Dù đã hơn 90 tuổi, độ tuổi mà hầu hết mọi người sẽ nghỉ ngơi vui hưởng cuộc sống tuổi già bên con cháu, thế nhưng hơn 30 năm qua, lương y Phạm Thọ Tầng vẫn miệt mài chữa bệnh miễn phí giúp cho những người dân nghèo tại nhà.
Tấm lòng của vị lương y
Về phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), hỏi thăm nhà cụ Phạm Thọ Tầng ai cũng biết, không chỉ vì cụ từng là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Khuyến học của địa phương mà còn bởi tấm lòng và những đóng góp của cụ cho cộng đồng.
Cụ Tầng vốn là một chiến sĩ quân y của Sư đoàn 321. Trong thời kỳ chiến tranh, cụ vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội tại chiến trường vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu. Trở về sau chiến tranh, cụ Tầng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bốc thuốc cứu người, giữ chức Viện trưởng Viện Điều dưỡng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Từ khi còn là cán bộ y tế của Bộ Nông nghiệp, cụ Tầng đã được biết đến là một cán bộ tận tâm, nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ người khác.
Là một người có tâm, từng trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc lại được chứng kiến nhiều cảnh đời éo le nên hình ảnh những người nghèo không có tiền chữa bệnh, phải chịu đựng đớn đau trong bất lực cứ ám ảnh cụ. Cụ cho rằng, con người ta sống trên đời lâm vào cảnh nghèo túng thường do 3 nguyên nhân: nghèo do không có trình độ học vấn vì bản thân họ không biết làm gì, làm như thế nào để thoát nghèo; nghèo do lười và đáng thương, đáng được cảm thông, được giúp đỡ hơn cả là nghèo do bệnh tật. Không phải họ lười, cũng không phải do thiếu văn hóa mà vì chữa bệnh như ung thư, tai nạn rủi ro... mà tiêu hết tiền. Chính vì thấu hiểu nỗi đau của người nghèo bị bệnh, sẵn có nghề trong tay, cụ bắt đầu thực hiện ước mơ cứu giúp người thiếu may mắn. Mong muốn lớn nhất của cụ là giúp đỡ họ, gánh bớt cho họ chút khó khăn, chữa bệnh để họ khỏe mạnh, có thể tiếp tục lao động, sản xuất ra được của cải vật chất, tự lập trong cuộc sống, chăm sóc được cho gia đình, không phụ thuộc vào sự trợ giúp của Nhà nước hay các đoàn thể khác.
Lương y Phạm Thọ Tầng thăm khám cho bệnh nhân.
Vốn là một bác sĩ Tây y nhưng cụ nhận thấy nước ta có một bề dày về y học cổ truyền nên cụ đã tự mày mò, học hỏi, có khi là học lỏm (của các nhà khoa học Ba Lan, Tiệp Khắc khi họ sang nghiên cứu núi Ba Vì) để biết về tác dụng của các loại cây, lá chữa bệnh sẵn có, giá thành rẻ trong nước. Với kiến thức sẵn có về giải phẫu cơ thể người, nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu là ung thư đại tràng, thoái hóa cột sống và tinh thần làm đến cùng của một nhà khoa học, cụ Tầng đã tự mình chế ra một loại thuốc đông dược rất có hiệu quả. Bệnh nhân của cụ đến từ khắp xa gần.
Những người bệnh ở gần, người giàu cũng như người nghèo nếu không thể đến nhà thì cụ sẽ tự mình đến tận nhà người bệnh để thăm khám, bốc thuốc cho đến khi khỏi bệnh. Cảm động trước tấm lòng nhân ái, nhiệt tình của cụ, nhiều người muốn bày tỏ lòng cảm ơn bằng “cây nhà lá vườn”, ấy thế nhưng, hễ biết gia đình có ý định bắt gà biếu là cụ từ chối ngay. Những bệnh nhân ở xa, hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần kể rõ bệnh tình, gửi kết quả khám bệnh và kèm theo giấy chứng nhận hộ nghèo có xác nhận của địa phương sẽ được cụ Tầng gửi thuốc chữa bệnh miễn phí. Đưa cho chúng tôi một tập giấy chứng nhận hộ nghèo, gia đình chính sách, cụ Tầng rưng rưng: “Đây này, hàng trăm, hàng nghìn người đến chữa bệnh. Họ đều tai qua nạn khỏi. Vui nhất là khi được chữa khỏi, họ lại gọi điện đến hỏi thăm, khi tiện là qua thăm tôi luôn. Rồi có người sau này thành đạt, giàu có cũng không quên ơn, họ lại ủng hộ để xây dựng khu nhà trọ miễn phí”. Những tờ giấy xác nhận hộ nghèo đều được chính quyền địa phương viết tay và có dấu đỏ. Qua những tấm giấy ấy mới biết tiếng thơm của cụ lan rộng đến thế nào. Từ Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, thậm chí cả những tỉnh tận phía Nam, đảo Trường Sa cũng xin được cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí.
