Hôn nhân tan vỡ đôi khi chỉ từ những cuộc cãi vã xung quanh việc rửa bát hay vì những chiếc tất bẩn vứt vung vãi trong nhà; hoặc có thể đến từ nỗi sợ hãi về việc không ngủ nhiều đêm với những đứa con mới sinh; hay một trong hai người bị ốm nặng và cần phải chăm sóc...
Trong khi, điều bạn không thể tưởng tượng ra rằng mình ở trong một cuộc hôn nhân mà khó khăn do chính bạn gây ra. Và cô Joanna Schroeder ở Anh đã từng thế. Cô kể lại kinh nghiệm cứu vãn cuộc hôn nhân của mình:
Tôi đã từng nhìn thấy người chồng của mình đeo túi lên vai, bước ra khỏi cửa nhà để rời bỏ cuộc sống hôn nhân của chúng tôi. Nhưng thực ra chúng tôi đã cùng bước ra khỏi cánh cửa đó, một cách đầy bức xúc, từ nhiều năm trước khi giây phút Ivan bước ra khỏi cửa.
Lần đầu chúng tôi gặp nhau, tôi nhìn thấy những đứa con tương lai của mình trong đôi mắt của Ivan, và tưởng tượng ra cái hiên của một ngôi nhà cũ, nơi chúng tôi sẽ ngồi đung đưa cùng nhau trên chiếc ghế bành khi về nhà. Thế rồi, khi lấy nhau, chúng tôi đối mặt với những khoản vay, cảnh thất nghiệp, những khoản nợ và hàng năm mất ngủ triền miên vì con cái và ti tỉ thứ mệt mỏi mà cuộc đời vứt vào cuộc sống hôn nhân của chúng tôi, khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Nhưng rồi mọi thứ đều qua đi. Trái tim chúng tôi lại một lần nữa tan chảy vì nhau, điều mà tôi thành thực phải nói rằng tôi còn nghĩ sẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra lần nữa. Nhưng chúng tôi đã làm được.
Khi chúng tôi quen nhau, tôi từng nghĩ Ivan quá hoàn hảo so với tôi, vì vậy tôi đã không nhận lời đi chơi với anh ấy trong suốt gần 1 tháng. Thế nhưng, khi chúng tôi hẹn hò, tôi đã yêu anh ấy. Tôi chuyển đến cùng với Ivan chỉ vài tuần sau đó. 3 tháng sau, chúng tôi cố gắng có con với nhau.
Trước đó, nếu có ai nói rằng tôi sẽ xây dựng gia đình theo cách đó, tôi sẽ nói rằng: “Đó thực sự là một kế hoạch tồi tệ”. Nhưng đó là những gì tôi đã làm. Cả hai chúng tôi đều không có các kỹ năng hôn nhân thực sự, trong khi mọi căng thẳng cuộc sống đồ dồn lên cuộc hôn nhân của chúng tôi. Đến năm thứ 6, cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự là địa ngục, và chúng tôi đối xử rất tệ với nhau. Mọi quyết định chọn lựa sai lầm liên tiếp xảy ra cho đến khi chúng tôi quyết định chia tay. Chúng tôi thậm chí đã nói với người thân và bạn bè về quyết định này.
Và rồi sau đó, tôi nghĩ về tương lai của mình, về việc Ivan đến và đón những đứa con của chúng tôi đi và tất cả những gì tôi nghĩ được lúc đó là: “Tôi cũng muốn đi cùng”. Thời gian trên xe ô tô cùng gia đình là thời gian vô cùng hạnh phúc, tôi ngồi trên vị trí ưa thích của mình, ghế phụ bên cạnh chồng tôi trong khi anh ấy lái xe, nhạc trên đài phát thanh bật to và tay chồng đặt trên đùi tôi. Từ bỏ mối quan hệ đau khổ của chúng tôi, cũng đồng nghĩa chúng tôi sẽ bỏ đi hạnh phúc mà chúng tôi đã có. Tôi chưa sẵn sàng với việc đó, và chồng tôi cũng vậy.
Nên chúng tôi quyết định đặt quan hệ của chúng tôi vào trung tâm cuộc sống của mình. Ở vài khía cạnh nào đó, đó là một sự thay đổi lớn nhưng lại là sự tổng hợp của hầu hết các thay đổi nhỏ.
