1. Lợi ích sức khỏe khi ăn chuối
Sức khỏe tiêu hóa: Chuối được coi là thực phẩm prebiotic giàu chất xơ hỗ trợ kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột giúp ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Nạp năng lượng cho não: Đường tự nhiên trong chuối rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt là não. Do đó chuối là một trong những món ăn nhẹ tuyệt vời trước khi tập luyện.
Sức khỏe tim mạch: Kali và magie trong chuối có thể hỗ trợ huyết áp ổn định, bảo vệ sức khỏe tim mạch. Kali đã được chứng minh giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Nghiên cứu cho thấy, bổ sung magie có thể làm giảm huyết áp cao và cholesterol, đây là những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim.
Sức khỏe tâm thần: Ăn chuối có lợi cho những người bị lo âu và trầm cảm. Điều này có thể do các loại vitamin B, folate, chất chống oxy hóa, chất xơ tự nhiên hoặc do sự kết hợp của tất cả các loại vitamin này. Vitamin B6 có trong chuối giúp cơ thể sản xuất serotonin, một chất hóa học ảnh hưởng đến tâm trạng. Chuối cũng chứa tryptophan, một tiền chất của serotonin giúp thư giãn và ngủ ngon.
Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 24.673 người lớn ở Thiên Tân (Trung Quốc) về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ chuối và các triệu chứng trầm cảm ở người lớn. Kết quả cho thấy mối liên hệ tiêu cực giữa việc tiêu thụ chuối ở mức độ vừa phải và các triệu chứng trầm cảm ở nam giới. Ở nữ giới, việc tiêu thụ chuối nhiều có liên quan tích cực đến các triệu chứng trầm cảm.
2. Nên ăn bao nhiêu quả chuối mỗi ngày?
Theo phân tích hàm lượng dinh dưỡng, trong một quả chuối cỡ trung bình chứa các chất sau:
- Lượng calo: 105
- Carbohydrate: 27 g
- Chất xơ: 3 g
- Đường: 14,5 g
- Chất đạm: 1 g
- Tổng lượng chất béo: 0,5 g
- Natri: 1 mg
- Kali: 422 mg (9% giá trị hàng ngày)
- Magie: 37 mg (9% giá trị hàng ngày)
- Vitamin B6: 0,5 mg (33% giá trị hàng ngày)
Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), người lớn nên tiêu thụ khoảng hai cốc trái cây mỗi ngày. Một quả chuối lớn ước tính là một cốc trái cây, hai quả chuối sẽ đáp ứng được giá trị khuyến nghị hàng ngày.
Tuy nhiên, việc đa dạng hóa trái cây sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mọi người nên ăn một quả chuối mỗi ngày cùng với nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật để tăng lượng trái cây, rau quả giàu dinh dưỡng trong chế độ ăn uống để cung cấp nhiều chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu.
3. Những người nên hạn chế ăn chuối chín
Người mắc bệnh đái tháo đường
Chuối chứa carbohydrate, là thành phần thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với những người cần theo dõi lượng đường trong máu hoặc mắc bệnh đái tháo đường, ăn chuối chín có thể góp phần làm tăng đột biến lượng đường trong máu do hàm lượng carbohydrate của chuối cao (trung bình 27 g cho một quả chuối).
Chỉ số đường huyết (GI) của chuối là từ 42 - 62, nằm ở mức thấp hoặc trung bình tùy theo độ chín của chuối. Chuối vàng hoặc chín chứa ít tinh bột kháng và nhiều đường hơn chuối xanh, đồng nghĩa với việc chỉ số GI cao hơn, khi ăn vào khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.
Đặc biệt chuối chín kỹ (vỏ đã chuyển sang màu nâu đen) càng ngọt hơn do hàm lượng đường cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trong quá trình chín chất xơ trong chuối bắt đầu phân hủy và tinh bột phức hợp chuyển thành đường đơn. Điều này làm tăng hàm lượng đường trong chuối chín kỹ, khiến chúng trở thành mối lo ngại đối với những người mắc bệnh đái tháo đường. Do đó, những người đang theo dõi lượng đường trong máu nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ chuối.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, người bệnh đái tháo đường nên chọn ăn chuối xanh, chuối ương hoặc chuối gần chín, không nên ăn chuối chín quá. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ - trung bình hoặc ½ quả lớn.
Nên theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Trong trường hợp lượng đường cao hơn mức cho phép thì không nên ăn chuối.
Người bị hội chứng ruột kích thích
Chuối chín chứa một lượng đáng kể FODMAP - một nhóm carbohydrate ngắn chuỗi khó tiêu hóa. Khi vào ruột, FODMAP lên men và gây ra các triệu chứng khó chịu ở người bị hội chứng ruột kích thích.
Khi chuối bị phân hủy trong ruột, nó thường gây ra dư thừa khí. Đối với những người có hệ tiêu hóa bình thường, điều này thường không gây ra vấn đề gì nhưng người bị hội chứng ruột kích thích thường dễ bị đau bụng do đầy hơi sau khi ăn chuối.
Người bệnh thận
Chuối giàu kali, một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với người bệnh thận, khả năng đào thải kali của thận bị hạn chế, việc tiêu thụ quá nhiều kali có thể dẫn đến tình trạng tăng kali máu. Do đó nên hạn chế tiêu thụ loại quả này.
Trường hợp người bệnh đái tháo đường đã có bệnh thận mạn tính hoặc đang sử dụng các thuốc lợi tiểu giữ kali thì không nên ăn chuối vì chuối chứa nhiều kali có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Loại chuối nào tốt nhất cho sức khoẻ?