1. Nghĩ rằng chỉ cần thay đổi chế độ ăn là đủ mà không cần phải dùng thuốc
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng điều trị táo bón rất đơn giản, chỉ cần thay đổi chế độ ăn (ăn nhiều rau - chất xơ, uống nhiều nước...) là có thể khắc phục được. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn này chỉ thích hợp với các trường hợp táo bón cấp tính (mới bị táo bón trong vòng vài ngày).
Đối với táo bón mạn chức năng (táo bón kéo dài nhiều tháng), thì thay đổi chế độ ăn như trên là không hiệu quả. Bên cạnh đó, khi bé ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước gây no khiến trẻ ăn ít các chất khác đi, còn gây ra mất cân bằng dinh dưỡng. Với lượng chất xơ quá nhiều còn gây cản trở việc hấp thu các khoáng chất khác trong đường ruột và gây bất lợi cho trẻ.
Vì vậy, đối với những trường hợp táo bón chức năng, ngoài việc thay đổi chế độ ăn, cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2. Tự ý ngưng thuốc
Nhiều phụ huynh sau khi cho con uống thuốc được 1-2 tuần, thấy con đi ngoài phân mềm, nghĩ là tình trạng táo bón của con đã khỏi nên tự ý ngừng thuốc, khiến bệnh chưa khỏi hẳn mà còn tái phát.
Trong khi đó, đối với những trường hợp táo bón mạn tính có thể cần phải dùng thuốc kéo dài hơn, và dưới dự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Thời gian dùng có thể từ 3-6 tháng, hoặc lâu hơn (tùy vào tình trạng bệnh của trẻ).
Cũng có những trường hợp phụ huynh đã kiên trì cho con uống thuốc kéo dài được 3 tháng trở lên, thấy triệu chứng cải thiện: Phân khá mềm, bé đi ngoài đã dễ dàng và đều đặn rất tốt… nên phụ huynh ngừng luôn thuốc (ngừng thuốc đột ngột).
Việc ngừng thuốc đột ngột cũng dẫn đến thất bại trong điều trị, khiến bé trở lại tình trạng táo bón và chu trình điều trị phải bắt đầu lại và khó khăn hơn.
Vì vậy, khi dùng thuốc nhuận tràng kéo dài, khi ngừng thuốc phải giảm liều từ từ. Ngoài ra trong chế độ ăn cũng tăng thêm chất xơ tự nhiên từ rau củ thì kết quả điều trị mới được lâu dài.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần tiếp tục duy trì thói quen đi ngoài của em bé để tạo phản xạ đi cầu đúng giờ mỗi ngày.
3. Thiếu sự kết nối với bác sĩ
Đây là một sai lầm rất thường gặp trong khám và điều trị bệnh.
Việc điều trị táo bón cho trẻ cần phải bền bỉ, kiên nhẫn lâu dài, nên rất cần có sự trao đổi thường xuyên với bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
Việc trao đổi thường xuyên với bác sĩ sẽ giúp bác sĩ theo dõi được quá trình điều trị: Bệnh tiến triển tích cực hay tiêu cực... để kịp thời điều chỉnh phương pháp điều trị, liều lượng thuốc và có lời khuyên phù hợp.
Thường xuyên trao đổi với bác sĩ còn giúp phát hiện những bất lợi do thuốc có thể xảy ra để được ứng phó kịp thời.
Do tình trạng táo bón của mỗi trẻ là khác nhau cũng như đáp ứng thuốc điều trị cũng khác nhau, nên việc trao đổi thường xuyên với bác sĩ lại càng quan trọng trong việc quyết định tới hiệu quả chữa bệnh cho trẻ.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Phó thủ tướng yêu cầu ngành du lịch khẩn trương khôi phục - SKĐS