Hà Nội

31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc liên quan bệnh tim mạch

12-10-2018 17:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.

 

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức PATH tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách nhằm đánh giá thực trạng và kết quả các hoạt động dự phòng, quản lý bệnh tim mạch, đồng thời đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách tăng cường hiệu quả phòng, chống bệnh tim mạch tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trương Đình Bắc cho biết, bệnh tim mạch là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội. Những nguy cơ gây ra bệnh tim mạch gắn liền với hành vi, lối sống hằng ngày của mọi người.

Theo các chuyên gia, bệnh tim mạch hiện đang gây gánh nặng tử vong lớn nhất ở Việt Nam. Ước tính trong năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc do bệnh tim mạch. Trong đó tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch.

Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng có nguyên nhân quan trọng là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý và đặc biệt là tiêu thụ nhiều muối.

Những nguy cơ gây ra bệnh tim mạch gắn liền với hành vi, lối sống hằng ngày của mọi người

Theo điều tra quốc gia năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4 gram, gần gấp đôi mức khuyến cáo của WHO. Trong khi đó tỷ lệ người mắc bệnh được phát hiện và quản lý điều trị còn rất thấp. Ước tính cả nước có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh; chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng.

“Lý do cơ bản cùa những vấn đề nêu trên là do tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các trạm y tế xã, chưa triển khai đầy đù hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài - là yêu cầu rất quan trọng đối với bệnh không lây nhiễm. Vì vậy dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng !à một giải pháp cốt lõi hiện nay”- TS Trương Đình Bắc nói

Thực tế cho thấy, người bị bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp cần được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ lâu dài. Vì vậy rất cần sự phối hợp, tham gia tích cực của các đối tác, các tổ chức công - tư, của cộng đồng, và cần phải dựa trên hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để người bệnh có thể tiếp cận với các dịch vụ ngay ở nơi họ sinh sống.

“Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của các chuyên gia, đối tác và đề nghị các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách để góp phần tăng cường hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng ở tuyến chăm sóc y tế ban đầu", ông Bắc nhấn mạnh.



Để giải quyết các bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh không lây nhiễm, hiện Tổ chức y tế thế giới WHO đã xây dựng gói can thiệp bệnh tim mạch (gói Heart) và khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam áp dụng trong dự phòng và quản lý bệnh tim mạch tại cộng đồng. Gói can thiệp này đưa ra chiến lược tiếp cận nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác.

Theo đó, gói Heart toàn cầu có 6 mô-đun thực hành gồm: Tư vấn lối sống lành mạnh, áp dụng phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng, tiếp cận thuốc và công nghệ thiết yếu, đánh giá và quản lý nguy cơ tim mạch, chăm sóc theo nhóm và theo dõi, đánh giá


Thái Bình
Ý kiến của bạn