Hà Nội

3 nguyên nhân gây chóng mặt

19-06-2018 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, chóng mặt có thể do căng thẳng tâm lý, mắc bệnh nội khoa, rối loạn tiền đình.

Trong 2 giờ trả lời trực tuyến về nguyên nhân, cách phòng và điều trị chứng chóng mặt, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Phó trưởng bộ môn Thần Kinh (Đại học Y dược TP HCM) cho biết chóng mặt ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, nhưng chưa được quan tâm đúng mực. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, việc điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ về mức độ nguy hiểm của bệnh, cách nhận biết, phòng ngừa và chữa trị.

- Có những nguyên nhân nào gây ra triệu chứng chóng mặt, lảo đảo thưa bác sĩ? (H., 25 tuổi, Tp. Hồ Chí Minh)

Chào em,

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể tóm gọn lại thành 3 nhóm gồm chóng mặt do tiền đình, chóng mặt do căng thẳng tâm lý, chóng mặt do các bệnh nội khoa.

Chóng mặt do tiền đình liên quan đến bệnh lý của cơ quan tiền đình ở tai trong, gây ra triệu chứng chóng mặt quay cuồng rất dữ dội, có thể kèm buồn nôn, ói và xanh tái. Một căn bệnh phổ biến nhất do nguyên nhân này là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

Chóng mặt do căng thẳng tâm lý và các bệnh nội khoa thường gây ra triệu chứng chao đảo, xây xẩm, choáng váng có thể kéo dài.

- Tôi làm việc văn phòng thời gian làm việc 10 đến 12 giờ một ngày, khoảng một tuần nay tôi hay bị chóng mặt muốn ngã, đặc biệt khi nhìn màn hình máy vi tính là hoa mắt chóng mặt. Xin hỏi bác sĩ có phải tôi có triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình do thiếu máu não hay không? ( Tr. 34 tuổi, Gia Lai)

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn thuộc loại chóng mặt liên quan căng thẳng. Cụ thể do bạn làm việc thời gian dài, thường xuyên dùng máy tính. Đây không phải là rối loạn tiền đình, càng không phải là thiếu máu não. Vì chóng mặt tiền đình sẽ gây triệu chứng chóng mặt quay cuồng dữ dội; còn thiếu máu não là một bệnh lý hoàn toàn khác, còn gọi là đột quỵ, triệu chứng chính là yếu liệt tay chân.

- Xin bác sĩ tư vấn cho tôi cách xử lý như thế nào khi chóng mặt đột ngột diễn ra? Chóng mặt có liên quan đến huyết áp cao hay thấp không? (Pham Thi Thanh Tr., 44 tuổi, , Q.3, HCM)

Chào bạn,

Khi chóng mặt đột ngột diễn ra cách tốt nhất là bạn nên tìm chỗ nằm nghỉ, cố gắng mở mắt và nhìn thẳng vào một điểm nào đó trước mặt sẽ giúp triệu chứng giảm nhanh hơn.Khi triệu chứng tạm ổn, bạn nên nhờ người đưa đi khám bệnh, di chuyển nhẹ nhàng, thay đổi tư thế từ từ.

Một số người huyết áp cao hoặc thấp có thể gây triệu chứng choáng váng, xây xẩm nhưng nhiều người khác thì không. Ngược lại chỉ một số người chóng mặt là do tăng hoặc hạ huyết áp, trong khi phần lớn là do nguyên nhân khác.

- Em bị đau đầu từ nhỏ, mỗi lần đau hay xây xẩm, cộng với hoa mắt. Khi em đang nằm hay ngồi đứng lên là không thấy đường muốn té. Dạo gần đây, em đau hai bên chân mày rất nhiều kèm triệu chứng buồn nôn hoa mắt.Mong bác sĩ tư vấn giúp em. (Lương Thị Ái Nh., 26 tuổi, Bình Trị Đông, Bình Tân)

Chào em,

Triệu chứng chóng mặt của em có vẻ là triệu chứng kèm theo của đau đầu. Đây là dạng đau đầu liên quan đến thần kinh - mạch máu, có tên là migraine.Em nên đi khám để xác định chẩn đoán.Đây là bệnh cần điều trị lâu dài nhưng có thể kiểm soát tốt nếu điều trị đúng.