Sau đây là một vài sự thay đổi quan trọng mà chúng tôi đã thực hiện, biết đâu lại có thể giúp ích cho những đôi vợ chồng đang đứng bên bờ vực tan vỡ hôn nhân:
1. Từ bỏ những người bạn không muốn bạn giữ hôn nhân
Xin lỗi, nhưng người bạn nào mà nói rằng: “Anh ấy/Cô ấy không tốt cho bạn đâu. Bạn nên bỏ đi” thì đó là một người bạn không tốt với bạn, với gia đình bạn. Trừ khi chồng/vợ bạn là người vũ phu, và nếu bạn cam kết muốn hàn gắn mối quan hệ của mình, bạn không thể để một người nói xấu về người bạn đời của bạn được.
Tích cực xây dựng quan hệ với những người nhìn thấy những điểm tốt ở bạn đời của bạn và hãy giao lưu với những cặp vợ chồng hạnh phúc và thành đạt.
2. Chấm dứt việc tranh cãi ai làm việc nặng hơn
Không ai muốn chiến thắng trong cuộc chiến này. Một nhà tâm lý hôn nhân từng nói với chúng tôi: “Đó là cuộc chiến vô nghĩa, mà ở đó không có người chiến thắng mà chỉ toàn người thua cuộc. Cả hai bạn đều làm việc vất vả. Vì vậy, chấm dứt cãi vã”. Nếu bạn phải lặp lại điệp khúc này thì hãy cứ làm đi. Nhưng hãy nói với người bạn đời của mình về việc bạn cảm thấy như thế nào về công việc quá tải của mình, chứ đừng đem ra so sánh với công việc của họ.
3. Hạn chế những hoạt động cá nhân và tăng cường các việc làm chung với nhau
Chồng tôi từng là một tay lái xe mô tô phân khối lớn đường dài khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Một sở thích đồng nghĩa với việc anh ấy sẽ đi xe hàng ngày dài, các kỳ nghỉ cuối tuần mà không có tôi và các con. Điều đó thật cô độc và vì thế, đó là một sở thích mà tôi không ưa gì.
Còn tôi có một thói quen chúi đầu vào máy tính vào buổi đêm để viết lách. Điều đó khiến tôi xa cách với chồng tôi. Cả sở thích của tôi và chồng tôi đều không phải là xấu, nhưng nó khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên xa nhau.
Vì vậy, chúng tôi bỏ bớt thời gian riêng tư và quyết định ở gần bên nhau nhiều hơn. Chúng tôi bỏ ra những ngày để đi du lịch với bọn trẻ hay tìm một người giữ trẻ để chúng tôi có thể cùng nhau đi đạp xe quanh núi. Chúng tôi bảo đảm rằng những gì chúng tôi lựa chọn sẽ đều hạnh phúc, vì vậy chúng tôi có thể bỏ sau lưng bất kỳ những gì tức giận, bực bội.
4. Chăm nói những điều ngọt ngào
Điều này dường như là sự hiển nhiên, nhưng lại đòi hỏi một sự cố gắng lớn. Tiến sĩ John Gottman tư vấn rằng các cuộc hôn nhân hạnh phúc thì thường có tỉ lệ là 5 cuộc trò chuyện hạnh phúc/1 cuộc trò chuyện không ra gì.
Vì vậy hãy nói những điều ngọt ngào. Nói chúng bất kỳ lúc nào chúng đến với bạn, kệ cả khi bạn cảm thấy tức giận. Anh ấy trong như thế nào trong chiếc áo đó? Hãy nói với anh ấy. Cô ấy có cách nói chuyện nào mà bạn thực sự yêu? Hãy nói to điều đó. Hãy chạm vào cánh tay hay bàn tay của người bạn đời theo cách mà họ thích. Điều đó sẽ tạo nên sự thay đổi lớn mà bạn không thể tưởng tượng nổi.
Mọi cuộc hôn nhân đều khác nhau và mọi cách hàn gắn cũng sẽ khác nhau. Một thứ tôi biết chắc là hàn gắn một mối quan hệ là tốn rất nhiều công sức. Nhưng tôi cũng biết được rằng, đối với tôi, những nỗ lực đó mang lại nhiều giá trị hơn cả những gì mà tôi trông đợi.
Thu Trang (Theo Comospolitan)