1. Đặc điểm của bệnh viêm xương khớp
Thuật ngữ viêm khớp dùng để chỉ hơn 100 bệnh và tình trạng liên quan. Hai trong số các loại viêm khớp phổ biến nhất bao gồm viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA).
Viêm xương khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất và được gây ra bởi sự hao mòn không do viêm, rách hoặc phản ứng thoái hóa do lão hóa - thường xảy ra nhất ở các khớp chịu trọng lượng và các khớp ngón tay.
Khi sụn trong khớp bắt đầu bị phá vỡ, những người bị viêm xương khớp có thể bị đau, cứng và sưng.
Viêm xương khớp là một căn bệnh gây ra bởi sự thoái hóa của sụn bao quanh các đầu xương. Sự hao mòn này dẫn đến phá hủy sụn hoàn toàn gây ra tổn thương xương mà sụn bảo vệ. Điều này dẫn đến đau khớp, cứng khớp và đôi khi sưng khớp.
Bất kỳ khớp nào trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Viện quốc gia về sức khỏe và nghiên cứu y khoa Pháp khớp hông, đầu gối và cột sống là những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nhất do áp lực mà các khớp ở phần này phải chịu.
Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra viêm xương khớp là tuổi tác, áp lực quá mức lên khớp (thừa cân, mang vác nặng, chơi thể thao cường độ cao), các bệnh về chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp...) và tiền sử gia đình hoặc chấn thương.
Thuốc chống viêm không steroid có thể được kê toa để giảm đau và cứng khớp do viêm xương khớp. Nhưng dùng thuốc chống viêm có nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên bao gồm thảo dược, tinh dầu, thực phẩm bổ sung, hoạt động thể chất giúp làm dịu các chứng viêm xương khớp.
2. Các biện pháp tự nhiên giúp giảm chứng viêm xương khớp
2.1. Thảo dược
Một số loại cây được đánh giá cao vì đặc tính chống viêm của chúng. Chúng có thể giúp làm dịu chứng viêm xương khớp và cơn đau liên quan nếu bạn bị viêm xương khớp. Trong số các thảo dược tự nhiên giúp giảm chứng viêm xương khớp có cây liễu trắng. Cây liễu trắng giàu salicylin, một chất mà trong cơ thể chuyển hóa thành axit salicylic. Axit salicylic vừa có tác dụng chống viêm vừa giảm đau.
Các loại cây khác có ích cho bệnh viêm xương khớp là móng quỷ (harpagophytum), lá cây tầm ma cùng gốc, lý chua đen, cỏ đồng cỏ và hương thảo.
2.2. Tinh dầu hỗ trợ viêm xương khớp
Các loại tinh dầu có đặc tính chống viêm và giảm đau bao gồm tinh dầu lộc đề xanh, tinh dầu khuynh diệp chanh. Những loại tinh dầu này được dùng để sử dụng bên ngoài, dưới dạng dầu massage cho vùng bị viêm.
Tinh dầu phải được pha loãng trong dầu thực vật (ô liu, bơ, v.v.) để thẩm thấu tốt hơn. Nên pha loãng 20 đến 30 giọt tinh dầu trong 500 ml dầu thực vật và xoa bóp khớp trong khoảng 10 phút. Tinh dầu gừng và hương thảo cũng có lợi trong trường hợp viêm xương khớp.
Cần lưu ý, tinh dầu không được khuyến khích dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
2.3. Thực phẩm bổ sung
Một số thực phẩm bổ sung đã được đưa ra trong trường hợp điều trị viêm xương khớp một cách tự nhiên. Tuy nhiên, do chúng có thể tương tác với các bệnh lý khác (đái tháo đường type 2, béo phì, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực...), nên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung để điều trị viêm xương khớp.
Mặt khác, bạn có các thực phẩm bổ sung nhằm mục đích chống viêm, chẳng hạn như dầu bơ, dầu đậu nành, axit béo omega-3 (có trong các loại cá béo như cá trích, cá hồi, cá mòi và trong các loại hạt).
2.4. Duy trì lối sống lành mạnh
Một trong những lời khuyên được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra để chống lại chứng viêm xương khớp là luyện tập hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý. Trên thực tế, bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, 5 ngày mỗi tuần.
Cuộc chiến chống lại tình trạng thừa cân cũng phải là mục tiêu cần theo đuổi để ngăn chặn quá nhiều áp lực tác động lên các khớp, đặc biệt ở đầu gối (viêm khớp gối) hoặc hông (hư khớp háng).
3. Phòng bệnh viêm xương khớp
- Dinh dưỡng cân bằng, duy trì cân nặng hợp lý để giữ cho các khớp không phải chịu một sức nặng quá mức sẽ làm thuyên giảm bệnh viêm xương khớp.
- Ăn nhiều các thực phẩm chống viêm như nghệ, dầu ô liu và dầu hạt lanh, cá béo, rau, trái cây họ cam quýt… Ăn nhiều các sản phẩm từ đậu nành tốt cho hệ tim mạch và phòng chống loãng xương. Ăn ít chất đạm, nhiều chất xơ và rau tươi.
- Tập thể dục thường xuyên giúp cho khí huyết lưu thông giảm các chứng viêm xương khớp. Chú ý tránh vận động thể lực quá sức có thể gây tổn thương cơ xương khớp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sẽ ra sao nếu đau nhức xương khớp không được điều trị sớm? | SKĐS