30 năm tù oan vì... một sợi tóc

11-06-2015 11:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - George Perrot đã phải ngồi tù gần 30 năm trời chỉ vì một sợi tóc. Sợi tóc này được một nhân viên FBI tìm thấy trên khăn trải giường của một phụ nữ 78 tuổi bị kẻ trộm đột nhập cưỡng hiếp tại nhà riêng ở Springfield

George Perrot đã phải ngồi tù gần 30 năm trời chỉ vì một sợi tóc. Sợi tóc này được một nhân viên FBI tìm thấy trên khăn trải giường của một phụ nữ 78 tuổi bị kẻ trộm đột nhập cưỡng hiếp tại nhà riêng ở Springfield, bang Massachussets, năm 1985.

Perrot, lúc đó 17, bị đưa ra tòa, mặc dù không có bất kỳ bằng chứng vật lý nào kết nối cậu với hiện trường vụ án. Không tinh dịch. Không máu. Và do đó có thể tiến hành xét nghiệm ADN để khẳng định. Ngay cả nạn nhân cũng khai rằng bị cáo trông không giống với kẻ đã tấn công bà: hắn ta cắt tóc ngắn và cạo râu nhẵn nhụi, trong khi Perrot để tóc dài, ria mép và râu cằm.

Nhiều vị án oan, sai do kết luận dựa vào mẫu tóc.

Nhưng có một sợi tóc. Vào giai đoạn chủ chốt trong phiên xử năm 1992, một thám tử FBI là Wayne Oakes đã đứng trên bục nhân chứng, mô tả với bồi thẩm đoàn rằng mình là một chuyên gia về tóc và sợi vải - như với rất nhiều nhân chứng trong các phiên tòa - buộc hàng trăm người phải chịu những án phạt tù dài hạn.

Tóc hoặc lông mu của mỗi người đều khác nhau - Wayne Oakes tuyên bố trước tòa - tới mức những chuyên gia được đào tạo kỹ lưỡng như ông ta có thể biết được chúng thuộc về người này chứ không phải người khác. Oakes dồn dập tấn công bồi thẩm đoàn bằng các thuật ngữ khoa học về lớp vỏ, lớp tủy và nang tóc, ví von việc so sánh sợi tóc của một người với việc nhận diện đó người trong đám đông.

Viên thám tử FBI đã kết luận chắc nịch trước mặt bồi thẩm đoàn: “Sợi tóc phát hiện trên khăn trải giường biểu hiện toàn bộ đặc điểm vi thể của tóc như tóc của Perrot. Tôi kết luận rằng sợi tóc này phù hợp với sợi tóc lấy từ bị cáo,” ông ta tuyên bố với tòa.

Lời khẳng định này, dựa trên một sợi tóc duy nhất, chắc chắn và được bao bọc bởi những xác quyết khoa học đến nỗi đã xóa tan mọi nghi ngờ và do dự trong phiên xử - trên thực tế, nó đã tước đi nguyên tắc “suy đoán vô tội”.

Tháng 7/2013, FBI thừa nhận cơ sở của cái gọi là “bằng chứng so sánh tóc” - một kỹ thuật mà các nhân viên của cơ quan này đã sử dụng trong hàng trăm vụ án hình sự trên cả nước và được phổ biến qua quá trình đào tạo các thám tử thông qua hàng chục nghìn vụ việc khác-là không vững chắc về mặt khoa học. Một tổng kết sơ bộ những sai lầm về nang tóc của FDA thấy rằng:

- Phân tích tóc trên vi thể không thể phân biệt một cách khoa học một người này để loại trừ tất cả những người khác.

- Không thể đưa ra độ mạnh thống kê cho các so sánh để gợi ý khả năng sợi lông/tóc đó được lấy từ một nguồn cụ thể.

- Các nhân chứng “chuyên gia” đã không trích dẫn số lượt phân tích tóc đã được tiến hành trong phòng thí nghiệm để nhấn mạnh ý kiến rằng họ có thể xác định chắc chắn một sợi tóc nhất định là thuộc về một người nào đó.

Cả ba sai lầm này đều bị mật vụ Oakes phạm phải trong phiên tòa xử Perrot.

Trong vài năm trở lại đây, hiểu biết tiến bộ về khoa học của các loại tóc đã khiến cho phân tích tóc - như một công cụ pháp y - trở thành vô giá trị. Tranh cãi hiện nay của các chuyên gia thực sự dễ hiểu hơn bao giờ hết: không gì, và không ai có thể nói được về tần suất phân bố của những đặc điểm nhất định của tóc trên người.

Khi bằng chứng khoa học của phân tích tóc sụp đổ, thì quy mô của thảm họa tư pháp do việc sử dụng “quá nhiệt tình” phương pháp này của FBI trong hàng thập kỷ, cho mãi tới năm 2000, đã bắt đầu lộ diện đầy đủ hơn. Mới đây, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ, cùng với Hội Luật sư hình sự, đã công bố kết quả giai đoạn đầu của cuộc điều tra liên ngành về những sai sót về quyền dân sự.

Kết quả, được báo cáo trên tờ Washington Post, đã đưa ra con số “kinh hoàng” rằng có 26 trong số 28 mật vụ FBI đã đưa ra lời khai với tư cách “nhân chứng chuyên gia” trong các phiên tòa, mà dựa trên phân tích tóc đã kết luận sai trước bồi thẩm đoàn. Bằng chứng sai của họ được phát hiện trong 90% số biên bản xét xử mà nhóm đã nghiên cứu.

Chính phủ Mỹ đã xác định được gần 3.000 vụ việc trong đó nhân viên FBI đã đưa là bằng chứng sử dụng kỹ thuật thiếu căn cứ này. Cho đến nay mới chỉ khoảng 500 trong số đó được xem xét lại.

Điều gây sốc nhất là ít nhất 35 bị cáo đã nhận án tử hình, 33 trong số đó là đối tượng của lời khai sai của FBI. 9 trong số những tử tù này đã bị thi hành án và 5 người khác chết do những nguyên nhân khác trong khi chờ thi hành án.

Chris Fabricant, Giám đốc Dự án Vô tội, người đại diện cho Perrot trong cuộc đấu tranh tìm công lý, đã gọi việc sử dụng phân tích tóc của FBI là “một thảm họa lớn” trong hệ thống xét xử hình sự.

Ngành khoa học giả hiệu được sử dụng từ năm 1855 đã thay đổi rất ít suốt một thế kỷ sau đó. Sự thay đổi xảy ra sau thế chiến II, khi FBI nắm lấy kỹ thuật này,  khoác cho nó tấm áo “chuyên nghiệp” - một con dấu xác nhận của chính phủ.

“Họ bắt đầu trưng ra trước bồi thẩm đoàn những bằng chứng giả tạo dựa trên ngôn ngữ khoa học, vốn thường gây ấn tượng rất mạnh. Nó giống như một quả bom bẩn nổ tung trong hệ thống xét xử hình sự - phân tích tóc được cho là khách quan, không định kiến và chắc chắn, vì thế nó vừa cực kỳ bất lợi cho bị cáo, lại vừa có sức mạnh rất lớn,” Fabricant cho biết. “Sẽ cần nỗ lực vô cùng lớn để sửa chữa sai sót trong những vụ việc này, và những gì chúng tôi làm được cho đến nay chỉ là sự khởi đầu hết sức nhỏ bé.”

(Theo The Guardian)

BS. Cẩm Tú

 

 


Ý kiến của bạn