3 phương thuốc hỗ trợ trị bệnh tăng huyết áp trong y học cổ truyền

SKĐS - Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng. Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc phải căn bệnh này, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh.

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim...

Đông y có nhiều phương thuốc trị bệnh, trong đó có 3 bài thuốc sau hỗ trợ trị bệnh hiệu quả.

1. Bài Long đởm tả can thang ("Y phương lập giải") hỗ trợ trị tăng huyết áp

Bài thuốc gồm có: Long đởm thảo 9 gam (tẩm rượu sao), sài hồ 6 gam, trạch tả 12 gam, xa tiền tử 9 gam (sao), mộc thông 9 gam, sinh địa hoàng 9 gam (trộn với rượu sao), đương quy vỹ 3 gam (sao với rượu), chi tử 9 gam (sao với rượu), hoàng cầm 9 gam (sao với rượu), cam thảo 6 gam dùng sống. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần.

Công hiệu: Tả thực hỏa ở can đởm, thanh thấp nhiệt ở tam tiêu.

Chủ chữa về thực hỏa ở can đởm bốc lên như các chứng nhức đầu, chóng mặt, ngực sườn đau rát, miệng đắng, mắt đỏ, tai ù, tai điếc; hoặc thấp nhiệt ở kinh can hạ chú (dồn xuống dưới), tiểu tiện buốt, đục. Phụ nữ bị ngứa sưng bộ phận sinh dục và đới hạ (ra khí hư chất nhày).

Đây là bài thuốc thường dùng điều trị thực hỏa ở can đởm (gan mật). Trong bài dùng long đởm thảo tả thực hỏa ở can đởm, trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu làm chủ dược. Chi tử, hoàng cầm khổ hàn (đắng lạnh) tả hỏa, thanh nhiệt táo thấp, giúp long đởm thảo thanh lợi thấp nhiệt ở can đởm. 

Mộc thông, xa tiền tử, trạch tả thanh nhiệt lợi thấp, dẫn hỏa theo tiểu tiện đi ra ngoài. Đương quy vỹ hoạt huyết, sinh địa dưỡng huyết ích âm, cùng bảo vệ âm huyết của tạng can, phòng ngừa được nỗi lo hỏa nhiệt thương âm. Sài hồ sơ thông can đởm. Cam thảo điều hòa các vị thuốc. 

Các vị trong bài cùng phối hợp sử dụng, trong tả có bổ, trong thanh có tư dưỡng, chẳng những có thể tả được can hỏa, thanh thấp nhiệt mà còn tư dưỡng âm huyết, khiến nhiệt lui, thấp trừ các chứng tự tiêu giải.

3 phương thuốc hỗ trợ trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả  - Ảnh 1.

Vị thuốc long đởm thảo là chủ dược trong bài Long đởm tả can thang.

Sách ghi phần "ứng dụng trên lâm sàng", có tới hơn 40 loại chứng bệnh đã được vận dụng vào điều trị, tất nhiên có gia giảm theo từng loại bệnh, như chữa tăng huyết áp thuộc can đởm hỏa thịnh, can hỏa thượng viêm, viêm gan...

 "Sách bổ danh y phương luận" viết: Dùng long đởm thảo tả hỏa ở can đởm, dùng sài hồ làm sứ để sơ can, dùng cam thảo để hoãn cấp tính ở can, dùng nhóm hoàng cầm, chi tử, mộc thông, xa tiền, trạch tả làm tá để lợi mạnh tiền âm (tiểu tiện) khiến cho mọi chứng thấp nhiệt đã có từ đó đi ra ngoài. 

Song đều là thuốc tả can, nếu làm cho bệnh phải đi hết thì can cũng bị tổn thương. Cho nên lại gia đương quy, sinh địa bổ huyết để dưỡng can. Bởi vì can là tạng tàng huyết (chứa huyết), cho nên bổ huyết chính là bổ can vậy. Mà cái hay ở trong bài thuốc tả can, trái lại là thuốc bổ can, có ngụ ý vừa chiến thắng vừa xoa dịu vỗ về (tức là vừa công tà vừa phù chính).

