Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành y tế luôn ưu tiên phòng chống dịch bệnh. Với dịch bệnh nCoV có từ tháng 12, ngành y tế đã có những chỉ đạo sát sao. Trong dịp Tết, cần đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho người dân.
Một số trường hợp sốt nghi ngờ nhiễm tại Việt Nam đều được theo dõi y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt. Những xét nghiệm dương tính ở miền Nam mới chỉ là ban đầu, tại miền Bắc đã loại trừ. Đây là dịch bệnh mới, chưa có mẫu thử chuẩn. Trong khi Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, hoạt động giao lưu thương mại, du lịch đông nên sẽ đặt cảnh báo ở mức lây nhiễm cao hơn.
"Các cơ sở y tế phải nghiêm ngặt bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế, không để lây nhiễm" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện ngay khai báo y tế ở tất cả các cửa khẩu - đặc biệt với người đến từ Vũ Hán. Kiểm soát những người có sốt. Khuyến cáo mọi người hạn chế đến vùng có dịch, và cả các nước có người nhiễm bệnh.
Bắt đầu kích hoạt chính thức trung tâm khẩn cấp Bộ Y tế ứng phó với nCoV, kiên quyết không để dịch lây lan. Thông tin đầy đủ chính xác bệnh đến người dân để người dân sinh hoạt bình thường. Không vì lý do gì làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, ngay khi có thông tin về dịch bệnh nCoV, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo, Phó Thủ tướng và các đoàn công tác Bộ Y tế đã kiểm tra tại các cơ sở y tế, các cửa khẩu. Đồng thời đưa ra phác đồ điều trị bệnh này. Các cơ sở y tế tại 63 tỉnh thành đã triển khai thực hiện.
Trước tình hình dịch hiện nay, 2 ca bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy dương tính, tuy nhiên đây là kết quả ban đầu, Bộ sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật và thông báo kết quả tiếp theo - Thứ trưởng nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định nCoV bệnh lây truyền từ người sang người, cần tiếp tục giám sát ở tất cả các cửa khẩu, nhất là đối tượng từ vùng có dịch và đối tượng tiếp xúc.
Về công tác điều trị, dịch bệnh xảy ra ở địa phương nào thì điều trị ở khu vực đó. Bộ sẽ cử bác sĩ về, hạn chế tối đa vận chuyển bệnh nhân. Tại khu vực điều trị có cách ly chống lây chéo trong BV và lây cho nhân viên y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp khẩn phòng chống virus nCoV.
Theo ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện trong số các quốc gia thì chỉ có Nhật Bản áp dụng khai báo y tế đối với người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Các nước khác chỉ đo thân nhiệt.
Chúng ta cũng đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam, chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế giám sát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, không để lây lan rộng.
Hiện tất cả các cửa khẩu đã thực hiện giám sát tất cả hành khách đến từ vùng có dịch bằng máy đo thân nhiệt từ xa, thực hiện phát tờ rơi truyền thông, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng phòng cách ly, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.
Bảo vệ nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, 2 bệnh nhân dương tính với nCoV đang điều trị tại BV Chợ Rẫy hiện sức khỏe đã tốt, ổn định. Phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho bệnh này không có Tamiflu.
Theo thông tin thì tại Trung Quốc, bệnh này đã lây sang thầy thuốc nên Bộ Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện hết sức lưu ý bảo vệ cho bác sĩ, người tiếp xúc bệnh nhân. Cục đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện thực hiện 4 tại chỗ, phòng tránh lây nhiễm chéo... - PGS. Khuê nói.
Ông Khuê cũng thông tin thêm, khu vực phía Bắc đã chuẩn bị 100 giường bệnh, có phòng cách ly, phòng áp lực âm. Thời gian vừa qua đã cách ly 1 bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới, 1 người tại BV Nhi Trung ương. 2 người này đã được loại trừ bệnh.
Tóm lại nguồn lây đã được quây lại, các bệnh nhân đã loại trừ bệnh được giải phóng, còn bệnh nhân nghi ngờ vẫn được cách ly.
TS. Kidong Park - Đại diện WHO tại Việt Nam.
WHO: Ho, sốt cần chủ động đến cơ sở y tế
TS. Kidong Park - Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, người dân không nên quá lo lắng dừng các kế hoạch vui chơi và hạn chế đi lại trong dịp Tết này.
Những ai có các triệu chứng như ho, sốt cần chủ động đến cơ sở y tế. WHO sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và y tế Việt Nam phòng chống dịch bệnh này - TS. Kidong Park cho hay.
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Người dân không nên đi/đến khu vực đang có dịch tại Trung Quốc nếu không cần thiết.
5. Những người trở về vùng có dịch tại Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp câp do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.