Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương TS. Takeshi Kasai cho biết: "Đội ngũ y tế đã làm việc không biết mệt mỏi để bảo vệ chúng ta trong suốt đại dịch COVID-19. Tôi cảm thấy thật yên tâm rằng khu vực Tây Thái Bình Dương hiện đã có đủ nguồn cung vaccine để bảo vệ nhân viên y tế và hệ thống y tế."
"Đảm bảo mỗi nhân viên y tế ở từng nước được tiêm phòng luôn là ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả ở những quốc gia/khu vực đến nay còn ghi nhận số ca mắc lẻ tẻ. Bản chất của đại dịch là virus có thể len lỏi đến từng ngõ ngách trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa rằng từng nhân viên y tế, đặc biệt những người trên tuyến đầu, phải được tiêm phòng."
Tới nay, đã có 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do COVAX (cơ chế chia sẻ vaccine COVID-19 toàn cầu) phân phối tới khu vực. Những liều vaccine còn lại ở các nước hoặc là được sản xuất trong nước, hoặc là mua từ nước ngoài hoặc được trao tặng theo cơ chế song phương.
"Bước ngoặt này được tạo ra nhờ vào sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ và các đối tác.", TS. Kasai nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo vẫn còn cần thêm nhiều liều vaccine nữa.
"Đây là một dấu mốc quan trọng, nhưng chưa đủ. Vaccine là công cụ quan trọng trong nỗ lực bảo vệ người dân và giảm tác động của dịch COVID-19 lên xã hội. Các nhà lãnh đạo tại Tây Thái Bình Dương đã và đang gắng sức để đảm bảo đủ liều vaccine kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta thấy, nguồn cung chưa thể đáp ứng nhu cầu."
Đảm bảo đủ vaccine COVID-19 để tiêm phòng cho các nhóm ưu tiên
"Thách thức tiếp theo đối với chúng ta là phải đảm bảo đủ vaccine để bảo vệ những nhóm ưu tiên ở Tây Thái Bình Dương, gồm người cao tuổi và người lớn mắc các bệnh lý khiến họ dễ tổn thương hơn trước COVID-19 (như dễ gặp biến chứng hoặc dễ tử vong do nhiễm COVID-19). Cần đảm bảo vaccine được tiêm phòng đúng đối tượng, đúng thời điểm, tới tay những người cần nhất.
"Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các biến thể đáng quan ngại, hiện đã ghi nhận tại hơn 130 quốc gia/vùng lãnh thổ và khu vực trên toàn thế giới.
Ở Tây Thái Bình Dương, ngay cả các quốc gia trước đó từng khống chế dịch thành công đang đối mặt với ca nhiễm tăng cao. Chúng ta cần tăng cường nỗ lực tiêm phòng cho tất cả nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên khác, trong đó gồm người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền có nguy cơ biến chứng nặng nếu nhiễm COVID-19. Điều này cũng góp phần giảm nguy cơ các biến thể mới nổi lên.
"Cách phòng vệ tốt nhất chống lại biến thể Delta và biến thể khác trong tương lai, là làm tất cả những gì chúng ta có thể thông qua công cụ vaccine và sử dụng tất cả các công cụ sẵn có. Đây là cách để có thể tiến dần hơn tới tái mở cửa các nền kinh tế.", TS. Takeshi Kasai nói.
Theo Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, người dân cần tiếp tục tuân thủ hướng dẫn quốc gia về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần trong không gian hạn hẹp, và đi tiêm phòng COVID-19 khi tới lượt.
KHẨN: Hà Nội chính thức kéo dài giãn cách theo chỉ thị 16 thêm 15 ngày