Thời điểm này một năm trước, khi đợt dịch sởi đầu năm 2014 bùng phát, việc nằm ghép 3 - 4 bệnh nhi/giường bệnh là một vấn đề nóng bỏng thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng nằm ghép, quá tải tại BV Nhi Trung ương đã được giảm đi rõ rệt.
Với những nỗ lực không ngừng, vừa qua, BV Nhi Trung ương đã ký kết không nằm ghép giường bệnh, đảm bảo chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Vậy biện pháp nào đã giúp cho BV Nhi Trung ương thu được kết quả khả quan như vậy, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi Trung ương về vấn đề này.
PV: Ông cho biết bắt nguồn từ đâu mà từ một BV chuyên khoa tuyến cuối về nhi luôn chịu rất nhiều áp lực về số lượng cũng như điều trị nhiều ca bệnh nặng lại đăng ký tham gia cam kết giảm tải BV trong thời gian sớm như vậy?
PGS.TS. Lê Thanh Hải: Bốn tháng trở lại đây, BV Nhi Trung ương không còn tình trạng nằm ghép như trước đây. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch sởi đầu năm 2014, tình trạng nằm ghép 3, 4 cháu/giường do không đủ giường nằm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như bệnh nhân (BN) nằm ghép sẽ dẫn tới lây chéo bệnh, quá trình nằm viện vì thế ngày càng kéo dài, tình trạng BN nặng lên, thậm chí tử vong khó tránh khỏi. BN nằm ghép đặc biệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn kinh phí của BV.
PV: Những giải pháp giảm tải mà BV Nhi Trung ương thời gian vừa qua đã áp dụng là gì, thưa ông?
PGS.TS. Lê Thanh Hải: Sau khi phân tích, đánh giá tình trạng BN, chúng tôi thấy rằng, có tới 30% số BN nằm nội trú không nhất thiết phải nằm tại viện. Chúng tôi đã đưa ra 3 nhóm giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất là sàng lọc BN ngay từ khâu khám bệnh, xây dựng thêm phòng khám: từ 30, 40 phòng khám, BV đã xây dựng thêm và hiện tại có 60 phòng khám. Phân bố nhân lực y bác sĩ khám hợp lý: đánh giá lượng BN đến khám vào từng thời điểm trong ngày, từng thời điểm trong tháng để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp. Đáp ứng được nhu cầu người dân đến khám.
BS và điều dưỡng khám bệnh phải là những người có chuyên môn tốt, giao tiếp tốt để cải cách hành chính, giảm thời gian chờ đợi và làm thủ tục hành chính, tập trung cho BS có thời gian tư vấn cho BN tốt hơn.
Chúng tôi thành lập thêm bộ phận chăm sóc ban ngày. Trong thời gian 4, 5 tiếng, các BS sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá tình trạng BN. Nếu thấy BN cần thiết phải nhập viện sẽ cho nhập viện. Nếu không cần thiết thì có thể cho BN về nhà hoặc chuyển tuyến dưới. Đồng thời thiết lập một đường dây tư vấn trực tiếp sau khám khoảng vài ba tiếng sẽ chủ động gọi lại cho BN để biết được tình trạng BN. Nếu thấy BN không có gì bất ổn thì sẽ thuyết phục tiếp tục điều trị theo phương án như trước. Nếu thấy BN bất ổn trong vòng 4, 5 tiếng hoặc 12 tiếng thì các BS, điều dưỡng sẽ cho BN nhập viện vào các BV vệ tinh của BV Nhi hoặc quay trở lại nhập BV Nhi Trung ương (nếu trường hợp bệnh nhân ở địa bàn Hà Nội).
Tại khu nội trú, BV Nhi đã triển khai thêm được 300 giường bệnh, chủ yếu là dành cho các trường hợp cấp cứu, hồi sức. Bởi một lý do, hầu hết các trường hợp nhập BV Nhi Trung ương đều là các ca khó, ca nặng. Hiện tại với 1.500 giường bệnh thì có khoảng 400 tới 500 BN cấp cứu, hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Các đơn vị, phòng ban của BV Nhi phải thống kê hằng ngày số lượng BN tại các khoa phòng tại 3 thời điểm sáng, trưa, chiều tối. Từ đó, sẽ phát hiện ra những khoa nào bắt đầu có nguy cơ nằm ghép và sẽ có biện pháp điều phối để đảm bảo cho các cháu không phải nằm ghép.
Bên cạnh đó, BV yêu cầu các BS phó, trưởng khoa, các BS giàu kinh nghiệm mỗi ngày phải đi khám BN chặt chẽ 3 lần để phát hiện các BN có diễn biến nặng và can thiệp kịp thời.
Thứ hai là tăng cường các phương tiện cận lâm sàng để tăng khả năng chẩn đoán, điều trị tối ưu tại các khoa, giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhi. Nếu như trước đây, thời gian điều trị trung bình của mỗi bệnh nhi là hơn 7 ngày thì nay đã giảm xuống là 6,8 ngày/đợt điều trị.
Thứ ba là tiến hành liên kết hệ thống với các BV chuyên khoa như: BV Việt Đức, BV Huyết học Truyền máu Trung ương, BV K để hội chẩn được tốt nhất những ca bệnh nhân nặng, thực hiện việc chuyển viện phù hợp trên nguyên tắc giải thích rõ ràng với gia đình BN.
BV Nhi liên kết với các BV tuyến dưới bằng các Đề án 1816, Đề án BV vệ tinh, giúp chuyển giao kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho các BS tuyến dưới, tránh tình trạng đổ dồn quá tải về BV Nhi. Đặc biệt, BV Nhi Trung ương còn đẩy mạnh truyền thông bằng các bài viết chuyên môn, các thông tin về dịch bệnh thông thường đưa lên trang web của BV Nhi Trung ương để các bậc cha mẹ có thể tiếp cận hằng ngày, tránh những hoảng loạn khi có dịch bệnh xảy ra.
Hiện tại, về cơ bản, BV Nhi Trung ương đã giải quyết được tình trạng nằm ghép BN. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ giải quyết vấn đề này một cách bền vững và có những biện pháp căn cơ tiếp theo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Loan
(Thực hiện)