Hà Nội

4 bệnh đường hô hấp 'ưa' trời lạnh và cách phòng tránh

20-02-2022 08:14 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mùa xuân đã về nhưng miền Bắc tiết trời vẫn lạnh, mưa rét kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Nhất là thời tiết lạnh đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp phát triển. Dưới đây là một số bệnh dễ gặp và cách phòng bệnh.

1. Viêm họng cấp- Bệnh đường hô hấp dễ mắc khi trời lạnh

Bệnh thường xảy ra đột ngột khi nhiễm lạnh hoặc khi thời tiết chuyển mùa đột ngột... Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ như: Môi trường bụi bẩn, ẩm thấp, bụi khói công nghiệp, khói thuốc lá,... gây viêm họng cấp.

Viêm họng cấp có biểu hiện đột ngột, nguyên nhân có thể do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác có sẵn trong họng) hay virus cúm, sởi... và thường xuất hiện với các bệnh viêm VA, viêm amidan.

Bệnh viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3-4 ngày, nếu được điều trị đúng hướng bệnh sẽ lui dần, nếu không được điều trị có thể kéo dài 7-10 ngày và rất dễ gây biến chứng như viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, viêm amidan, VA quá phát ở trẻ nhỏ và nhiễm khuẩn huyết...

Khi bị viêm họng cần đi khám ngay tại cơ sở y tế kịp thời, để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về dùng và không được lạm dụng thuốc tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Để phòng bệnh viêm họng cấp cần giữ ấm cơ thể, tắm nước ấm trong phòng tắm kín gió, lau khô người sau khi tắm. Trời lạnh giữ ấm cổ, ngực, gan bàn chân. Hằng ngày cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên bằng cách chải răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy sẽ ngăn ngừa được viêm họng cấp cũng như phòng bệnh răng miệng.

Những bệnh ''thích'' trời lạnh và cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Khi bị viêm họng cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

2. Cảm lạnh

Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến, thường gặp ở tất cả các đối tượng nhất là ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết lạnh và mưa, hoặc khi thay đổi thời tiết một cách đột ngột khiến cơ thể dễ nhiễm virus hay vi khuẩn. Tuy mức độ không nặng như cảm cúm nhưng vẫn gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, gây phiền toái cho các sinh hoạt thường ngày.

Con đường chủ yếu để virus xâm nhập vào cơ thể con người là thông qua mắt, mũi, miệng, hoặc cũng có thể thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Ít gặp hơn là các trường hợp nhiễm virus do tiếp xúc với các đồ vật chứa virus khi chạm vào hoặc dùng chung đồ với người bệnh.

Bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi, chảy nhiều nước mũi, nước mắt, ho, đau họng, viêm họng... nhưng cũng có một số trường hợp sẽ gây ra một số các biến chứng cho cơ thể, như hen suyễn, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính…

Để phòng bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên với nước rửa tay hoặc xà phòng. Không dùng chung đồ với người khác, đặc biệt là người bệnh cảm lạnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đảm bảo không gian nơi ở luôn thoáng… Ngoài ra cần ăn uống khoa học, rèn luyện thường xuyên, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

3. Viêm xoang và viêm xoang tái phát

Mùa lạnh, thời tiết ẩm thấp, chuyển mùa,… là yếu tố khiến bệnh viêm xoang dễ tái phát. Nguyên nhân gây viêm xoang là nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi khiến cho niêm mạc mũi vốn đã mỏng dễ bị tổn thương gây viêm, đau mũi. Tình trạng tiếp xúc nhiều, lâu sẽ có thể dẫn đến bệnh viêm xoang và các bệnh về xoang tái phát.

Khi mắc viêm xoang người bệnh có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt... Các biểu hiện không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây cản trở trong sinh hoạt.

Để phòng bệnh viêm xoang tái phát cần thực hiện giữ ấm cho cơ thể trong mùa lạnh, nhất là các vùng cổ, ngực và mũi ... Tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh từ bên ngoài môi trường như khói bụi, vi khuẩn, không khí lạnh... bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường.

Cần vệ sinh răng miệng, hệ hô hấp là một việc cần thiết, quan trọng giúp loại bỏ vi khuẩn và tránh các tác nhân gây bệnh. Vào mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ, cần đánh răng và súc miệng bằng nước muối để đảm bảo khoang miệng và họng luôn sạch sẽ. Vệ sinh mũi, họng thường xuyên với dung dịch nước muối sinh lý.

Tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng như niêm mạc mũi xoang bằng các thuốc tăng cường miễn dịch... Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị ngay, tránh trường hợp để bệnh chuyển biến thành viêm mũi xoang.

Những bệnh ''thích'' trời lạnh và cách phòng bệnh - Ảnh 3.

Nguyên nhân gây viêm xoang tái phát là nhiệt độ thay đổi đột ngột

4. Hen suyễn

Hen suyễn là bệnh mạn tính đường thở và sẽ kiểm soát tốt khi được điều trị dự phòng hen tốt. Một trong những yếu tố khởi phát đợt cấp là sự thay đổi của thời tiết, khi chuyển mùa nhất là thời tiết lạnh. Đây là yếu tố khởi phát đợt cấp của hen. Do đó có thể lý giải vì sao bạn khó thở hơn khi giao mùa.

Để phòng bệnh, trước hết phải tuân thủ điều trị dự phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Phải loại bỏ yếu tố nguy cơ có thể gây khởi phát hen ở trong nhà như nhà cửa phải sạch sẽ vì bụi bặm có thể gây khởi phát hen, rèm cửa phải giặt thường xuyên, không nên trải thảm trong nhà, không nên dùng vật dụng có thể dễ bám bụi, không nuôi chó mèo, không tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, khói bụi khác... Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt chuyển sang mùa lạnh, cần giữ ấm cơ thể, không ăn uống đồ lạnh; đồng thời khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, không được tiếp xúc với những người có các dấu hiệu ho, sốt...

Cần lưu ý việc điều trị dự phòng đúng cách, tiêm vaccine phòng cúm hàng năm để tránh trường hợp bị nhiễm cúm vì khi mùa lạnh đến cũng là dịp khởi phát bệnh hen. Khi triệu chứng đã xảy ra, cần xử trí theo đúng chỉ định của bác sĩ nếu không cải thiện được triệu chứng thì cần gọi cho bác sĩ điều trị hoặc khám lại để được hướng dẫn cụ thể.

Tóm lại: Thời tiết lạnh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Chính vì thế ngay cả những người khỏe mạnh cũng không được chủ quan với sức khỏe của mình. Cần biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Mời xem video được quan tâm:

Khô mũi - Triệu chứng của COVID-19 hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp


BS.CkII Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn