áp dụng cho nhiều lĩnh vực như KHKT, kiến trúc, quân sự, giải trí, du lịch, địa ốc..., trong số này y học, du lịch là lĩnh vực ứng dụng truyền thống nhất của VR
Các nhà khoa học cảnh báo nghiện VR có thể làm tăng trầm cảm, lo lắng
Và cũng giống như nhiều ngành công nghệ khác, VR đang lộ dần những mặt trái trong y học, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, làm tăng sự buồn chán, lo lắng, và ít cảm thông. Khi con người chìm đắm trong thế giới VR nó làm giảm nhận thức về thể chất, phản ứng chậm chạp với môi trường xung quanh, gia tăng lo lắng, trầm cảm. Chính bất lợi này mà khi sử dụng VR người ta khuyến cáo phải giải lao thường xuyên, không giống khi xem TV hay phim ảnh thông thường. Một trong những hệ lụy nan giải nhất mà VR tạo ra là “hội chứng màn hình điện tử” (Electronic Screen Syndrome hay ESS), nó làm tổn thương của các trung tâm kiểm soát sự cảm thông và kiểm soát xung lực do tách rời khỏi thế giới thực, rút lui vào thế giới VR. Các nhà tâm lý học cảnh báo rằng, hệ lụy từ “nghiện Internet” hiện đang tạo ra một thế hệ người tự nghiện, ngày càng chìm đắm vào thế giới ảo nhiều hơn, và cũng như các dạng nghiện khác chứng nghiện này ngày càng tăng liều và một khi không chữa trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thể chất lẫn tinh thần của người trong cuộc.
3. Cấy ghép thần kinh có thể “cột chặt” con người vào Internet
Cấy ghép thần kinh là chủ đề mà khà khoa học, bác sĩ phẫu thuật não Eric Leuthardt ở Đại học Washington, Mỹ, đang nghiên cứu và từng được đề cập trong 2 cuốn tiểu thuyết và một vở kịch của ông đã được trao giải thưởng về đề tài giả tưởng. Leuthardt không phải là người duy nhất có tham vọng kỳ lạ với chủ đề cấy ghép thần kinh, tạo ra một giao diện não-máy tính. Tháng 3/2017, Elon Musk, tỉ phí Nma Phi, nhà sáng lập Tesla và SpaceX, đã khởi động liên doanh Neuralink, nhằm tạo ra các thiết bị tương thích với bối cảnh tương lai, khi ý thức được kết nối trực tiếp với máy móc. Mặc dù tất cả kế hoạch này đều đang trong giai đoạn khởi đầu và được giữ bí mật nên người ta chưa hiểu hết cái được và mất, nhất là những gì con người phải hứng chịu.
Eric Leuthardt và Elon Musk, những người tiên phong trong cấy ghép thần kinh
Theo ý kiến nhiều nhà khoa học, với dự án cấy ghép thần kinh có làm thay đổi cấu trúc, chức năng não và “cột chặt” con người vào Internet. Trong dự án, giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk muốn đổi mới công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc trực tiếp giữa các bộ não với máy tính. Hiện nay thông tin về kế hoạch lẫn thiết bị của dự án Neurolink rất ít ỏi, nhưng những gì dư luận được biết là dự án này đã có bằng sáng chế lẫn thương hiệu. Thiết bị vẫn còn trong giai đoạn phát triển và sẽ được cấy ghép thông qua thủ thuật xâm lấn. Với ý tưởng và dự án táo bạo này, tỉ phú Elon Musk đã được cộng đồng khoa học gán cho biệt danh Neural lace (gen thần kinh). Một thiết bị hư cấu đầu tiên được đề cập trong tác phẩm khoa học viễn tưởng của nhà văn Iain Banks, được dệt khắp não bộ, làm cho thế hệ người tương lai phải lệ thuộc hoàn toàn vào mạng điện toán Internet.
4. Tạo não trong phòng thí nghiệm
Một trong những cách thức cuộc sống hiện đại làm cho não “tiến hóa” là tạo ra não nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Đây là sản phẩm của nhóm nghiên cứu do nữ thạc sĩ Madeleine Lancaster ở Phân ban thí nghiệm MRC Sinh học Phân tử, thuộc Đại học Cambridge (Anh) tạo ra từ tế bào da người, hiện có hàng trăm bộ não kiểu này được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm, giống hệt như khi chúng phát triển trong phôi thai. Máu được thay bằng một loại dịch dinh dưỡng, vài ngày thay một lần và dĩ nhiên chưa có hệ miễn dịch. Giống cấu trúc của não người, não dạng mô hình này có cấu trúc gồm các khu vực quan trọng phân hóa chức năng, như vùng vỏ não, nơi điều khiển ý thức và ngôn ngữ, hồi hải mã, tiểu não phối hợp vận động cơ... Nói tóm lại, cấu trúc của mỗi bộ não mini tương tự mô não của phôi thai 9 - 10 tuần tuổi những không có ý thức, tức khả năng suy nghĩ.
Với thành tựu nói trên cho thấy không có điều gì khoa học không thể và tương lai việc tạo ra bộ não có ý thức nằm trong tầm tay con người. Dự án nuôi trông não trong phòng thí nghiệm của Đại học Cambridge được xem là thành công với các tế bào thần kinh hoạt động trên tất cả các khớp thần kinh, y chang bộ não sinh học của con trưởng thành trong hộp sọ. Các bộ phận của não nhân tạo cũng được làm bằng chất trắng và xám giống như não thông thường. Đối với những người không am tường thần kinh học thì có thể hiểu đơn giản, chất xám được tạo thành hoàn toàn từ các nơ-ron của não, còn chất trắng là mô mỡ của đuôi thần kinh. Đặc biệt, bộ não của con người là một khối khổng lồ của mạng lưới các khớp nối, nên dù tinh sảo đến đâu não nhân tạo cũng khó có thể thay thế não con người được.