30-50% bệnh ung thư có thể dự phòng được bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ

06-06-2019 21:11 |
google news

SKĐS - Các nghiên cứu cho thấy 30-50% bệnh ung thư có thể dự phòng được bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong dự phòng, hỗ trợ điều trị ung thư thông qua tác động đến các quá trình chuyển hoá của tế bào.

 

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên thế giới và đang ngày càng gia tăng.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Đa số bệnh nhân ung thư chỉ tập trung vào điều trị mà chưa chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Đây là điều đáng lo ngại nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Các nghiên cứu cho thấy 30-50% bệnh ung thư có thể dự phòng được bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong dự phòng, hỗ trợ điều trị ung thư thông qua tác động đến các quá trình chuyển hoá của tế bào.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị dinh dưỡng lần thứ 2 với chủ đề Dinh dưỡng trong dự phòng và điều trị ung thư, do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Bệnh viện K tổ chức ngày 6/6, tại Hà Nội.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K phát biểu tại hội nghị

Hội nghị là sự kiện quan trọng trong công tác  nghiên cứu khoa học, trao đổi, học tập và cập nhật kiến thức của các cán bộ dinh dưỡng, bác sĩ và nhân viên y tế góp phần thúc đẩy, nâng cao năng lực và chất lượng chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh và cộng đồng.

Thông tin tại chương trình, GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người sống chung với ung thư. Con số thống kê ước tính mỗi năm cả nước có 165.000 ca mắc mới và có khoảng 115.000 ca tử vong/năm do bệnh ung thư. Con số này dự kiến tiếp tục gia tăng, do đó ung thư đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên đã dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn.

Nghiên cứu sâu về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, các nghiên cứu viên tại Khoa dinh dưỡng và tiết chế (Đại học Y Hà Nội) đã tiến hành đề tài nghiên cứu về "Tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư đường tiêu hóa sau 2 tháng điều trị hóa chất tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội."

Kết quả của đề tài nghiên cứu cho thấy, có 59% đối tượng nghiên cứu có tình trạng tốt, 41% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng ở mức vừa và nặng. Trong số người bệnh nguy cơ suy dinh dưỡng, có 18% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng nặng và 23% người bệnh có nguy cơ suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ và vừa.

Đặc biệt, người bệnh có tình trạng dinh dưỡng tốt có điểm đau thấp hơn người bệnh suy dinh dưỡng.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng của người bệnh ung thư đang ở mức khá cao cùng với đó là tình trạng mệt mỏi buồn nôn, nôn, đau, rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác ăn ngon… cao hơn người bệnh suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong duy trì thể lực của người bệnh, đặc biệt là người bệnh ung thư

Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. 24/26 ấn phẩm được công bố cho thấy tình trạng dinh dưỡng tốt hơn gắn liền với việc cải thiện chất lượng sống và nhiều nghiên cứu về ung thư đường tiêu hoá đều kết luận rằng nâng cao tình trạng dinh dưỡng tỷ lệ thuận với nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, qua việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng và can thiệp dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng hiệu quả điều trị, thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư. Dinh dưỡng tốt có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Người bệnh ung thư cần chú ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực trong quá trình điều trị.

 

Một nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu Bệnh viện K với chủ đề “Nhận thức về dinh dưỡng của người bệnh và người nhà người bệnh tại Bệnh viện K năm 2018” được công bố tại hội nghị cho thấy tỷ lệ đối tượng chủ động tìm hiểu về dinh dưỡng chưa cao, người bệnh là 59,7% và người nhà là 51,7%. Hầu hết người bệnh và người nhà đều có mong muốn được tư vấn dinh dưỡng trong quá trình điều trị tại Bệnh viện.

Nhận thức về dinh dưỡng trong điều trị bệnh ung thư là một trong những bước quan trọng để người bệnh/ người nhà bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh ung thư, từ đó có những thay đổi hành vi tích cực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao hiệu quả điều trị.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn