Tiếp cận "cỗ máy buôn lậu"
Tháng 7/2019, ngồi trước hàng nghìn bao hàng lậu đang tập kết ở khu vực Đồi keo thuộc địa phận cánh gà Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), Hùng "ma" - một "cai cửu" khét tiếng vùng biên nói chuyện: "Để đưa tất tần tật các loại hàng hóa giá rẻ, không cần bất kỳ một loại hóa đơn, giấy tờ nào từ Quảng Tây (Trung Quốc), qua đường mòn lối mở đưa sang Việt Nam rồi từ Lạng Sơn chuyển đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam là một "bộ máy trơn tru". Những trường hợp không tuân thủ luật chơi, trong quá trình vận chuyển hàng kiểu gì cũng bị lực lượng chức năng bắt (?)".

Phóng viên Cao Tuân (bên phải) làm việc với ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn về kết quả xử lý vi phạm sau thông tin báo đăng, thời điểm tháng 11/2019.
Phóng viên Cao Tuân là một "cửu vạn" mới được nhận vào "đội" của Hùng "ma". Đội này có khoảng 300 người, cả nam và nữ, phần lớn là những người cần tiền, lì lợm. Do là "lính" mới, nên ngoài việc xem chứng minh nhân dân, kiểm tra sức khỏe, phóng viên còn phải đặt cọc một khoản tiền để tránh việc làm thất lạc hàng khi vận chuyển. Ban đầu Hùng "ma" còn nghi ngờ Cao Tuân là người của Bộ Công an về đây "nằm vùng" nên không nhận. Chỉ đến khi Minh "trâu", một người bạn mới quen trong nhóm cửu vạn lên tiếng: "Công an gì mà xăm kín lưng thế này?", thì gã giang hồ quê Bắc Kạn mới gật đầu đồng ý.
Trước đây, các "đầu nậu" lợi dụng chính sách cho cư dân vùng biên giới được miễn thuế với giá trị 2 triệu đồng hàng hóa/người/ngày để thuê người dân địa phương bốc vác hàng, sau đó thu gom lại để mang hàng vào nội địa tiêu thụ. Thế nhưng, do nhu cầu hàng hóa đưa về Việt Nam tiêu thụ quá lớn, nên những "trùm đầu nậu" hình thành đường dây "đánh hàng" qua đường mòn lối mở ngay cạnh cửa khẩu, với sự tham gia của đủ các thành phần. Công việc của phóng viên Cao Tuân và đám cửu vạn là vác các bao hàng từ điểm tập kết trên đồi núi khu vực Cửa khẩu Việt - Trung xuống điểm tập kết phía dưới gần Cửa khẩu Tân Thanh. Thường thì một bao hàng nặng 30 đến 120kg, tùy loại. "Đồ nghề" của cửu vạn là cuộn dây thừng và tấm đệm mút (dụng cụ để buộc hàng và đeo vào vai).