Tóm lại, nếu không phải chứng thực hỏa bốc lên mạnh, thì không được dùng tùy tiện, phải thận trọng vị thuốc khổ hàn nhiều dễ tổn thương tỳ vị, uống vào trúng bệnh thì thôi không uống nữa, không được uống kéo dài.

2. Bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn

Nguồn gốc (Y cấp), chính là Lục vị địa hoàng hoàn gia cúc hoa và kỷ tử.

Gồm các vị: Thục địa hoàng 24 gam, sơn thù du (sơn du nhục) 12 gam, can sơn dược (hoài sơn) 12 gam, trạch tả 9 gam, mẫu đơn bì 9 gam, phục linh 9 gam, câu kỷ tử 12 gam, cúc hoa 12 gam. Bài thuốc này nếu gọi là thang thì sắc lên uống. Ngày sắc uống 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Là hoàn thì các vị thuốc trên cùng tán bột nhỏ, luyện với mật ong làm viênbằng hạt ngô đồng, uống 10 - 15 viên/lần x 2 lần/ngày, uống với nước ấm.

Chủ chữa về hoa mắt, chóng mặt, nhìn đồ vật không rõ, chói mắt sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mắt đau nhíp lại.

3 phương thuốc hỗ trợ trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả  - Ảnh 3.

Thục địa.

Bài thuốc này điều trị tinh huyết ở can thận bất túc. Dùng thục địa cam ôn tư thận, điền tinh (bồi bổ tinh), câu kỷ tử ngọt bình tư bổ tinh huyết của can thận, cùng làm chủ dược. Sơn dược can bình bổ ích tỳ âm mà cố tinh, sơn thù du ôn dưỡng tinh huyết của can thận cùng làm thuốc phụ trợ. Phục linh cam đạm bình đàm thấp hút tỳ thấp, mẫu đơn bì tán khổ lương, thanh tiết can hỏa, trạch tả cam hàn, tiết thấp trọc ở thận, cúc hoa cam khổ hơi hàn, thanh can sáng mắt. Bốn vị thuốc này cùng làm tá sứ.

Toàn bài thuốc có tư bổ, có thanh tiết, cùng tạo nên công hiệu: Tư thận dưỡng can, mát đầu, sáng mắt. Bệnh tăng huyết áp, chứng mỡ máu cao, trên lâm sàng thường biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, thị lực giảm sút, hay quên, lưng đau, gối mỏi, khô miệng, khô họng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác cũng có thể dùng bài thuốc này gia giảm để điều trị.

3. Bài thuốc lục vị Quy thược thang

Bài này cũng chính là bài Lục vị địa hoàng hoàn (thang) nói trên, gia đương quy, bạch thược.

Bài thuốc gồm có: Hoài sơn 16 gam, trạch tả 8 gam, đơn bì 8 gam, sơn thù du 8 gam, bạch phục linh 12 gam, thục địa 18 gam, gia đương quy thân 12 gam và bạch thược 8 gam. Ngày sắc uống 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

3 phương thuốc hỗ trợ trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả  - Ảnh 4.

Hoài sơn.

Bài thuốc này cũng chữa bệnh tăng huyết áp thuộc dạng can thận âm hư như trên đã nói. Liều lượng của những bài thuốc nói trên, có thể căn cứ vào chứng bệnh cụ thể trên lâm sàng để tăng giảm cho thích hợp.

Để phòng tránh các biến chứng của bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần kiểm soát tốt huyết áp, khám sức khỏe định kỳ, dùng thuốc chống tăng huyết áp đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, có chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh và duy trì việc rèn luyện thể chất, kiêng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, hạn chế ăn mặn…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi


TTND Lương y Trần Văn Quảng
Phó Tổng biên tập Tạp chí Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn