Cơ thể của chúng ta mỗi ngày trong quá trình sinh sống và hoạt động sẽ sản sinh ra một lượng chất độc từ các chu trình tổng hợp, chuyển hóa các chất trong cơ thể. Những chất độc này sẽ được cơ thể đào thải qua hai cơ quan chính là gan, thận.
Ngoài ra, các cơ quan khác như phổi, ruột, hệ thống bạch huyết và da cũng tham gia vào quá trình này.
Khi các hệ thống này bị tổn thương, các tạp chất sẽ không được đào thải đúng cách, những chất độc tích tụ lại bên trong cơ thể, gây ra những tác động không mong muốn đối với sức khỏe.
Một chế độ ăn khoa học, đảm bảo vệ sinh, kết hợp chế độ luyện tập thể dục thường xuyên là điều cốt lõi để luôn có một cơ thể khỏe mạnh, đảm bảo cho các chất độc trong cơ thể được loại bỏ hàng ngày ra khỏi cơ thể.
Bên cạnh đó, một số các bài thuốc y học cổ truyền từ xa xưa cũng đã được chứng minh có tác dụng trong hỗ trợ giải độc cơ thể an toàn, hiệu quả. Các vị thuốc trong các bài thuốc giải độc, đa phần có tác dụng thanh nhiệt giải độc, phát hãn giải biểu và sơ phong tuyên phế.
Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc giải độc cơ thể thường hay sử dụng:
1. Bài thuốc 1: Tang cúc ẩm giải độc cơ thể
- Thành phần: Tang diệp 10 -12g, cúc hoa 12g, hạnh nhân 8 - 12g, bạc hà 4 - 6g, cát cánh 8 - 12g, liên kiều 10 - 12g, lô căn 8 - 12g, cam thảo 4 - 6g.
- Cách dùng: Sắc uống, ngày có thể uống 2 thang. Chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Công dụng: Với tác dụng giải biểu, sơ phong, thanh nhiệt và tuyên phế chỉ khái, bài thuốc này thích hợp cho các trường hợp có phong nhiệt độc tích tụ chưa giải. Có thể có các triệu chứng như: Sốt nhẹ, ho, miệng hơi khát, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù sác…
- Phân tích: Cúc hoa vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng sơ phong tiêu tán, trừ phong nhiệt độc. Tang diệp vị ngọt, đắng, tính hàn đi vào can và phế để trừ phong nhiệt, nhanh chóng thải độc tố ra ngoài cơ thể bằng đường mồ hôi.
Cát cánh và hạnh nhân đưa thuốc lên trên, đi vào phế tiêu đàm dịch mủ. Liên kiều và lô căn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chuyển thấu được nhiệt tà ra ngoài.
- Lưu ý: Ngoài dùng uống trong bài thuốc Tang cúc ẩm này, có thể kết hợp thêm với thuốc xông để tăng hiệu quả giải độc cơ thể. Chỉ cần lá dâu tằm đun sôi lên xông là được.
2. Bài thuốc 2: Ngân kiều tán
- Thành phần: Liên kiều 10 - 12g, kim ngân hoa 10 - 12g, lô căn 6 - 8g, trúc diệp 6 - 8g, kinh giới 6 - 8g, đạm đậu xị 10 - 12g, bạc hà 10 - 12g, cam thảo 4 - 6g, ngưu bàng tử 10 - 12g, cát cánh 6 - 8g.
- Cách dùng: Tán thành bột, mỗi lần uống 18g, uống 3 - 4 lần/ngày. Hoặc có thể làm thang sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thấu biểu. Thích hợp cho các trường hợp sốt nhẹ, hơi sợ gió, đau đầu, miệng khát, đau họng, ho, đầu lưỡi đỏ…do phong nhiệt độc tích tụ trong cơ thể.
- Phân tích: Liên kiều vị đắng, tính hàn thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng tán kết. Kim ngân hoa vị ngọt, tính hàn, thanh nhiệt giải độc và phát tán phong nhiệt. Liên kiều mạnh về chuyển thấu nhiệt tà đến cơ biểu rồi đẩy ra ngoài qua đường mồ hôi.
