Trước đó, ngày 18/3, cháu N.H.M.T. (SN 2016, trú tại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) có biểu hiện sốt, ho nhiều, khó thở, nổi phát ban đỏ ở tay, chân, vùng ngực, bụng. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ để khám và được chẩn đoán sốt phát ban nghi sởi.
Tại đây, cháu được điều trị truyền dịch, kháng sinh, hạ sốt, long đờm theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Sau 6 ngày điều trị, sức khỏe của cháu T. đã ổn định.
Ngoài trường hợp của cháu T., ngành y tế còn phát hiện thêm 31 trường hợp khác có các triệu chứng nghi mắc sởi trên địa bàn huyện Đức Thọ.
Bác sĩ Võ Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ cho biết, các ca dương tính virus sởi không xuất hiện biến chứng nặng, địa phương cũng chưa hình thành ổ dịch nào.
"Hiện tại chúng tôi đang tích cực khử khuẩn môi trường tại các gia đình có bệnh nhân mắc sởi. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh sởi để phòng tránh phù hợp; phối hợp nhà trường và gia đình quan tâm đến các học sinh có biểu hiện mệt mỏi, sốt... nên ở nhà theo dõi sức khỏe", Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ thông tin.
Thầy giáo Lê Hữu Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ cho biết, xác định tại trường có ca mắc sởi, nhà trường tuyên truyền khuyến cáo 100% giáo viên, học sinh đeo khẩu trang, trong các lớp học có học sinh mắc sởi được lau dọn, khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ.
Tại các lớp học được bố trí nước sát khuẩn tay, tăng cường hệ thống rửa tay bằng xà phòng tại các trường học, đối với học sinh có biểu hiện mệt mỏi, sốt cho nghỉ học theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Thọ, tại các trường tiểu học và mầm non huyện Đức Thọ có 35 cháu phải nghỉ học do sởi và nghi mắc sởi. Nhà trường cho các cháu nghỉ học để theo dõi sức khỏe, điều trị tại nhà hoặc điều trị ở Bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viên tuyến trên.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Thọ cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường chủ động vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng học, cho các học sinh bị nóng, sốt, ốm nghỉ học và có kế hoạch dạy bù, dạy thêm cho các em khi quay trở lại trường.
ThS.BS Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm hiện tại dịch sởi cơ bản được kiểm soát, không có bệnh nhân nặng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh sởi cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, thủy đậu…, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, vì tiêm chủng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất. Đồng thời người dân không nên chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch sởi cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác; cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi.
Thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của vaccine và lợi ích của tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng gần đây thấp hơn những năm trước. Nguyên nhân được xác định là do sự tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Điều này dẫn tới có thể làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch.