Các quận có diện tích dưới 7km2, huyện dưới 90km2 sẽ thuộc diện sáp nhập
Vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ TP.HCM thông tin, hiện TP.HCM có 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố với 312 phường, xã, thị trấn. Sau khi rà soát các quận, huyện trên địa bàn xác định, có 21 đơn vị cấp huyện và 223 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số, tồn tại 6 đơn vị cấp huyện và 149 đơn vị cấp xã chưa đủ điều kiện về dân số và diện tích nên thuộc diện sắp xếp (thời gian qua đã tiến hành sắp xếp được 7 đơn vị, hiện còn 142 đơn vị cần sắp xếp).
Thành phố có 6 quận thuộc diện cần sắp xếp, sáp nhập lại đó là Quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Thành phố cũng đang phối hợp với các địa phương tăng cường rà soát các xã, phường, thị trấn để xem xét yếu tố đặc thù để đưa vào diện chưa sắp xếp.
Theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong 4 yếu tố đặc thù là đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối với các đơn vị hành chính liền kề; đơn vị hành chính có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định từ năm 1945 tới nay không có thay đổi; Đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa... riêng biệt nếu sát nhập sẽ mất ổn định; đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030...thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.
Theo văn bản số 19 năm 2023 của Văn phòng Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, cấp quận phải có dân số từ 150.000 người, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên và ít nhất 10 phường. Cấp huyện ở khu vực đồng bằng có dân số từ 120.000 người, diện tích từ 450 km2 và 13 xã, thị trấn trở lên.
Còn theo Nghị quyết 117 năm 2023 của Chính phủ ban hành ngày 30/7, các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm 3 trường hợp:
Thứ nhất, cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn. Thứ hai, đơn vị hành chính cấp huyện diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn. Thứ ba, cấp xã diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn.
Các phương án sáp nhập các quận, huyện lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác
Sau khi Sở Nội vụ thông tin về việc sắp xếp, sáp nhập các quận, huyện tại TP.HCM vào chiều ngày 3/8 thì sáng ngày 4/8, mạng xã hội đã lan truyền các phương án sáp nhập các quận, huyện. Cụ thể:
Phương án 1: Quận 1 sẽ sáp nhập với Quận 4; Quận 3 sáp nhập với Quận10 và quận Phú Nhuận; Quận 5 sẽ sáp nhập với Quận 6 và Quận 7.
Phương án 2: Quận 1 sẽ sáp nhập với Quận 4, 3 và quận Phú Nhuận; Quận 5 sẽ sáp nhập với Quận 6, 10, 11.
Phương án 3: Quận Phú Nhuận sáp nhập với quận Bình Thạnh; Quận 4 sáp nhập với Quận 7; Quận 1 sẽ sáp nhập với Quận 3, 10; Quận 5 sẽ sáp nhập với Quận 6, 11.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ cho biết, hiện sở này đang phối hợp rà soát tại các phường, xã. Sau khi tiến hành rà soát xong mới bắt đầu xây dựng đề án, lên phương án và kế hoạch sáp nhập vào năm 2025. Vậy nên, 3 phương án sáp nhập đang lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác.
Theo quy định, việc sáp nhập địa giới hành chính cần phải lấy ý kiến người dân. Trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành phương án, HĐND các cấp biểu quyết. Nếu tán thành phương án, các đề án sẽ được UBND TP.HCM trình Bộ Nội vụ để phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm định. Sau cùng, Bộ Nội vụ và UBND TP.HCM sẽ xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Pháp luật Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.