Nhóm thực phẩm cần lưu ý khi dùng thuốc
Các loại thực phẩm như rau lá xanh có thể ảnh hưởng đến thuốc chống đông máu (làm loãng máu) như warfarin. Warfarin ngăn chặn việc sản xuất vitamin K - một loại vitamin quan trọng, có tác dụng điều chỉnh và hỗ trợ quá trình đông máu của cơ thể.
Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina, cải Brussels, chứa hàm lượng vitamin K cao và có thể làm giảm tác dụng của chống đông máu của warfarin. Những thay đổi đáng kể trong lượng rau lá xanh khi người bệnh ăn vào, trong khi dùng warfarin, có thể gây ra những thay đổi trong INR (xét nghiệm đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông, tức biểu thị thời gian đông máu của người bệnh, rất quan trọng trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc một thủ thuật quan trọng nào đó). Điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc cục máu đông nghiêm trọng.
Cải xoăn chứa hàm lượng vitamin K cao có thể làm giảm tác dụng chống đông máu của warfarin…
Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa, bơ và phô mai… có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ một số loại kháng sinh của cơ thể; làm giảm tác dụng của thuốc, khiến thuốc kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng.
Ví dụ, tetracycline là một nhóm thuốc kháng sinh bao gồm các loại như doxycycline, minocycline… Tetracycline đặc biệt nên tránh dùng với các sản phẩm từ sữa, nên uống sữa ít nhất 3 giờ sau khi uống kháng sinh.
Kết hợp rượu với một số loại thuốc nhất định như metronidazole, phenytonin, metformin… có thể nguy hiểm và trong một số trường hợp, đe dọa tính mạng.
Các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn, nôn, đau đầu cũng như tăng nguy cơ chảy máu trong và các vấn đề về tim...
Làm thế nào để tránh tương tác bất lợi giữa thuốc và thực phẩm?
Nguy cơ tương tác giữa một số loại thực phẩm và thuốc có thể giảm xuống, bằng cách dùng thuốc xa thời điểm ăn hoặc uống các loại thực phẩm này này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh cần tránh hoàn toàn.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về khả năng ăn một số loại thực phẩm nhất định trong khi dùng thuốc và thời điểm thích hợp đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu của điều trị.
Dị ứng thực phẩm có thể giúp bạn biết được một số loại thuốc bạn nên dùng hoặc tránh dùng. Ví dụ, protein trứng được sử dụng trong nhiều loại vaccine và có thể ảnh hưởng đến lựa chọn vaccine, nếu một người bị dị ứng với trứng. Viên nang progesterone có chứa dầu đậu phộng, không được dùng cho người bị dị ứng với đậu phộng…
Để đảm bảo an toàn trong dùng thuốc, người bệnh (người dùng) cần cho bác sĩ (chuyên gia y tế) biết về các tình trạng dị ứng của mình, giúp họ cân nhắc, đảm bảo không kê đơn thuốc gây ra phản ứng dị ứng.
Nhiều loại thực phẩm, đồ uống và chế độ ăn uống có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc. Điều quan trọng là phải biết về các tương tác thuốc - thực phẩm phổ biến và hiểu lý do tại sao chúng xảy ra (thông qua việc đọc kỹ nhãn thuốc, trao đổi với bác sĩ/dược sĩ… ). Điều này có thể giúp bạn tránh các phản ứng có hại và trong một số trường hợp, cải thiện tác dụng của một số loại thuốc.