Trồng cây thuốc và xây nhà trọ miễn phí bằng tiền lương hưu
Ngoài phòng khám nhỏ, cụ Phạm Thọ Tầng còn dành khu đất rộng 5.000m2 của gia đình để trồng các loại cây thuốc Nam, vì cụ bảo giờ tuổi cao sức yếu, không thể đi lại nhiều để tìm lá thuốc được nên trồng ngay trong vườn để chủ động nghiên cứu và bào chế. Trong vườn của cụ có rất nhiều cây thuốc quý như cây bách xanh, cây lá khôi, cây kim gia, cây bó xương… Điều đặc biệt hơn cả, cụ Tầng đã xây dựng một khu nhà cấp 4 khang trang dành cho người bệnh nghèo ở xa đến chữa bệnh. Đây là khu nhà được xây bằng tiền lương hưu của cụ và tiền ủng hộ của con cháu và những người quý mến. Cụ kể rằng, lương hưu của tôi giờ được hơn 4 triệu/tháng, rồi tiền con cháu ủng hộ, tiền những người quý mến gửi, tôi đã xây dựng dãy nhà này được 5 năm rồi. Mỗi ngày có cả chục người tìm đến đây chữa trị, họ sẽ được ở miễn phí, ăn uống cũng được hỗ trợ đôi phần. Cụ còn nhớ như in cái ngày quyết định xây dựng dãy nhà trọ miễn phí. Dù biết đó là nghĩa cử tốt nhưng cũng không ít người cho rằng cụ đã đi quá xa với khả năng của mình và e ngại khi những bệnh nhân đến đây ở sẽ kéo theo nhiều chuyện phức tạp. Nhưng cụ chỉ nói một câu “thương thì thương cho trót” rồi lặng lẽ làm. Anh Phạm Văn Đức (phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên) xúc động: “Tôi có bệnh đau lưng nhiều năm nay. Cứ đi làm được vài hôm là đau không chịu được, chính vì thế, gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo đi. Biết được cụ Tầng thương người nghèo mà chữa bệnh miễn phí nên tôi đã đến nhờ cụ. May mắn là cụ lại cho ở, cho thuốc không lấy tiền. Giờ bệnh tôi cũng thuyên giảm nhiều rồi. Cứ đà này chắc vài ngày nữa là tôi về quê và lao động bình thường được rồi”.
“Ngài khuyến học”
Không chỉ dừng lại ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cụ Tầng còn được mệnh danh là “ngài khuyến học”. Cụ là người đặt nền móng cho phong trào khuyến học tại địa phương. Những ngày đầu lập quỹ khuyến học của phường, điều kiện còn vô cùng khó khăn, chủ yếu do một mình cụ gây dựng. Để tiếp nối truyền thống ấy, đại gia đình cụ luôn đi đầu trong phong trào khuyến học của địa phương. Ông Phạm Thọ Lâm - con trai cụ Phạm Thọ Tầng chia sẻ: “Cụ nhà tôi hằng năm cứ đến dịp 27/7 và Tết Nguyên đán đều hỗ trợ các phần quà đến gia đình chính sách. Đặc biệt, với các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cụ đến tận nhà mừng tuổi. Như năm vừa qua, cụ tặng 20 triệu đồng cho 4 gia đình ở thị xã Sơn Tây mua bò giống về nuôi, phát triển kinh tế. Quả thực những việc cụ làm là nghĩa cử tốt đẹp để cho con cháu chúng tôi học theo”.
Bên cạnh đó, đối với công tác Chữ thập đỏ, cụ cũng là người tiên phong, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Ngày mới giải phóng, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, cụ phải mở cửa hàng bán bia để lấy tiền giúp đỡ cho 10 trẻ tàn tật ở địa phương cho đến khi những đứa trẻ này được Nhà nước nhận nuôi.
Với tâm niệm còn sống ngày nào sẽ còn chữa bệnh giúp đỡ người nghèo, không tính toán, sống có nghĩa có nhân với bà con, xã hội nên suốt hơn 30 năm qua, cụ đã khám chữa bệnh cho hàng nghìn người. Tấm lòng cao cả mà vị lương y đang âm thầm dâng hiến cho cuộc đời nhiều năm qua luôn được nhân dân và các cấp ghi nhận. Trong nhiều năm, cụ Tầng đã được UBND TP. Hà Nội, thị xã Sơn Tây vinh danh là “Người tốt, việc tốt tiêu biểu, được xướng tên trong chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.