Với 8 kịch bản được dàn dựng tham gia hội diễn thì 6 vở được tặng thưởng Huy chương Vàng, 2 vở Huy chương Bạc đã tạo được dấu ấn bất ngờ không chỉ trong sân khấu mà trong cả đời sống xã hội.
Bất ngờ trước hết là tiếng nói mới lạ trước không khí xã hội lúc bấy giờ. Kịch bản của ông là luồng gió mới xuất hiện trong giai đoạn chuyển mình khi xã hội bắt đầu đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy trong nhận thức nói chung và trong sáng tạo sân khấu nói riêng. Ông là kết quả của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động và từ trong sự đổi mới ấy, tài năng xuất chúng của ông được phát lộ, bồi đắp khi hiếm có tác giả nào nắm bắt được hơi thở thời đại nhanh nhạy như ông.
Còn nhớ trước đó, do điều kiện hoàn cảnh lịch sử, sân khấu nói riêng và VHNT nói chung thường né tránh những vấn đề nhạy cảm mang tính xung đột lớn của cuộc sống đương đại. Những vấn đề xã hội thường được phản ánh bằng phương pháp ẩn dụ, sân khấu thường lấy xưa nói nay mà dư luận gọi là nghệ thuật ám chỉ. Thậm chí có vở diễn mới mon men tiếp cận hiện thực với nhân vật chủ tịch xã tiêu cực mà đạo diễn lúc đó đã bị đặt vè “GS TS tài ba/ Dựng “Bạch đàn liễu” chửi cha chính quyền”. Mà sự suy diễn quy chụp thành tội lúc đó cực kỳ nguy hiểm, chẳng những thân bại danh liệt mà còn nhận nhiều tai họa như chơi. Nhắc đến hoàn cảnh trước đó để thấy tính tiên phong của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với bản lĩnh đầy trách nhiệm công dân và trái tim quả cảm của người cầm bút.
Khán giả chờ đợi, chào đón những tác phẩm sân khấu từ kịch bản của ông là vì vậy. Sự xuất hiện rực rỡ của một tài năng tạo được sức hút đặc biệt trong dư luận trước hết là sự đồng cảm và chia sẻ giữa tác phẩm sân khấu với quần chúng nhân dân đang đòi hỏi hết sức khẩn thiết phải đổi mới trước những trì trệ, bất cập trong đời sống. Thành công của ông là thành công của ngòi bút viết về những điều nhân dân nghĩ, nhân dân muốn qua những hiện thực đời sống ăm ắp trong kịch bản.
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
2 - Hiện thực trong kịch bản Lưu Quang Vũ bắt đầu từ khả năng quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách nhanh nhạy, sắc sảo và tinh tế cùng với tri thức phong phú, toàn diện của nhà viết kịch. Rất dễ nhận ra những sáng tạo đầy tài hoa của ông khi mà những chi tiết có thật trong cuộc sống ai cũng biết, ai cũng thấy đã trở thành những chi tiết nghệ thuật mang sức khái quát, có ý nghĩa mà không đao to búa lớn mà ngược lại, như một lời tâm sự thủ thỉ với tất cả sự đồng cảm trong tiếng cười hài hước, trong sự phẫn nộ và yêu thương trước mỗi tình tiết.
Đó là những phát hiện, xây dựng nên những nhân vật gần gũi quanh ta như vừa gặp đâu đây. Con mắt tác giả nhìn và xây dựng nhân vật đầy bao dung, thấu đáo khi không ngần ngại phê phán các kiểu nhân vật tiêu cực có thật trong đời sống, thuộc đủ mọi giai tầng, những nhân vật trước kia người ta thường né tránh. Có khi là cái nhìn hài hước trước nhân vật nhưng cũng đầy thông cảm như trong Ông không phải bố tôi, Tin ở Hoa hồng. Cũng khi là tiếng thét cùng nhân vật trước những bất công vô lý trong Vụ án 2000 ngày.
3 - Thường mỗi nhà hát có khán giả riêng của mình vì nhu cầu thưởng thức khác nhau từ sở thích, quan niệm khác nhau. Các tác giả kịch bản sân khấu cũng thường chuyên viết về một đề tài, một thể loại nào đó song với Lưu Quang Vũ, ông có thể tiếp cận mọi đề tài, mọi thể loại. Kịch bản của ông dù dựng trên sân khấu kịch hát, có tác giả chuyển thể song đặc trưng loại hình trong cấu trúc kịch của ông vẫn có khiến vở diễn kịch hát từ kịch bản Lưu Quang Vũ vẫn “vào” một cách nhuần nhuyễn và thuyết phục. Kịch bản của ông được các đơn vị nghệ thuật ở mọi loại hình sân khấu dàn dựng và được khán giả hào hứng tiếp nhận là vì vậy.
