Tổn thương da do nắng là khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt ngoài trời. Trong nhiều trường hợp tổn thương da cũng có nguyên nhân từ các bệnh lý bẩm sinh, nhưng nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến bệnh kịch phát. Bệnh gặp nhiều ở người trẻ do mức độ cảm ứng của da mạnh hơn so với người lớn tuổi.

Khi ra nắng cần đội mũ và dùng kem chống nắng để tránh tổn thương da.
Dị ứng do nắng: Thương tổn da có thể là chàm cấp tính, sẩn ngứa, mày đay. Các bệnh này thường tiến triển mạn tính. Bệnh thường có liên quan đến tiền sử sử dụng các thuốc tại chỗ và toàn thân như kháng histamin, chlorpromazin, thuốc giảm đau tại chỗ, các kem chống nắng chứa aminobenzoique,... Bệnh xuất hiện chậm và kín đáo thường sau 1 ngày khi tiếp xúc với ánh nắng. Thương tổn bắt đầu ở vùng hở, sau đó có thể lan ra khắp người.
Sẩn ngứa do nắng: Sẩn ngứa thường gặp ở nữ do nắng nóng mùa hè. Khi đó, tổn thương da biểu hiện đầu tiên là dát đỏ, ngứa, sau đó mọc các sẩn. Sẩn kích thước bằng hạt ngô, chắc, nổi cao lên mặt da. Da vùng thương tổn khô ráp, hằn cổ trâu; lỗ chân lông giãn rộng, sẩn mất đi sẽ để lại sẹo nhỏ trắng, đôi khi để lại sẹo teo. Thương tổn da thường khu trú ở vùng hở như mặt duỗi cẳng tay, cẳng chân, mu tay, mu chân, mặt, tam giác cổ áo... xuất hiện các sẩn chắc, dày sừng, ngứa nhiều. Bệnh nặng lên vào mùa hè.
Bọng nước do nắng: Yếu tố thuận lợi gây ra do tiếp xúc với ánh nắng giai đoạn tia cực tím mạnh nhất trong ngày (từ 10 - 4 giờ chiều). Khi đó, biểu hiện là những hồng ban giới hạn rõ, màu đồng nhất, phù nề, mụn nước, bóng nước. Vị trí xuất hiện thường ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tuy nhiên những vùng da được che bởi quần áo cũng có thể bị ảnh hưởng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Đề phòng các tổn thương do nắng bằng các biện pháp như tránh đi ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ, khi phải đi ra ngoài nắng hoặc phải làm việc dưới trời nắng nên mang đủ các trang bị bảo hộ như kính râm, quần áo chống nắng, mang ô, đội mũ nón,... Nếu có điều kiện, nên sử dụng thêm các loại kem chống nắng an toàn.
Thông thường, sau khi bị tổn thương da do nắng, nhiều người bị ngứa, nổi sẩn, mụn nước đã sử dụng lá cây như: lá khế, lá cây lược vàng, đậu xanh giã nhuyễn... để đắp, chà xát cho mát da, thậm chí nhiều người đã uống các nước lá cây với mong muốn để khỏi. Ðiều này chưa hẳn đúng vì khi tổn thương da do ánh nắng, nếu không vệ sinh da sạch sẽ mà sử dụng các loại lá cây đắp lên vùng da tổn thương thì sẽ khiến viêm da nặng thêm, dẫn đến viêm da mạn tính. Trên thực tế, rất nhiều người dùng kem tự chế, kem không rõ nguồn gốc để đắp lên mặt, uống cho đẹp da dẫn đến tình trạng suy gan, suy thận và dị ứng khá nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Mời độc giả đón đọc phần 2:"Viêm da nhiễm độc vì nắng" vào lúc 8h ngày 12/8/2015
BS. Nguyễn Văn Thường