Tai nạn, thương tích có tỷ lệ cao nhất hay gặp ở trẻ tại nhà, quanh nhà, chiếm 55% trường hợp, trẻ bị tai nạn thương tích. Tại nơi công cộng đứng thứ 2, chiếm tổng số 27% trường hợp, tại trường học tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích chiếm 8%, còn ở những nơi khác thường chiếm khoảng 10%.
Vào mỗi dịp lễ Tết là thời gian trẻ được nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên, vào dịp này các gia đình cũng thường rất bận rộn, nên sẽ có phần lơ là để mắt đến trẻ, điều này có thể khiến trẻ gặp phải những rủi ro trong dịp Tết.
Dưới đây là một số tai nạn trẻ thường gặp và cách phòng để phụ huynh không phải "mất Tết" vì những tai nạn đáng tiếc ở trẻ.
Phòng trẻ té ngã
Các yếu tố từ môi trường khiến cho trẻ dễ gặp chấn thương như: Bề mặt sàn nhà có nhiều chướng ngại vật, nhà tắm trơn trượt hoặc cầu thang không có tay vịn, nhà tắm không có thanh nắm, không gian sống không đủ ánh sáng hoặc quá chói, không bằng phẳng có thể khiến trẻ dễ gặp chấn thương hơn.
Bên cạnh đó, thời điểm Tết các gia đình thường trưng bày các cây cảnh có gai, đào mai giả gắn vào cành cây khô bằng kẽm sắc nhọn, dễ gây thương tích. Trẻ nhỏ cũng có thể làm đổ những chậu cảnh, bình hoa kê ở vị trí trẻ có thể với tới, bình rơi vỡ có thể khiến trẻ chấn thương.
Thông thường trẻ bị té có thể chỉ bị chấn thương phần mềm, chảy máu, xây xát da tại chỗ. Nặng hơn trẻ có thể bị gãy xương, vỡ đốt sống, chấn thương não...
Chấn thương sau ngã có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của trẻ. Vì vậy, để phòng trẻ bị té ngã, người lớn phải luôn để mắt đến trẻ, nhắc nhở trẻ chơi nơi không có đồ vật bừa bộn sắc nhọn, dễ vỡ. Luôn giữ tay vịn khi mang em bé lên và xuống cầu thang, nên lắp cổng an toàn vào cầu thang trước khi bé bắt đầu biết bò, đảm bảo cầu thang không có đồ vật rơi vãi.
Lắp khóa an toàn cho cửa sổ, không bao giờ để ghế, chậu cây lớn hoặc đồ nội thất gần cửa sổ, bề mặt làm việc, ban công hoặc bất cứ nơi nào nguy hiểm mà trẻ có thể trèo lên. Gắn chặt an toàn - đặc biệt là tủ sách, tủ ngăn kéo và TV - vào tường, để đề phòng chúng bị đổ và đè vào trẻ nếu trẻ định trèo lên.
Các khu vực như bể bơi, hồ cá cần rào chắn an toàn ở lối ra vào, đặc biệt chú ý Tết cũng là dịp các gia đình cho con về quê đón Tết đoàn viên, cần quan sát trẻ, tránh để trẻ chơi một mình ở khu vực gần ao, sông, hồ, suối.
Phòng trẻ hóc dị vật đường thở
Hóc dị vật ở trẻ là tai nạn phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ vào những dịp Tết, số ca mắc dị vật tăng hơn so với ngày thường. Nguyên nhân là vào dịp Tết gia đình hay có bánh mứt, trái cây, các loại hạt bí, hạt dưa, đậu phộng, thạch... đây đều là những món ăn trẻ nhỏ rất ưa thích. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không chú ý, những món ăn vặt này có thể trở thành tác nhân gây ra các dị vật đường thở ở trẻ.
Theo ghi nhận trẻ bị hóc dị vật gặp nhiều ở lứa tuổi từ 1 - 2 tuổi. Tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng đều có nguy cơ trở thành dị vật. Không chỉ riêng những loại trái cây, mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ.
Vì vậy, để phòng ngừa hóc dị vật cho trẻ, cha mẹ cần để ý đến trẻ, luôn để trẻ trong tầm quan sát của mình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng ngừa, cất đặt đồ đạc có nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ.
Cụ thể, đồ chơi như bóng bay (đã thổi căng hoặc chưa thổi) cần để ngoài tầm tay của trẻ. Các loại đồ chơi nhỏ (ví dụ như đồ chơi xếp hình Lego, giầy dép của của búp bê Barbie...) cũng cần để xa tầm tay. Nhắc anh chị của trẻ tuân thủ quy định. Không cho bé chơi với những thứ đồ chơi có thể tháo rời. Luyện cho trẻ thói quen không cho vào miệng ngậm mút.
Đối với đồ đạc trong nhà, không để cúc áo và các loại pin trong tầm tay của trẻ, cần khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới.
Để phòng ngừa dị vật thức ăn cho trẻ, luôn cho trẻ ngồi một chỗ khi ăn. Không bao giờ ép trẻ ăn uống khi đang khóc, chạy nhảy hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng, vì như vậy trẻ có thể bị nghẹn. Động viên trẻ ăn từ từ và nhai kỹ. Đảm bảo đúng chế độ ăn uống theo lứa tuổi của trẻ. Không cho trẻ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo chip chip, hạt trân châu...
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, hóa chất
Ngày cận và trong Tết gia đình nào cũng bận rộn dọn dẹp nhà cửa, hóa chất để bừa bãi nên trẻ lấy ra nghịch, hóa chất đổ lên da, rơi vào mắt hoặc trẻ uống nhầm.
Các loại hóa chất trẻ uống nhầm thường là dung dịch lau rửa nhà cửa, dầu hỏa, xăng, ít gặp hơn là axít, thuốc tẩy, thuốc trừ sâu… Vì vậy, để phòng tránh tai nạn này, không nên đựng hóa chất trong các chai nước uống. Ví dụ xăng dầu đựng trong chai nước suối, dầu nhớt đựng trong chai coca… và nên dán nhãn để tránh nhầm lẫn ngay cả với người lớn. Tất cả cần có chỗ để riêng, có khóa, đặt xa tầm tay trẻ em.
Vấn đề ngộ độc thức ăn cũng thường xảy ra ở trẻ em vào dịp Tết. Nguyên nhân do trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn có trong đồ ăn.
Thức ăn ngày Tết thường được chế biến sẵn để dùng trong nhiều ngày như lạp xưởng, thịt kho trứng, cá kho, giò chả, bánh chưng... Thức ăn uống chứa nhiều đường như mứt, bánh kẹo, nước ngọt, sirô...
Ngay cả những ngày cận Tết cũng có trẻ bị ngộ độc thực phẩm, do cha mẹ bận bịu khiến trẻ gặp gì ăn nấy, ăn thức ăn từ hôm trước… nếu ăn phải thức ăn không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc.
Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn ngày Tết tốt nhất là đảm bảo thức ăn an toàn và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh đồ ô nhiễm. Nấu chín và bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn. Lưu ý, cũng phải đảm bảo những điều kiện vệ sinh này khi cho trẻ đi chơi Tết.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.