Kim ngân hoa thiên về chuyển thấu nhiệt đi lên mũi, đưa tà nhiệt đi lên mũi rồi từ đó đẩy ra ngoài. Kinh giới vị cay, tính bình, sở trường về tán phong, thấu ban chẩn ra ngoài. Đạm đậu xị bên ngoài thì làm cho ra mồ hôi để giải tà, bên trong thì trừ phiền do hỏa nhiệt lay động đến tâm mà gây phiền.
Ngưu bàng tử vị cay đắng, tính hàn tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông cổ họng, lợi yết hầu giúp giảm ngứa rát họng vô cùng tuyệt vời.
3. Bài thuốc 3: Thanh vị tán
- Thành phần: Sinh địa 8 - 10g, đương quy 8 - 10g, mẫu đơn bì 6 - 8g, hoàng liên 8 - 12g, thăng ma 6 - 8g.
- Cách dùng: Chủ yếu dùng dưới dạng thuốc bột tán, cũng có thể dùng dưới dạng thuốc thang, sắc nước uống. Ngày 1 thang. Chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Công dụng: Bài thuốc này có tác dụng thanh vị nhiệt, làm mát huyết thích hợp cho những trường hợp dạ dày tích nhiệt gây đau răng, răng lợi sưng đỏ, miệng môi lở loét, lưỡi má tai sưng đau, miệng lưỡi khô táo, chảy máu chân răng, hơi thở hôi…
- Phân tích: Khi bị nhiệt miệng, chúng ta nghĩ ngay đến vấn đề do ăn uống, do nóng trong người, trong người có tích nhiệt độc. Thường các đồ cay nóng, đồ béo ngọt, đồ dầu mỡ nhiều…làm cho dạ dày bị tích nhiệt, dồn lên dẫn đến nhiệt áp bức môi lợi mà sinh ra nhiệt miệng, lở loét, sưng đau.
Hoàng liên vị đắng, tính hàn thanh nhiệt giải độc ở dạ dày cực mạnh. Sinh địa đi vào huyết phận để làm mát huyết, thanh nhiệt ở huyết và sinh tân dịch. Mẫu đơn bì, đương quy bình can, kìm hỏa ở can lại và điều hòa huyết. Thăng ma tán hỏa giải độc, giáng được nhiệt uất.
4. Bài thuốc 4: Long đởm tả Can thang
- Thành phần: Long đởm thảo 12 - 16g, hoàng cầm 10 - 12g, chi tử 10 - 12g, trạch tả 8 - 10g, mộc thông 8 - 10g, xa tiền tử 4 - 6g, đương quy 8 - 10g, sinh địa 8 -10g, sài hồ 8g, cam thảo 4 - 6g.
- Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần chia sáng - tối, sau ăn. Uống khi thuốc còn ấm.
- Công dụng: Bài thuốc này trị can đởm thực hỏa đi lên gây đau đầu, mắt đỏ, sườn đau, miệng đắng, thấp nhiệt tích tụ ở hạ tiêu (âm hộ, âm đạo…), tiểu tiện đục rỉ.
- Phân tích: Đây là bài thuốc thanh nhiệt tả hỏa, giải độc cực mạnh. Long đởm thảo vị đắng, tính rất lạnh trị thấp nhiệt ở hạ tiêu. Hoàng cầm vị đắng, tính hàn thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc.
Chi tử vị đắng, tính hàn tả hỏa trừ phiền và lương huyết giải độc. Trạch tả, mộc thông và xa tiền tử đều có tác dụng lợi thủy thẩm thấp, giúp đào thải nhiệt độc, sơ tiết nhiệt ra ngoài qua con đường tiểu tiện.
Trên đây là một số bài thuốc giải độc cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Mỗi một chứng trạng bệnh sẽ phải sử dụng các vị thuốc và bài thuốc khác nhau để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có thể lựa chọn bài thuốc phù hợp nhất với cơ thể của mình.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo: Gặp họa do thải độc gan theo quảng cáo.