Những hoạt động trên đã góp phần giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Thông tin trên được Ban tổ chức Dự án Happy Việt Nam đưa ra ngày 30/7, khi tổng kết Dự án.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23%, tương ứng cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc. Hậu quả của tình trạng thấp còi đã dẫn đến những khó khăn nhất định, bao gồm: khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.
Trước thực trạng này, Tổ Chức ASSIST đã triển khai Dự án Happy Việt Nam giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em từ tháng 7/2020 - 7/2023, với sự đồng hành của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam và đối tác.
Kết thúc dự án, sau ba năm, dự án đã được triển khai tại 7 tỉnh thành có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng cao như: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thành quả của dự án mang lại bao gồm rất nhiều hoạt động truyền thông và đào tạo cho các phụ huynh và nhân viên y tế.
ThS.BS Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) cho hay trẻ em tuổi học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối ưu các tiềm năng di truyền liên quan tầm vóc, thể lực và trí tuệ. Đây là giai đoạn trẻ chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì nên rất dễ bị tổn thương khi bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi.
Các hoạt động của dự án Happy Việt Nam triển khai ở Gia Lai rất phù hợp, thiết thực góp phần giúp cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh có được kiến thức hiểu biết về tăng trưởng chiều cao ở trẻ, nhận biết sớm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi để có hướng điều trị đúng cách, góp phần cải thiện sức khỏe và nâng cao tầm vóc.
BS Ngân mong muốn mô hình dự án có thể tiếp tục được triển khai và nhân rộng ở nhiều trường, nhiều xã hơn nữa, giúp mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho cộng đồng.
Chia sẻ về dự án, ông Cao Hồng Kỳ - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang chia sẻ đây là dự án thành công nhất ở Hà Giang mà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp các tổ chức NGO trong nước và quốc tế tài trợ cho tỉnh.
Đây là một dự án đúng điểm rơi, đúng nơi mà cần sự hỗ trợ của các tổ chức cũng như là cơ quan chính quyền địa phương. Thông qua dự án này có hơn 105 giáo viên, 400 phụ huynh, cũng như 400 trẻ - học sinh thuộc trường mầm non và trường tiểu học của hai xã thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang đã được khám tầm soát và đã được kiểm tra sức khỏe.
"Chúng tôi mong muốn dự án sẽ được tiếp tục phát triển để giúp cho tỉnh Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung"- ông Cao Hồng Kỳ nhấn mạnh.
Thực tế, không chỉ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, ngay cả ở những nơi tình hình kinh tế - xã hội phát triển như TP Hồ Chí Minh thì nhận thức về suy dinh dưỡng thấp còi ở các bậc phụ huynh vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyển Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức, TPHCM) cho biết, địa bàn phường có dân số hơn 100.000 dân, trong đó có trên 50% người dân từ các địa phương khác sinh sống, vẫn còn rất nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, kiến thức của người dân về suy dinh dưỡng thấp còi còn nhiều hạn chế.
Do đó, ông mong muốn chương trình được triển khai rộng khắp, được truyền thông, thông tin đến nhiều người được biết và tham gia.