Hầu hết các thứ gia vị, rau củ quả, cây cỏ xung quanh chúng ta... đều là vị thuốc. Mỗi loại lại có các hoạt chất, tác dụng riêng. Khi dùng bất kỳ loại gì đều có liều lượng, cách bào chế, kiêng kỵ... để tránh những tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe.
Nhiều người sử dụng nước cốt chanh kéo dài, chế biến không phù hợp, sử dụng sai mục đích sẽ không tốt cho sức khỏe.
1. Một số công dụng của quả chanh
Tính vị: Quả có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt. Quy kinh vị, phế.
- Quả chanh: Có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt. Quả chanh được dùng làm thuốc giải nhiệt, giúp ăn ngon miệng, lợi tiêu hóa, chống bệnh scorbut (thiếu hụt vitamin C); dùng làm thuốc long đờm, trị ho, trị nôn ra mật.
- Múi chanh: Có thể phối hợp với muối ăn dùng ngậm chữa ho, viêm họng.
Sau khi gội đầu, bạn có thể vắt một ít nước chanh quả lên có tác dụng làm trơn tóc.
- Nước chanh: Vắt lấy nước, thêm nước sôi nguội, có thể thêm đường hay muối vừa đủ, có tác dụng chống nắng, chống nóng, giải khát.
- Chanh ướp muối đường: Chanh tươi bóc bỏ vỏ, bỏ hột, dầm nát, thêm chút muối hoặc đường tùy ý, ngậm ít một. Dùng cho các trường hợp lợm giọng, buồn nôn, nôn ói, nóng rát vùng thượng vị.
Lưu ý: Các cách dùng trên chỉ dùng khi có triệu chứng, không sử dụng thường xuyên hàng ngày. Người bị loét dạ dày - tá tràng chưa ổn định, đa toan không dùng.
Chanh có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nên chế biến, hạn chế dùng dạng tươi sống. Quả chanh tính lương hàn, những người thể trạng hàn lạnh nên lưu ý không dùng kéo dài tránh tác dụng phụ.
2. Một số sai lầm khi dùng nước chanh
2.1. Sử dụng nước chanh để giải rượu
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai) một trong những sai lầm khi giải rượu là cho người say rượu uống nước chanh mà không biết rằng lượng rượu kết hợp với nước chanh khiến họ dễ bị nôn thêm, tổn thương thêm dạ dày (do có acid), hoặc có thể làm dịch nôn chui vào phổi gây sặc, ngạt thở và có thể tử vong nếu không được sơ, cấp cứu kịp thời.
Muốn giải rượu hãy cho người say uống nước có đường, mật ong, muối, nước canh, sữa… giúp họ bổ sung nước, dưỡng chất cho mau tỉnh.
2.2. Sử dụng nước chanh để giảm cân
Nhiều người thường có thói quen uống một cốc nước chanh vào buổi sáng để giúp giảm cân, nhưng phương pháp này sẽ gây hại cho dạ dày nếu bạn uống nước chanh lạnh, hoặc uống khi đói. Tốt nhất bạn nên pha loãng với nước ấm và cho thêm một chút mật ong vào.
Uống nước chanh kết hợp với nước ấm sẽ giúp rửa sạch hệ thống tiêu hóa, hỗ trợ tiêu hóa, chống lại cơn thèm ăn và tạo ra chất kiềm để cân bằng độ pH của cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng. Ngược lại nếu bạn kết hợp với nước lạnh sẽ không mang lại tác dụng mà còn dễ gây cảm giác buồn nôn, cồn cào.
Một lưu ý quan trọng hơn nữa nếu như bạn sử dụng thường xuyên, kéo dài sẽ làm cơ thể trở nên mệt mỏi, không giảm được cân. Bởi chanh vị chua quy vào hành Mộc trong ngũ hành. Mộc khắc Thổ, dùng lâu sẽ làm hại tỳ, tỳ hư sinh thấp, làm người nặng nề, mệt mỏi, chán ăn, người bệu, làm tổn hại sức khỏe.
Vì vậy, bạn nên sử dụng mỗi tuần khoảng 1-3 lần, sau khi ăn khoảng 15-20 phút.
2.3. Sử dụng nước chanh khi có bệnh viêm loét dạ dày
Nước chanh cũng không tốt cho những ai gặp các triệu chứng về dạ dày, nhất là viêm loét dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản. Bởi trong chanh chứa khá nhiều acid, vì vậy uống nhiều nước chanh sẽ làm gia tăng lượng acid trong dạ dày, gây ra viêm loét và ăn mòn thực quản.
Đồng thời, hàm lượng acid trong chanh cũng kích thích sản xuất thêm acid dạ dày dẫn đến những triệu chứng khó chịu như ợ nóng, buồn nôn...
Xem thêm video đang được quan tâm:
4 sai lầm khi pha nước chanh rước bệnh vào người.