Đó là thông tin mà các bác sĩ đã khuyến cáo tại buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, sáng 5/11.
BS Nguyễn Thị Anh Trang - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết, đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mãn tính không lây nhưng để lại nhiều biến chứng nặng nề như các bệnh lý tim mạch, bệnh thận, hạ đường huyết, bệnh võng mạc tăng sinh…
Theo một số liệu thống kê, có đến 80% bệnh nhân ĐTĐ tử vong do biến chứng tim mạch, 20-30% bệnh nhân ĐTĐ phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo. Những biến chứng này gây nguy hiểm đến tính mạng và chi phí điều trị lớn.
Người bệnh bị ĐTĐ điều trị ngoại trú đã quan tâm hơn đến những nguyên tắc điều trị bệnh. Ảnh: H.T
Hiện nay bệnh ĐTĐ đang có sự gia tăng và trẻ hoá, tuy nhiên triệu chứng bệnh thường diễn tiến âm thầm nên người bệnh có sự chủ quan, chỉ có khoảng 31,1 % trường hợp bị ĐTĐ được chẩn đoán, trong đó khoảng 21% được điều trị đúng.
ĐTĐ có thể do các nguyên nhân: di truyền, béo phì, thói quen sống, bệnh lý cao huyết áp… Người bệnh có các triệu chứng: khát nhiều, đói nhiều, tiêu nhiều, dù ăn uống đầy đủ nhưng vẫn mệt mỏi, uể oải, sụt cân. Ngoài ra là các triệu chứng như: mắt mờ, vết thương loét chậm lành, ngứa ran đau hoặc tê ở tay hoặc chân, giảm nhu cầu tình dục, một số người ĐTĐ type 2 có triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.
“Người bệnh ĐTĐ phải được chẩn đoán và điều trị sớm bằng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, song song đó cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để đạt được mục đích tối đa của điều trị. Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi lối sống: rèn luyện thể thao phù hợp, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Mục tiêu điều trị là tránh biến chứng sớm và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh”- BS Trang khuyến cáo.
Theo BS Nguyễn Hoàng Dung - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, dựa trên thể trạng của từng bệnh nhân các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn phù hợp về chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, người bệnh phải đảm bảo các nguyên tắc chung, gồm: ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, kèm những bữa ăn nhẹ sẽ giúp ổn định glucose máu; lượng muối ăn tiêu chuẩn của một người là 1.500-2.300mg/ngày, thay vào đó người dân có thể hấp thụ một lượng vừa phải chất béo không bão hoà có trong các loại hạt, cá, quả, bơ… và hạn chế lượng đường tiêu thụ; uống đủ nước mỗi ngày.
BS Nguyễn Hoàng Dung hướng dẫn người bệnh lựa chọn nhóm thực phẩm cần thiết trong ngày. Ảnh: H.T
“Hiện nay, nhiều người bệnh ĐTĐ đang có những quan niệm sai lầm trong chế độ ăn hàng ngày. Trên thực tế sau khi điều trị một số ca bệnh nhưng đường huyết không thể ổn định trở lại, bệnh nhân cho biết vì nghe các thông tin chung chung nên đã hạn chế tối đa lượng tinh bột: cơm, gạo, bánh mì. Đó là quan niệm sai lầm, bởi chế độ ăn phải đúng theo khẩu phần, được bác sĩ hướng dẫn. Sai lầm thứ 2 là người bệnh quá lạm dụng đường ăn kiêng, đây là chất tạo ngọt, hoá chất do đó có nhiều nguy cơ không tốt cho cơ thể, gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, trong quá trình chế biến đường ăn kiêng có thể bị biến tính ảnh hưởng sức khoẻ. Sai lầm thứ 3 là người bệnh tự ý thay thế các thực phẩm khác nhóm, theo đó thay vì không ăn tinh bột thì ăn nhiều chất đạm, chất béo không tốt. Những sai lầm trên dẫn đến tình trạng bệnh khó kiểm soát hơn”- BS Dung khuyến cáo.