Hà Nội

3 trẻ mắc tim bẩm sinh nặng được BV tỉnh cứu sống ngay trước thềm năm mới

01-01-2019 07:05 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa điều trị thành công 3 trẻ bị tim mạch bẩm sinh bằng hệ thống máy chụp mạch xóa nền 2 bình diện. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhi tim bẩm sinh ngay tại tuyến dưới.

Sáng ngày 31/12/2018, Đơn nguyên Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiến hành đóng kín dị tật bẩm sinh còn ống động mạch cho 03 bệnh nhân nhi bằng hệ thống máy chụp mạch xóa nền 2 bình diện (DSA) ngay tại bệnh viện.

Các bệnh nhân lần lượt được can thiệp là bé Nguyễn Ngọc C. (sinh năm 2016), thường trú tại Phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; bé Nguyễn Thị Thùy L. (sinh năm 2017), thường trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được chẩn đoán còn ống động mạch. Nguyễn Vũ L. (sinh năm 2012), thường trú tại Phường Cẩm Thủy, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được chẩn đoán thông liên nhĩ.

Các trẻ có tiền sử tim bẩm sinh còn ống động mạch, chưa can thiệp đang dùng thuốc theo đơn, nay nhập viện chuẩn bị can thiệp tim mạch theo lịch hẹn của bác sĩ.

Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy hình ảnh còn ống động mạch, thông liên nhĩ... Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán và chỉ định can thiệp bít dù ống động mạch cho trẻ.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhi.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 30 phút, trẻ được gắn hệ thống máy theo dõi mạch, huyết áp, điện tâm đồ... Sau đó bác sĩ sử dụng ống thông dẫn đường được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu vào tận các buồng tim và mạch máu của trẻ.

Dưới màn hình hệ thống chụp mạch DSA, các bác sĩ kiểm soát và đánh giá chính xác các tổn thương do dị tật còn ống động mạch, thông liên nhĩ và lựa chọn các cỡ dụng cụ can thiệp thích hợp để đóng các tổn thương cho trẻ.

Sau chụp can thiệp đóng ông động mạch thành công, hiện các bé đã phục hồi tốt và đang được theo dõi tại bệnh viện.

Bác sĩ Phạm Ngọc Mười cho biết, còn ống động mạch là tình trạng tồn tại ống nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ. Nếu không được điều trị kịp thời, còn ống động mạch có thể khiến lượng máu chảy quá tim tăng cao gây suy yếu cơ tim, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.

Với những trẻ sinh non, ống động mạch có thể mất nhiều thời gian hơn để đóng hoàn toàn (1 vài tuần). Nếu sau thời gian này nó vẫn mở, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh còn ống động mạch.

Việc triển khai thành công kỹ thuật này giúp xử lý các ca bệnh tim khẩn cấp dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian can thiệp bệnh nhi, mang lại cơ hội sống cho nhiều trẻ sơ sinh mắc căn bệnh hiểm nghèo.

Đồng thời giúp các bệnh nhi bị bệnh tim trên địa bàn không phải chuyển tuyến để can thiệp và mổ như trước, giảm chi phí cho người thân bệnh nhi, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị cho người dân trên địa bàn, góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Mười, còn ống động mạch có thể được chẩn đoán thông qua một số triệu chứng lâm sàng bao gồm các dấu hiệu tim mạch như nghe được tiếng thổi tim qua ống nghe, bé có huyết áp thấp.

Các dấu hiệu hô hấp bao gồm: Trẻ thở nhanh, không thể cai máy thở do cơ thể giữ CO2, thiếu oxy.

Để được chẩn đoán chính xác nhất, bé cần được siêu âm để đo kích thước tim, tỷ lệ nhĩ trái/động mạch chủ và nhiều chỉ số khác.

Tốt hơn hết, cha mẹ nên cho con đi khám sức khỏe nếu thấy trẻ có các biểu hiện dễ mệt mỏi, không tăng cân, hay bị khó thở, thở nhanh, da xanh, tím tái…

D.Hải
Ý kiến của bạn