30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

14-12-2024 09:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới- Ảnh 1.

Phong cảnh tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Vẻ đẹp “bất tử” của một kỳ quan thiên nhiên

Với hàng ngàn đảo đá vôi nhấp nhô, hang động kỳ bí và những bãi biển hoang sơ, vịnh Hạ Long là một bức tranh thủy mặc sống động, hội tụ đầy đủ những nét đẹp của thiên nhiên. Giá trị của vịnh Hạ Long không chỉ nằm ở vẻ đẹp ngoại hình mà còn ở sự đa dạng sinh học phong phú, hệ sinh thái độc đáo và những giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng.

Các đảo đá vôi trong vịnh Hạ Long được hình thành qua hàng triệu năm, tạo nên một hệ thống hang động, động và các cấu trúc địa hình độc đáo, không nơi nào có được. Nơi đây có hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu sinh sống. Vịnh Hạ Long còn gắn liền với nhiều truyền thuyết và câu chuyện dân gian, tạo nên một nét văn hóa độc đáo, là những câu chuyện thu hút du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Dianna Falk một du khách đến từ nước Đức bày tỏ bất ngờ trước vẻ đẹp, sự hùng vĩ của vịnh Hạ Long. Bà cho biết, đây là lần đầu bà đến vịnh Hạ Long và phải nói rằng cảnh quan tự nhiên ở vịnh rất đẹp, độc đáo, đặc biệt là sự huyền bí từ những truyền thuyết về Rồng mà được nghe hướng dẫn viên chia sẻ. Trong hành trình tham quan, trải nghiệm các hang động, ngắm nhìn các hòn đảo lớn nhỏ bà Dianna Falk nhận thấy thế giới động, thực vật ở đây rất đa dạng và phong phú.

Lần thứ 4 đến với vịnh Hạ Long, chị Hồ Thị Kim Thi, du khách đến từ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ, Vịnh có sức hút đặc biệt với vợ chồng chị, thế nên lần nào đến Quảng Ninh gia đình chị cũng sẽ có hành trình ngắm vịnh. Sau mỗi lần trở lại, chị cảm nhận cảnh quan nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên vốn có. Đặc biệt là sự hồi sinh sau sự tàn phá của cơn bão số 3 (Yagi). Theo chị Thi, thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Ninh một di sản mà các nơi khác muốn cũng không thể có được; đồng thời mang lại kế sinh nhai, cơ hội phát triển kinh tế lớn cho địa phương.

Đặc biệt ngày 16/9/2023, vịnh Hạ Long cùng quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) một lần nữa được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thiên nhiên thế giới kép đầu tiên của Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng lớn với Việt Nam nói chung, hai tỉnh, thành phố Quảng Ninh và Hải Phòng nói riêng.

Ông Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, khi lần đầu tiên vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã có sức lan tỏa, tác động rất lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người dân Quảng Ninh nói riêng cũng như là cả nước nói chung. Đó là một niềm tự hào rất to lớn và là bước quan trọng để Việt Nam hòa nhập vào cộng đồng quốc tế về lĩnh vực bảo tồn phát huy Di sản thiên nhiên.

Trong lần thứ 3, khi vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, ông Thái cho rằng đây là lợi ích lớn cho quốc gia, vùng miền; 2 địa phương cần có sự phối hợp quản lý, bảo vệ tốt, tránh tình trạng bị “vênh” về cơ chế, thể chế, chính sách, bởi dưới con mắt du khách, của cộng đồng, các chuyên gia quốc tế thì quần thể vịnh Hạ Long và Cát Bà là tổng thể di sản thống nhất không có ranh giới về địa giới hành chính, mà chỉ có ranh giới về mặt thiên nhiên và điểm khác ở đây là một Di sản liên vùng. Ông Thái tin tưởng với trách nhiệm và quyền lợi chung, 2 địa phương sẽ có biện pháp, quy chế quản lý chung, để đưa việc bảo tồn vịnh Hạ Long - Cát Bà tốt hơn, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới- Ảnh 2.

Du khách tham quan hang Luồn trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Vịnh Hạ Long - cơ hội mới cho tương lai

Với những tiềm năng to lớn, vịnh Hạ Long sẽ còn tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới. Trong tương lai, vịnh Hạ Long có thể trở thành một trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa hàng đầu, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Qua chặng đường 30 năm, vịnh Hạ Long đã chứng minh được sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của mình. Để vịnh Hạ Long mãi là một viên ngọc quý của Việt Nam, chúng ta cần chung tay bảo vệ và phát triển di sản này một cách bền vững.

Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long không chỉ nằm ở cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt như: Giá trị địa chất, địa mạo với hàng ngàn đảo đá vôi lớn nhỏ, tạo nên một khung cảnh ngoạn mục với những hình thù kỳ lạ, độc đáo; hệ thống hang động kỳ bí, với các nhũ đá, măng đá tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tự nhiên tuyệt đẹp...

Về giá trị đa dạng sinh học, vịnh có nhiều khu rừng ngập mặn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, đặc biệt là các loài chim; là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu, tạo thành đa dạng sinh học.

Vịnh Hạ Long còn được biết đến với giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, nhiều câu chuyện, truyền thuyết gắn liền với các đảo đá, hang động cùng với nghề cá truyền thống của người dân địa phương. Nơi đây là một trong những điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản trong Vịnh đã mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Trong suốt 30 năm qua, vịnh Hạ Long đã đón tiếp trên 56,3 triệu lượt khách (trong đó có 30,5 triệu khách nước ngoài), thu phí tham quan đạt trên 8,472 tỷ đồng. Ngoài việc bảo tồn nguyên trạng di sản theo quy định của UNESCO, công tác phát huy di sản để mang lại những giá trị kinh tế-xã hội của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung rất hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, có thể khẳng định vịnh Hạ Long không chỉ là một danh thắng thiên nhiên mà còn là một tài sản vô giá của nhân loại. Việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững vịnh không chỉ là trách nhiệm của riêng ai. Ông Thái cũng khẳng định sau 30 năm, vịnh Hạ Long đã có một diện mạo mới, cảnh quan vẫn bảo tồn vẻ đẹp nguyên sơ, song đã được đầu tư hệ thống hạ tầng cảng, giao thông ven vịnh, nâng tầm vịnh xứng đáng là kỳ quan thiên nhiên thế giới…

Tuy nhiên, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng thẳng thắn thừa nhận, trong 10 năm nay, các sản phẩm du lịch đang được triển khai trên vịnh chưa có nhiều đổi mới, chưa khai thác được tối đa những giá trị đặc sắc khác của vịnh. Hiện vịnh Hạ Long mới khai thác được khoảng từ 10% đến 20% tài nguyên du lịch. Nhận thức được điều đó, Ban Quản lý Vinh đang phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh có đánh giá, rà soát, nghiên cứu nguồn tài nguyên đang bỏ ngỏ. Ban đang nghiên cứu, nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, ngoài ra sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng lựa chọn những sản phẩm du lịch đẳng cấp, phục vụ cho các dòng khách cao cấp, có chi trả cao. Vịnh Hạ Long còn dư địa lớn cho việc thu hút các dòng khách cao cấp như hệ thống hang động, bãi tắm, các vùng vui chơi giải trí ở những khu vực xa khu trung tâm… Đây là các sản phẩm đang được các dòng khách cao cấp quan tâm.

Hiện trên vịnh Hạ Long có 8 tuyến tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh gồm: tham quan hang động, ngắm cảnh; lưu trú nghỉ đêm; vui chơi giải trí, tắm biển; chèo kayak, chèo đò... Các dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long ngày càng được đa dạng hóa, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Ông Đoàn Viết Đại Từ, Chủ tịch Công ty Tam Sơn, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ du thuyền cho rằng, vịnh Hạ Long lôi cuốn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng quanh năm. Tuy nhiên, ở đây chưa có sản phẩm chuyên biệt hóa theo mô hình du thuyền cao cấp để nâng tầm trải nghiệm cho du khách; thu hút khách hàng trung, cao cấp trong và ngoài nước. Hạ Long hoàn toàn có thể khai thác những mô hình cao cấp mà một số nước khác ở Đông Nam Á đang khai thác hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhưng Hạ Long đang thiếu một bến du thuyền cá nhân tiêu chuẩn 5 sao để xứng tầm với quy mô, tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, để Di sản thiên nhiên thế giới trường tồn bền vững, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong và ngoài nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, địa phương cần tăng tăng cường công tác bảo tồn, đầu tư vào các dự án nghiên cứu, giám sát và bảo vệ môi trường, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm; nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ hơn về giá trị của di sản và cùng nhau bảo vệ.


Theo Thanh Vân (TTXVN)
Ý kiến của bạn