35 năm bầu bạn trong thế giới người điên

27-04-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vượt qua những khó khăn, nỗi sợ hãi, ông Duệ bắt đầu cuộc sống của mình trong thế giới người điên.

Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công Thái Bình tồn tại được bao năm là bấy nhiêu thời gian ông gắn bó với nó như hình với bóng. Dù bây giờ đã lên chức Phó Giám đốc, nhưng người ta nhớ tới ông hơn bởi danh nghĩa vị bác sĩ duy nhất ở nơi có hơn 200 bệnh nhân tâm thần. Bác sĩ Phạm Ngọc Duệ ngỏ lời đầu tiên với chúng tôi rằng: “Chữa cho người tâm thần thì trước tiên phải làm bạn với họ đã”.

Thăm hỏi, trò chuyện là liệu pháp tâm lý mà BS. Duệ rất coi trọng.

Thăm hỏi, trò chuyện là liệu pháp tâm lý mà BS. Duệ rất coi trọng.

Vượt qua gian khó

Trong căn phòng cũ kỹ như đã ngả màu với thời gian, Phó Giám đốc Phạm Ngọc Duệ bắt đầu hồi tưởng về lịch sử gắn bó với nơi này. Có lẽ gặp chúng tôi như một cái cớ để ông ngồi lại với quá khứ.

Ông sinh năm 1955 tại xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình. Tuy khác huyện nhưng ông bảo từ nhà đến nơi làm việc ở trung tâm (TT) đặt tại xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng chỉ hơn 3km. Bà Luật, vợ ông cũng đã làm việc ở TT mấy chục năm và mới nghỉ hưu 3 năm trước. Ông đùa rằng: “Làm ở đây gần nhà, ngày ngày được gặp vợ hiền thì tốt quá nên chẳng bao giờ muốn chuyển chỗ làm khác”.

Xong phổ thông, chàng trai Phạm Ngọc Duệ đi học bác sĩ, nhưng không phải chuyên khoa tâm thần. Hồi trẻ, ông học bác sĩ đa khoa, trong nhà trường cũng có học đến thần kinh, tâm thần nhưng đó chỉ là một môn học thông thường luân phiên. Ra trường, ông được cử đi học nâng cao chuyên môn ở Bệnh viện tâm thần Thái Bình. Sau đó ông về công tác tại TT Điều dưỡng người tâm thần có công ở Vô Hối, xã Đông Kinh.

Mới 24 tuổi, chưa học chuyên sâu về tâm thần nên chàng bác sĩ trẻ không tránh khỏi những lo lắng, cả sợ hãi khi được cử về làm việc tại đây. Người ta cố ý đặt TT ở cách xa thành phố đến gần 20km, ven bờ sông vắng người cũng bởi sợ những bệnh nhân gây rối, thậm chí để lại hậu quả khôn lường cho xã hội. Ai cũng sợ thế thì chẳng lẽ nào một chàng trai trẻ như BS. Duệ lại không sợ?

Ông Duệ nằm trong số hơn 10 người đầu tiên về TT để chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân tâm thần. Số bệnh nhân khi mới thành lập TT năm 1979 là 30 người, chủ yếu là người có công với đất nước. Cơ sở vật chất ở TT những ngày đầu tiên thật tồi tàn. Đó là mấy gian nhà cấp 4 tuềnh toàng của trại nuôi lợn thuộc Xí nghiệp Thực phẩm 2 Thái Bình. TT tiếp quản và cải tạo lại làm nơi điều dưỡng cho người tâm thần có công.

BS. Duệ trong căn phòng làm việc kiêm chỗ ngủ, nấu ăn của mình.

BS. Duệ trong căn phòng làm việc kiêm chỗ ngủ, nấu ăn của mình.

Vượt qua những khó khăn, nỗi sợ hãi, ông Duệ bắt đầu cuộc sống của mình trong thế giới người điên. Suốt 35 năm qua, số bệnh nhân ngày một đông hơn, còn đội ngũ bác sĩ thì cứ rơi rụng dần. Có người xin chuyển đi vì cái cớ phải làm xa nhà. Có người không chịu nổi sự cô đơn đáng sợ khi sống trong thế giới người điên. Thậm chí, có người bị bệnh nhân đánh hỏng mắt, tạt thẳng chậu nước sôi vào người...

Hy hữu là một anh bác sĩ trẻ từng về TT làm được đúng 1 ngày thì xin nghỉ, rồi bỏ đi luôn. Anh ta không thể chịu nổi nỗi buồn và những nguy hiểm tiềm ẩn bên mình hàng ngày. BS. Duệ nhắc lại chuyện ấy, nhưng quả quyết không nêu tên như để cứu vớt phần nào danh dự cho đồng nghiệp trẻ của mình.

Vào thời kỳ 80 - 90 của thế kỷ trước là thời kỳ khó khăn nhất của TT. Đời sống cán bộ, y, bác sĩ ở TT lâm vào tình trạng khủng khoảng. Để có tiền nuôi con cái, nhiều người đã bỏ TT để đi làm việc khác. Còn hai vợ chồng BS. Duệ vẫn gồng mình gượng sống để bám trụ.

“Vào lúc khó khăn nhất, vợ tôi đã từng có ý định rời TT để đi làm việc khác nhằm có tiền nuôi 2 con ăn học. Nhưng rồi tất cả những suy nghĩ bồng bột ấy cũng trôi qua, vợ chồng tôi và TT này có một sợi dây vô hình gắn kết lại với nhau như bóng với hình”. Để có kinh phí trang trải cuộc sống, BS. Duệ cùng vợ đã xin phép TT cho một khu để chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Vợ chồng ông cùng mấy cán bộ, y bác sĩ khác quyết định nuôi lợn và trồng rau. Thấy cuộc sống khó khăn nên ban lãnh đạo cũng đồng ý... BS. Duệ dần mở lòng mình như thế.

Phòng làm việc cũng chính là nơi ông nấu ăn và ngủ nghỉ. Một chiếc rèm kéo ngang phòng để chia cắt thành 2 phần: bên ngoài làm việc, tiếp khách, còn bên trong là nơi sinh hoạt với đủ các thứ đồ lặt vặt. Ông nhất quyết không cho chúng tôi vào xem bên trong. Chúng tôi nghĩ rằng ông ngại vì Phó Giám đốc lại có nơi làm việc, sinh hoạt tồi tàn đến vậy.

Bầu bạn để chăm sóc, chữa trị

Trong chiếc áo blouse trắng, với ống nghe và máy đo huyết áp trên tay, BS. Duệ bắt đầu đưa chúng tôi đi tới khu vực bệnh nhân. Nhìn nét mặt của ông, chúng tôi cảm nhận được tình thương của người bác sĩ già dành cho những số phận bất hạnh. Thật ấn tượng khi BS. Duệ nhớ gần hết tên của hơn 200 người bệnh. Để được như vậy, bao năm nay ông đã nguyện làm bạn chứ không đơn thuần coi họ chỉ là bệnh nhân.

Chiến tranh để lại hậu quả quá nặng nề, nên không chỉ có người tham gia kháng chiến bị điên, mà thế hệ con cái họ cũng ảnh hưởng, có nhiều người cũng bị mắc bệnh tâm thần. Những người vào đây điều trị đều là bệnh nhân tâm thần từ các thể nhẹ cho đến nặng. Nhưng trong quá trình điều trị, dùng thuốc kháng sinh lâu ngày thì có nhiều trường hợp bị mắc thêm các bệnh khác. Trong những trường hợp đó, các bác sĩ tại đây phải rất vất vả để điều trị, sơ cứu cho bệnh nhân trước khi chuyển lên bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Bệnh nhân Trần Đình Lộc và Lê Minh Hương ở huyện Kiến Xương, Thái Bình điều trị ở TT hơn 10 năm và bị mắc các chứng bệnh khác. Phát hiện 2 bệnh nhân này rất nguy cấp, BS. Duệ đã sơ cứu và chuyển lên bệnh viện đa khoa xét nghiệm cấp cứu. Kết quả hai người này bị lao phổi song song với tâm thần chưa thuyên giảm, bệnh viện tuyến tỉnh lại chuyển họ về TT để chăm sóc, điều trị. Vậy là, BS. Duệ lại điều trị trực tiếp cho 2 bệnh nhân ở ngay TT với sự hỗ trợ thuốc men từ cơ quan chức năng. Được sự điều trị, chăm sóc tận tình, cả 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân Lê Văn Quang cũng ở huyện Kiến Xương bị tâm thần kích động đã vượt rào trốn khỏi TT. Phải mất vài tháng, TT mới tìm thấy và mang về chăm sóc. BS. Duệ là người điều trị, thường xuyên trò chuyện, tâm sự với bệnh nhân Quang. Nhờ thế bệnh của anh đã thuyên giảm và chấp nhận sống ở đây.

