Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo “Tháng hành động vì bình đẳng gới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016” với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi cả nước” từ ngày 15.11 – 15.12 do Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức sáng ngày 9/11.
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Lễ phát động Tháng hành động sẽ được tổ chức ngày 13.11 tại Hà nội với sự phối hợp của UBND TP Hà Nội và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội thừa nhận bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang là vấn đề báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Buổi họp báo "Tháng hành động vì bình đẳng gới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016” sáng ngày 9/11
Số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm tại Việt Nam cho thấy: 34% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong cuộc sống.
Điều đáng lo ngại là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái, bên cạnh đó, trẻ em gái còn là nạn nhân của đối tượng dễ bị buôn bán, bạo lực ngoài gia đình.
"Bình đằng giới thì phụ nữ đang nghiêng về yếu thế nhiều hơn, nếu chỉ có chị em quan tâm và tham gia tích cực các hoạt động thì hiệu quả không cao. Do đó, cần kêu gọi thêm nhiều nam giới tham gia các hoạt động tuyên truyền, tập huấn hơn nữa", Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, trong kế hoạch về mục tiêu bình đẳng giới sẽ phấn đấu đến năm 2015 giảm công việc gia đình ở nữ là một nửa và xóa dần khoảng cách đến năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra.
Hiện nay, khi xảy ra bạo lực gia đình, đặc biệt ở nông thôn, chủ yếu vẫn là giải pháp hòa giải. Tuy nhiên mới tầm nhìn đến 2030, cần một cách tiếp cận mới thay đổi và cần có thêm các hoạt động tư vấn, hỗ trợ; thu hút nam giới tham gia như làm sao để người gây bạo lực kìm nén cơn nóng giận...