30 phút âm nhạc mỗi ngày có thể làm giảm các vấn đề sau đau tim

31-03-2020 16:36 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nghe nhạc 30 phút mỗi ngày có thể giúp phục hồi và giảm đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tim đối với những người đã trải qua cơn đau tim.

Các cơn đau tim có thể gây tử vong, đặc biệt nếu chúng xảy ra bên ngoài bệnh viện, nhưng nhiều người đã hồi phục. Một số lượng đáng kể những người này trải qua lo lắng và đau ngực trong 2 ngày đầu tiên sau cơn đau tim này.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng chỉ ra rằng một người đã có một cơn đau tim sẽ có nguy cơ cao hơn của một cơn đau tim trong tương lai hoặc bệnh tim mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), điều trị cơn đau tim có liên quan đến các thủ tục khác nhau và thuốc theo đơn.

Nghiên cứu mới bao gồm 350 người đã trải qua cơn đau tim và đau thắt ngực sau nhồi máu - đau ngực sau một cơn đau tim. Một nửa trong số những người này chỉ nhận được điều trị thông thường, trong khi nửa còn lại nhận được liệu pháp điều trị thông thường kết hợp với 30 phút trị liệu âm nhạc mỗi ngày.

Liệu pháp âm nhạc được thiết kế riêng cho từng cá nhân: Chọn nhạc thư giãn phù hợp, nhịp độ và âm điệu êm dịu nhất. Sau đó, nhóm nghiên cứu yêu cầu những người trong nhóm trị liệu âm nhạc nghe nhạc trong 30 phút mỗi ngày, bất cứ lúc nào thuận tiện, tốt nhất là nhắm mắt trong một môi trường yên tĩnh.

Các nhà nghiên cứu theo dõi trong 7 năm, đánh giá 3 tháng một lần trong năm đầu tiên, sau đó mỗi năm/ lần trong 6 năm còn lại. Sau 7 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người điều trị bằng âm nhạc kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống ít gặp phải tình trạng lo lắng, cảm giác đau hơn so với những người chỉ điều trị truyền thống. Trung bình, nhóm trị liệu âm nhạc giảm hơn 30% sự lo lắng, giảm 25% cơn đau thắt ngực so với nhóm điều trị thông thường (dựa trên điểm số).

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người được điều trị bằng âm nhạc ít có khả năng gặp phải nhiều tình trạng bệnh tim khác nhau. Nhóm này bị suy tim ít hơn 18%, đau tim ít hơn 23%, cần phẫu thuật ghép động mạch vành ít hơn 20% và tỷ lệ tử vong do tim thấp hơn 16%.

Theo GS Mitrovic, lo lắng không được giải tỏa có thể làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến tăng hoạt động của tim. Dựa trên những phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng liệu pháp âm nhạc có thể giúp tất cả bệnh nhân đã trải qua một cơn đau tim. Đây là một liệu pháp dễ thực hiện và không tốn kém…


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn