3 tác dụng phụ cần lưu ý của thuốc trị rối loạn tiền đình

07-01-2024 08:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Người bệnh rối loạn tiền đình cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tái phát. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ. Vậy người bệnh cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc rối loạn tiền đình?

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng, rối loạn tiền đình là tình trạng do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình gây ra. Các biểu hiện thường gặp của rối loạn tiền đình bao gồm mất thăng bằng, đi không vững, cảm giác chóng mặt, yếu mệt, kém tập trung, mắt mờ, buồn nôn, nôn… ‏

‏Rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc phải hội chứng này càng tăng. Để điều trị rối loạn tiền đình, người bệnh cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó mới có phương pháp chữa trị phù hợp nhằm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh và tránh tái phát.‏

Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc điều trị rối loạn tiền đình mà người bệnh cần lưu ý:

1. Phản ứng dị ứng sau khi dùng thuốc trị rối loạn tiền đình

Các phản ứng dị ứng thường gặp sau khi dùng thuốc có thể kể đến như ngứa, mẩn, phát ban, nổi mề đay...

Ví dụ, thuốc acetylleucin là thuốc giúp giảm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Khi sử dụng, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như phát ban (đôi khi có kèm theo ngứa) và nổi mề đay.

Thuốc ‏betahistin có tác dụng làm tăng lượng máu đến tai trong bằng cách giãn các cơ tiền mao mạch, làm giảm tính thấm với các mao mạch vùng tai trong, đồng thời làm tăng lượng máu cung cấp cho não nói chung, nhờ đó giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiền đình. Người bệnh sử dụng thuốc này cũng có thể gặp những biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, ngứa, rối loạn tiêu hóa... Không những thế, betahistin còn có thể gây tác dụng phụ đau dạ dày, do đó được khuyến cáo sử dụng sau khi ăn no để tránh các vấn đề liên quan tới dạ dày.

Khi gặp phải các phản ứng dị ứng nghi ngờ do thuốc, người bệnh cần ngừng uống thuốc và báo ngay cho bác sĩ. Các phản ứng như mẩn, ngứa, phát ban, nổi mề đay là những dấu hiệu dị ứng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan và không tự ý dùng thuốc chống dị ứng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3 tác dụng phụ cần lưu ý của thuốc trị rối loạn tiền đình- Ảnh 1.

Nếu nghi ngờ bị dị ứng thuốc, cần ngừng uống thuốc và báo cho bác sĩ, người bệnh không tự ý dùng thuốc chống dị ứng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

2. Gây buồn ngủ

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, các thuốc kháng histamin thế hệ 1 bao gồm các thuốc như dimenhydrinate hoặc promethazin... có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, chóng mặt, do đó thường được chỉ định trong phác đồ điều trị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, tác dụng điển hình nhất của nhóm này là gây buồn ngủ, khiến người bệnh cảm thấy lơ mơ, ngủ gà...

Ngoài ra, các thuốc ức chế canxi như cinnarizin (stugeron), flunarizine (sibelium) có tác dụng phòng ngừa và điều trị triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, giúp giảm đau nửa đầu, thiểu năng tuần hoàn não... cũng gây cảm giác buồn ngủ cho người sử dụng.

Các thuốc an thần như diazepam, clonazepam, bromazepam, lorazepam... cũng được sử dụng trong một số trường hợp rối loạn tiền đình. Một trong số tác dụng phụ của nhóm này là gây buồn ngủ, lờ đờ, khả năng phối hợp kém...

Do tác dụng phụ gây buồn ngủ nên người bệnh tránh điều khiển phương tiện giao thông và vận hành máy móc sau khi dùng những loại thuốc này.

3. Nghiện thuốc, phản tác dụng

Đối với nhóm thuốc an thần như diazepam, clonazepam, bromazepam, lorazepam... nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc và phản tác dụng. Chính bởi vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ. ‏‏

Thuốc có thể gây lệ thuộc sau khi sử dụng thuốc trong vòng ít nhất một tháng, ngay cả với liều lượng đã được quy định. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu lệ thuộc thuốc, người bệnh không nên ngừng thuốc đột ngột mà cần giảm liều từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ.‏‏

photo-1701481786634

‏Để dùng thuốc điều trị rối loạn tiền đình một cách an toàn, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc. ‏

Để dùng thuốc điều trị rối loạn tiền đình một cách an toàn, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc. Khi được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị, người bệnh cần tuân thủ. ‏

‏Điều quan trọng là cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để biết về những bất lợi có thể xảy ra của thuốc mình đang sử dụng để nhận biết nó. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi, nếu thấy xuất hiện những biểu hiện khác thường, thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được ứng phó kịp thời.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Chớ coi thường bệnh cúm mùa, tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe sau Tết I SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn