Trưa ngày 18/2, một sản phụ tại TP HCM đã được cứu sống khỏi tình huống "nghìn cân treo sợi tóc" vì bị vỡ ối do sa dây rốn toàn bộ và em bé đã chào đời an toàn.
Cụ thể, vào lúc 5h40 phút ngày 9/2, sản phụ H.N.T. (29 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) mang thai 32 tuần, nhập viện cấp cứu trong tình trạng thai phụ bị tái, mướt mồ hôi vì đau và lo lắng, đã bể nắp ối, dây rốn và 2 chân em bé thò ra khỏi cửa mình (âm hộ).
Qua lời kể của chồng chị T., trong lúc đang ngủ chị T. đột ngột bị nước ối ra ngoài kèm theo 2 chân bé và dây rốn. Chồng chị lập tức lấy khăn bịt lại và gọi taxi để đưa đến bệnh viện. Do phải đi bộ 2 tầng lầu ở nhà sản phụ nên khi đến bệnh viện dây rốn bé đập khá chậm, 100-120 lần/phút.
Nhận định đây là trường hợp sa dây rốn hiếm gặp kèm theo sa 2 chân bé, ê-kíp các bác sĩ trực đã kịp thời dùng khăn ấm bọc lấy dây rốn cùng với 2 chân bé và kê mông sản phụ lên cao để tránh chèn ép dây rốn – đồng thời chuyển nhanh lên phòng mổ.
Tại phòng mổ, do cổ tử cung sản phụ chưa mở trọn, rất nhanh và quyết đoán, các đã quyết định mổ tối khẩn để đưa bé ra ngoài ngay lập tức trong vòng 3 phút.
5 giờ 45 phút ngày 9/2, ca mổ bắt đầu. Bác sĩ đã khéo léo rút ngược mông và 2 chân của bé, đưa bé ra một cách an toàn. Bé nặng 2,65 kg và hoàn toàn không có biến chứng, chấn thương hoặc gãy xương.
Do bé non tháng nên ê-kíp bác sĩ trực nhi đã có mặt kịp thời hồi sức cho bé, khoảng 3 phút sau bé đã tự thở được, có phản xạ, môi và cơ thể hồng hào dần. Bé được chuyển lên Khoa hồi sức nhi (NICU) chăm sóc 24h và hiện nay tất cả các chỉ số đều bình thường và khỏe mạnh.
Sa dây rốn là một trong những tình huống cấp cứu tối khẩn của sản khoa. Trong bụng mẹ, em bé sống nhờ dây rốn. Dây rốn làm cầu nối đưa máu của mẹ qua nuôi dưỡng bé vì lúc này phổi bé chưa làm việc. Sa dây rốn có nhiều mức độ, riêng tình trạng sa dây rốn mà ối đã vỡ, dây rốn sa hết ra ngoài âm hộ là hiếm gặp và rất nguy hiểm, cần phải khẩn cấp lấy em bé ra trong tối đa 10 phút, nếu không dây rốn sẽ bị khô, bé không được tiếp máu từ mẹ sẽ nguy hiểm tính mạng.
Trao đổi với chúng tôi sau ca phẫu thuật, TS.BS Tạ Thị Thanh Thuỷ - người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ cho biết, bác sĩ đã rất lo lắng khi hội chẩn và chỉ đạo ca phẫu thuật này. Đây là một trong những tình huống cấp cứu sản khoa nguy hiểm và khó do áp lực về thời gian là rất lớn. Mỗi phút trôi qua, tiên lượng sống còn của bé sẽ giảm đi và nguy cơ biến chứng cho mẹ càng cao.
Ngoài ra, bé ở ngôi mông với phần chân thò ra ngoài cửa mình người mẹ, cũng gây khó khăn cho bác sĩ lúc mổ lấy bé ra, nguy cơ chấn thương cho bé là rất cao nếu xử lý chuyên môn không khéo.
Bác sĩ Thanh Thủy nhận định, đây là một trường hợp vô cùng may mắn nhờ người nhà đã nhanh nhạy phản ứng tình huống tốt, biết dùng khăn ướt bọc cuống rốn lại và quyết định lập tức đi đến bệnh viện. Do vậy, ê-kip bác sĩ trực tiếp nhận cấp cứu cho sản phụ trong tình trạng dây rốn không bị khô và vẫn còn đập.
Hiện tại, sức khỏe mẹ và bé đã hồi phục nhanh chóng,
Cũng qua trường hợp ca bệnh trên, các bác sĩ lưu ý các sản phụ khi đã bước vào tuần thai thứ 32. Nếu như người mẹ thấy có tình trạng nước ối vỡ xòa ra, nên tìm cách đến bệnh viện sớm nhất có thể bởi vì có khả năng dây rốn đã sa trong âm đạo. Riêng trường hợp thấy vỡ ối mà có một nùi dây rốn sa ra ngoài cửa mình, phải lập tức dùng khăn nhúng nước ấm khoảng 38 độ C để bọc dây rốn trong khi di chuyển.
Đồng thời sản phụ phải hạn chế đi và ngồi, chỉ nên nằm và nằm nhiều nhất có thể được. Quan trọng nhất là phải đến bệnh viện trong khoảng thời gian nhanh nhất để lấy em bé ra kịp thời.