Ông khai thác từ cổ tích dân gian có những kịch bản Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Linh hồn của đá...: Từ lịch sử, dã sử có Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa hay lịch sử hiện đại có Sống mãi tuổi 17, Hẹn ngày trở lại, Chết cho điều chưa có, Nữ ký giả, Vách đá nóng bỏng... Có điều, dù từ dân gian hay lịch sử, dã sử thì tác phẩm của ông không hề minh họa cho chuyện đã có mà luôn gần gũi với cuộc sống hôm nay, nói về hôm nay lại không phải là ám chỉ. Đó là tài năng Lưu Quang Vũ!
Ở đề tài hiện đại và loại hình, sân khấu nào Lưu Quang Vũ cũng có những thành tựu đáng đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại. Chèo có Nàng Sita đề cao tình yêu chung thủy, đức hy sinh và khát vọng làm người. Đề tài quân đội có Lời thề thứ 9 vượt ra khỏi chuyện người lính để đến vấn đề nhức nhối đến tận bây giờ đầy thời sự nóng hổi là chống tham nhũng, tiêu cực, đút lót. Vở kịch cũng nói lên những trăn trở, suy tư của những người dân với những bậc chính quyền cấp trên về những vấn đề bức xúc trong cách giải quyết vấn đề. Hài kịch có Bệnh sĩ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị dẫu câu chuyện ở nông thôn thời bao cấp. Rồi đề tài về công nghiệp có Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa. Về ngành y có Nguồn sáng trong đời, Hạnh phúc của người bất hạnh; ngành giáo dục có Mùa hạ cuối cùng...
Rõ ràng, phạm vi đề tài trong kịch mục của Lưu Quang Vũ rất phong phú đã tiếp cận được đông đảo khán giả qua tài năng cấu tứ, xây dựng cốt truyện kịch từ những chuyện mà ông biết qua quan sát hoặc qua báo chí.
Cảnh trong Lời thề thứ 9 - một trong những tác phẩm sân khấu đặc sắc của Lưu Quang Vũ.
4 - Với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, điều quan trọng nhất trong ông để trở thành hiện tượng của sân khấu là tính tư tưởng trong những thông điệp rõ ràng, sâu sắc ở mỗi kịch bản. Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, là những kịch bản có dung lượng đời sống được dồn nén, ắp đầy toát lên quá trình đấu tranh tìm ra chỗ đứng chân chính của mỗi người trong cuộc sống. Tính phản biện sắc sảo trong kịch Lưu Quang Vũ là một trong những yếu tố hấp dẫn tự thân của tác phẩm. Khi xã hội hân hoan chuyện bầu lãnh đạo, qua kịch bản của ông là một phát hiện: Chỉ bầu chọn khi người bầu thực sự là chủ chứ không phải người làm thuê. Khi rộ lên chuyện “cởi trói”, ông khẳng định trong tác phẩm: Tự do như khí trời vốn là lẽ tự nhiên và đó là Quyền được hạnh phúc. Và có thể nói, Quyền được hạnh phúc là tác phẩm tập trung những tư tưởng dân chủ nhất mang nặng khao khát của tác giả cũng như của công chúng. Tính phản biện trong kịch bản của ông có lúc từ chỗ đứng hiện tại nhìn về quá khứ, nhẹ nhàng trước những ấu trĩ một thời để rút ra bài học hôm nay qua Ông không phải bố tôi.
Phần lớn kịch Lưu Quang Vũ là kịch luận đề. Đỉnh cao trong kịch mục của ông và có lẽ cũng là một trong những đỉnh cao của kịch nói nước nhà cho đến hôm nay là Hồn Trương Ba da hàng thịt. Với phương pháp ẩn dụ, Lưu Quang Vũ không viết lại Trương đồ nhục mà vượt ra khỏi tác phẩm xưa, ông luận bàn về triết lý nhân sinh của cuộc đời bằng ngòi bút nghệ thuật tinh tế, tài hoa. Không còn là sự giả định hồn này xác nọ mà sự giả định dường như mất đi nhường lại cho tính triết luận thông qua cuộc đấu tranh hết sức khốc liệt, phức tạp trong cớ giữa phần hồn và phần xác ấy. Hồn Trương Ba da hàng thịt đã tải được vấn đề mang tầm khái quát cao, đó là sự tha hóa của con người tốt trong môi trường xấu, là hậu quả của quan liêu tắc trách, là sự kêu gọi không thể sửa cái sai này bằng cái sai khác nghiêm trọng hơn...
Và điều cuối cùng trong hiện tương Lưu Quang Vũ là kịch bản của ông luôn khiến khán giả tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Đó là niềm tin vào sự chính trực, ngay thẳng, là niềm tin vào tình đồng đội, tình bạn, tình đồng chí cao quý không gì có thể thay thế, là niềm tin vào tình yêu thủy chung, tất cả với khát vọng là những “Điều không thể mất”. Tác phẩm của ông dù có phản ánh những tiêu cực trong cuộc sống song không hề thấy ở đó sự móc máy mà ngược lại, thấm đẫm chất nhân văn.
Sức sống trong kịch Lưu Quang Vũ còn tồn tại với thời gian bởi cuộc sống có thể luôn thay đổi trong dòng chảy bất tận song vấn đề con người với triết lý nhân sinh lại là vấn đề muôn thuở không bao giờ cũ.