Đặc biệt nhất là chuyện về 2 bệnh nhân Nguyễn Thị Loan và Trần Đức Liêm. Họ đã yêu nhau, lúc tỉnh thì tình cảm và rất quấn quýt. Nhưng lúc lên cơn thì họ coi nhau như kẻ thù và đã từng xảy ra xô xát. BS. Duệ một lần nữa phải can thiệp vào một ca nan giải như vậy.

Đây thực sự là ca nhớ đời của ông ở TT trong 35 năm qua. Ông đã phải rất tâm lý, khéo léo tách chuyện yêu đương của họ ra. Theo ông, bệnh này không thể kiểm soát được hành vi thì sao yêu nhau như những người bình thường khác. Sau quá trình điều trị 12 năm ở TT, bệnh nhân Loan đã thuyên giảm được trở về nhà sống hòa nhập cộng đồng.

Cho dù đối tượng thuộc diện nào và có biểu hiện ra sao thì ông luôn kiên nhẫn điều trị, chăm sóc. Với ông, bước đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân là phải trò chuyện cùng họ, hiểu được tâm lý. Không phải lúc nào họ cũng lên cơn, phải lựa những lúc họ tỉnh táo để làm công tác tâm lý. Đó như lời khuyên bảo của ông với cô y sĩ trẻ Nguyễn Thị Lan (SN 1991) đang đi bên cạnh.

Mỗi bệnh nhân vào đây do một nguyên nhân tác động, có hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt, nhiều người đã từ lâu bị gia đình bỏ mặc, xa lánh. Có bao nhiêu bệnh nhân thì BS. Duệ phải bầu bạn với từng ấy người. Ông đã sống cùng trong thế giới vô thức ấy để tìm ra phương pháp chăm sóc, điều trị.

Đi đến từng người bệnh, BS. Duệ lại gọi tên và hỏi han ân cần: “Lâm dạo này có khỏe không, hay bị đau bụng không, họ hàng hay đến thăm không? Thúy dạo này còn hát nữa không? Đức sang năm nay đã bao nhiêu tuổi rồi...”. Đáp lại các câu hỏi, những người bệnh trả lời linh tinh, chẳng đâu vào đâu, rất buồn cười, có khi họ cười phá lên như thể chọc tức, thấy vậy vị bác sĩ già cũng cười theo vui vẻ.

BS. Duệ quay sang nói với chúng tôi: “Những lúc có thuốc điều trị trong người rồi họ không lên cơn nữa, cũng hiền lành và vui tính lắm. Dù họ đã 70 tuổi hay bao nhiêu đi chăng nữa thì tất cả cũng trở lại như một đứa trẻ sống trong vô thức”. Có bệnh nhân như Tạ Hữu Dương ở Thái An, Thái Thụy đã sống ở TT suốt 35 năm như một đứa trẻ vô thức. Bệnh nhân Trần Văn Thìn ở Vũ Thư và vài cái tên khác sau khi thuyên giảm đã trở về quê lấy vợ, sống như mọi người. Theo ông, họ chỉ có thể thuyên giảm và trở về nhà với điều kiện là phải chung sống cả đời với thuốc men...

Y sĩ trẻ Nguyễn Thị Lan mới về TT một thời gian ngắn cho biết: “Được làm việc cùng chú Duệ, em mới thấy sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn của chú thật tuyệt vời. Cái học được hay nhất từ chú là liệu pháp tâm lý trong cách chữa trị, điều dưỡng bệnh nhân tâm thần. Những lời tâm sự của chú về công việc, sự cố và cách ứng phó giúp em dần dần vượt qua nỗi sợ hãi”. Còn với anh Trần Tiến Dũng, người làm công tác quản lý ở đây 6 năm qua cho biết: “Chú Duệ rất tâm lý với người bệnh, chú chỉ dùng biện pháp cuối cùng như cưỡng chế tiêm thuốc, nhốt cách ly khi tất cả các biện pháp khác đã được sử dụng. Ngoài đời, chú Duệ là người sống ôn hòa, không hút thuốc, uống rượu, thậm chí nước chè xanh cũng không...”.

Với 35 năm sống, làm việc, ông đã coi TT như mái nhà thứ hai của mình. Ngôi nhà đã từng cho ông nỗi sợ hãi, lo lắng ngày mới về. Còn bây giờ là tình thương, bao dung với những người bệnh nhân - người bạn của mình. 

Bài, ảnh: Hải Dương


Ý kiến của bạn