1. Nguyên nhân chính và triệu chứng của hen phế quản
Ở các thành phố lớn, sự gia tăng khói bụi, ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại trong thực phẩm là nguyên nhân khiến sức khỏe suy giảm, các bệnh hô hấp ngày càng nhiều, trong đó có bệnh hen phế quản. Mặt khác, áp lực công việc và học hành cũng khiến căn bệnh này dễ nặng lên.
Ở trẻ em, hen làm cho trẻ mệt mỏi mất sức, lâu ngày sẽ làm chậm phát triển cơ thể, còi xương, suy dinh dưỡng.
1.1. Nguyên nhân chính gây hen phế quản
- Dị ứng đường hô hấp như bụi nhà, nấm mốc, lông gia súc, phấn hoa…
- Dị ứng nguyên là thuốc aspirine, kháng viêm không steroid, penicilline, trứng, một số phẩm nhuộm màu và chất giữ thực phẩm…
- Vi khuẩn: Streptococcus pyogenes, streptococcus pneumoniae, staphylococcus aureus, virus hợp bào hô hấp, cúm, nấm mốc…
- Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị hen.
- Lao động có gắng sức quá mức.
- Thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt trong mùa lạnh.
- Rối loạn nội tiết: Trong thời kỳ trưởng thành, thời kỳ trước kinh nguyệt, lúc mang thai, thời kỳ mãn kinh.
- Yếu tố tâm lý: Tâm trạng lo âu, cảm xúc mâu thuẫn, chấn thương tình cảm.
1.2. Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh hen phế quản bao gồm:
- Tiền triệu: Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ.
- Cơn khó thở: Lúc đầu khó thở chậm thường là thì thở ra, có tiếng cò cử. Sau đó khó thở tăng dần, khó thở ngày càng nhiều, vã mồ hôi, mỗi cơn kéo dài 15 phút, có khi kéo dài hàng giờ hàng ngày.
Cơn khó thở giảm dần kết thúc bằng một trận ho khạc đờm, đờm trắng trong, quánh và dính. Cơn hen thường diễn ra vào đêm và gần sáng, và khi thời tiết thay đổi.
2. Một số bài thuốc phòng và trị hen phế quản
Điều trị bằng các phương pháp Đông y nhằm nâng cao phế khí và kiện tráng cơ thể, khi cơ thể khỏe mạnh sẽ có sức chống chọi với thời khí và bệnh tật.
Hiện nay, ngoài phương pháp cấy chỉ, thủy châm, thuốc cấy huyệt thì Đông y còn điều trị hen suyễn bằng cách kết hợp dùng thuốc nam với thuốc bắc. Những phương pháp điều trị hen phế quản cho trẻ em và người lớn bằng phương pháp Đông y như trên khá hữu hiệu và hiện đang được nhiều người áp dụng.
Đông y chia bệnh thành các thể bệnh và mỗi thể bệnh có bài thuốc điều trị đặc trưng riêng.
Bài 1: "Ngọc bình phong tán"
- Thành phần gồm: Phòng phong 6g, tô tử 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g.
Tất cả hợp thành 1 thang sắc uống, ngày 1 thang. Chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng phòng bệnh là chủ yếu, nâng cao chính khí cơ thể con người tạo được sự phòng ngự với bệnh tật.
Bài 2: "Lục quân tử thang"
- Thành phần gồm: Bạch truật 12g, trần bì 8g, đẳng sâm 12g, bán hạ 8g, bạch linh 10g, cam thảo 6g. Ngày uống 1 thang. Chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Tác dụng: Tiêu trừ đàm ẩm tại phế, bổ khí kiện tỳ, chữa các chứng tỳ khí hư sinh hen suyễn.
Bài 3: "Thận khí hoàn"
- Thành phần gồm: Thục địa 12g, hoài sơn 16g, sơn thù du 8g, bạch linh 10g, đan bì 8g, trạch tả 6g, nhục quế 4g, phụ tử chế 4g. Ngày uống 1 thang. Chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Tác dụng: Bổ thận, chữa chứng hen suyễn nguyên nhân do thận khí hư, đái đêm, đau lưng, mỏi gối, tai ù.
Bài 4: "Nhị trần thang" gia giảm
- Thành phần: Trần bì 12g, bán hạ 8g, bạch phục linh 10g, cam thảo sống 4g. Ngày uống 1 thang. Chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng tiêu đàm, khai thông phế khí, điều trị chứng hen phế quản thể đàm thấp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu nhận biết ung thư xương.