Hai viên đạn do nhóm "đầu nậu" gửi ở lán nơi phóng viên và một số cửu vạn lưu trú.
Để bài báo có được chứng cứ thuyết phục, phóng viên Cao Tuân đã bí mật thu thập tất cả những chứng cứ bằng cách ghi âm, ghi hình trong suốt thời gian thâm nhập. "Đó thực sự là một công việc khó khăn và nguy hiểm. Nan giải nhất trong quá trình nhập vai làm cửu vạn là phải đi qua Mốc 1089 sang hàng rào biên giới đến điểm tập kết bên Trung Quốc đưa hàng về Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc tôi vượt biên trái phép", phóng viên Cao Tuân vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp khi kể chuyện.
Do vậy sau khi tính toán kỹ, anh đã trao đổi với Minh "trâu" - cửu vạn đi cùng rằng do mới đi làm còn run sợ nên chỉ đứng ở phía bên Việt Nam. Sau khi Minh "trâu" sang Trung Quốc (cách cột mốc biên giới vài trăm mét) đưa các bao hàng về địa phận của Việt Nam, anh sẽ vác xuống điểm tập kết theo chỉ định của chủ. "Tôi phải thuyết phục rất lâu và nói rằng đang tập làm cho quen, sẽ không đòi chia tiền công nên Minh "trâu" mới đồng ý", phóng viên Cao Tuân kể.
Do những đường mòn giữa đồi keo rất nhỏ, lại trơn trượt sau mưa cộng với bao hàng hơn 60kg sau lưng nên mỗi lần đến đoạn triền dốc, những cửu vạn mới vào nghề như Cao Tuân lại bị ngã sõng xoài xuống bùn đất. Đặc biệt là buổi đêm, trời lạnh, sương muối dày đặc nhưng anh vẫn phải cởi trần vác hàng. Anh lấy chiếc áo mỏng quấn quanh tay trái để kẹp dụng cụ quay hình một cách kín đáo, tay phải cầm đèn pin dò đường. "Khoảng thời gian đó, suốt ba tháng liền tôi không cắt tóc, cạo râu để nhìn cho giống cửu vạn, tránh bị chim lợn nghi ngờ. Mọi việc ăn ngủ, tắm giặt lộ thiên phải thực hiện thuần thục như mọi người vì nhất cử, nhất động luôn bị để ý", anh tâm sự.
Sau nhiều tuần nhập vai cửu vạn thì bất ngờ phóng viên Cao Tuân bị lộ trong lúc chụp ảnh khi đi bộ ở phía rìa đồi keo. Lúc này trời về đêm, tối đen như mực, 1 người đàn ông rọi thẳng đèn pin và mặt Cao Tuân rồi hô lớn: "Có biến. Có đứa đang chụp ảnh". Ngay lập tức, một nhóm người làm nhiệm vụ cảnh giới hùng hổ lao đến khu vực nơi anh đứng.
"Lúc ấy tôi chỉ biết cắm mặt chạy, mỗi lần trượt ngã lại đứng dậy chạy tiếp vì nếu bị nhóm người này bắt giữ giữa khu vực biên giới sẽ không biết thế nào. Họ đuổi theo rất lâu, mãi đến khi tôi rẽ vào một lối mòn rồi núp vào bụi rậm sát bờ vực, nhóm người này bị mất dấu và truy lùng ở điểm khác. Lần theo đường mòn về chùa Tân Thanh, tôi gột rửa vết bẩn của quần áo, băng bó vết máu chảy ở tay rồi đi bộ ra đường lớn đón xe khách về Hà Nội", phóng viên Cao Tuân nhớ lại.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó bởi sáng sớm, Minh "trâu" gọi cho Cao Tuân hỏi về việc vì sao tự dưng vội vàng bỏ về. Cửu vạn này còn bảo rằng có một nhóm người đến lán ở của cửu vạn gửi lại 2 viên đạn của loại súng AK-47...
Những góc khuất dần lộ sáng
Tuy có chút lo lắng nhưng với mong muốn phơi bày sự thật ra ánh sáng, phóng viên của Báo Sức khỏe & Đời sống vẫn kiên trì thực hiện tuyến bài. Phóng viên Cao Tuân kể lại một chi tiết đáng ngờ mà anh ghi lại được: "Trong chặng đường nhập vai đi theo nhóm cửu vạn mang hàng từ bãi tập kết qua đường mòn xuyên đồi keo xuống bãi gần Cửa khẩu Tân Thanh, tôi còn phải đi qua một lán, căng bạt xanh mà theo lời cửu vạn đó là chốt của Bộ đội Biên phòng. Là người mới nên lần nào đi qua, tôi cũng bị hai người đàn ông mặc thường phục từ trong lán đi ra hỏi đi làm lâu chưa, mang hàng cho nhà nào? Nhờ những lời căn dặn từ trước nên sau khi "khớp lệnh", tôi mới được cho mang hàng qua...". Sau nhiều tháng tiếp tục thu thập các thông tin, phóng viên Cao Tuân phát hiện ra được rằng, ngoài sự liều lĩnh của nhóm "đầu nậu" vì đồng tiền bất chấp luật pháp còn có dấu hiệu tiêu cực của những cán bộ đang thực thi nhiệm vụ phòng chống buôn lậu.

Hàng lậu từ Trung Quốc "tuồn" về Việt Nam thông qua các đường mòn lối mở khu vực Cửa khẩu Tân Thanh tháng 8/2019.
Sau khi loạt bài viết được đăng tải đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Rất nhiều cơ quan đã vào cuộc, trong đó có Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia); Tổng cục Hải quan; Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy tình trạng cửu vạn mang vác hàng lậu qua một số đường mòn trên địa bàn huyện Văn Lãng như Báo phản ánh là có thật. Là đơn vị liên quan trực tiếp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã họp kỷ luật, điều chuyển Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh và một số cán bộ, chiến sĩ phụ trách địa bàn. Với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, Đồn Biên phòng Tân Thanh và Chi cục Hải quan Tân Thanh đã phối hợp triển khai lực lượng dựng lán chốt chặn 24/24 giờ tại vị trí các đường mòn khu vực Mốc 1089 đến Mốc 1090 để ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu. Lực lượng quản lý thị trường cũng tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang buôn bán tràn lan ở nội địa.
Phóng viên Cao Tuân (Báo Sức khỏe & Đời sống) 5 năm liên tiếp đạt Giải Báo chí toàn quốc viết về An toàn Giao thông (năm 2018 đạt giải Nhất); Giải Nhất cuộc thi báo chí viết về "Nói không với rác thải nhựa"; Giải B Giải Báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2020-2021; Giải Nhì Cuộc thi viết về đề tài hiến tặng mô tạng (Bộ Y tế).
Xem thêm video đang được quan tâm
Sáng 20/6: Bất Ngờ Công An TP.HCM Thông Tin Chưa Tiếp Nhận Vụ Án Bà Nguyễn Phương Hằng