- Bác sĩ cho em hỏi, các triệu chứng chóng mặt nào là sinh lý bình thường, triệu chứng nào là bệnh lý cần được chữa trị và phương pháp điều trị cụ thể. Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Thanh L., 32 tuổi, Hà Nội)

Chào em,

Chóng mặt được xem là sinh lý khi nó là đáp ứng bình thường của cơ thể với hoạt động hoặc môi trường xung quanh ví dụ như chóng mặt khi chơi đu quay, khi xoay người vòng vòng... Tình trạng sẽ hết khi không còn hoạt động này nữa.

Chóng mặt bệnh lý là chóng mặt tự phát hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần.Chóng mặt bệnh lý có rất nhiều nguyên nhân, việc điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.

- Tôi bị chóng mặt nhưng không nhiều lắm, cảm giác hơi chao đảo khi đi và bị thường xuyên khoảng 4 năm nay, có đến khám và điều trị, bác sĩ cho liều một tháng, tôi uống thuốc khoảng một tuần triệu chứng có bớt nên tôi không uống thuốc nữa. Sau đó khoảng 6 tháng thì cảm giác chao đảo lại xuất hiện. Tôi đã điều trị, uống theo toa 2 lần. Xin bác sĩ cho hỏi là bệnh chóng mặt có thể điều trị dứt điểm không?Hiện tại có chóng mặt nhưng ít thì có cần phải tiếp tục điều trị không?Không điều trị có nguy hiểm không?Cảm ơn bác sĩ. (Tô Tiến D., 37 tuổi, TPHCM)

Chào em,

Tình trạng chóng mặt của em nghiêng về hướng chóng mặt liên quan căng thẳng hoặc bệnh lý nội khoa nào đó.Thời gian điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.Với chóng mặt liên quan căng thẳng, thường phải điều trị nhiều tháng.Bệnh có thể ổn định nhưng vẫn có thể tái phát nếu cuộc sống hoặc công việc có nhiều biến cố. Nếu chóng mặt nhẹ, em có thể điều chỉnh công việc, tăng cường tập thể dục, nghỉ ngơi, nếu cải thiện thì không cần dùng thuốc.

- Em hiện là giảng viên đại học, tần suất dạy cũng rất cao, mỗi ngày khoảng 12 tiết. Gần 3 tháng nay, em có một số triệu chứng:
- Khi nhìn vào màn hình hoặc điện thoại lâu, em bị chóng mặt, những hôm khác cũng làm việc tần suất như vậy nhưng không bị tình trạng này.
- Khi đi ngoài đường lúc kẹt xe, em bắt đầu choáng, hồi hộp và cảm giác như phải bỏ xe giữa đám đông để chạy đi, đứng thêm một vài giây em sẽ không chịu được. Lúc đó, em rất mệt.Từ những triệu chứng như vậy mong bác sĩ tư vấn giúp em cách có thể tầm soát bệnh.Xin cảm ơn bác.
(Trần Văn M., 32 tuổi, xã Vĩnh lộc A, Bình Chánh, HCM)

Chào em,

Các triệu chứng của em liên quan nhiều đến căng thẳng do công việc và cuộc sống. Em có thể kết hợp tập thể dục, thư giãn và điều chỉnh công việc để giúp triệu chứng cải thiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đã kéo dài cần phải phối hợp điều trị bằng thuốc.Em nên đi khám chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

- Tôi thường xuyên bị đau đầu chóng mặt vào buổi chiều. Khi đo huyết áp thì thấy thấp thường 95-68; 92-65... huyết áp tối đa lúc nào cũng dưới 100. Tuy nhiên hiện tượng chóng mặt chỉ đến vào buổi chiều từ 3h trở đi, còn buổi sáng tôi vẫn thấy bình thường. Xin hỏi bác sĩ có phương pháp nào giúp thoát khỏi tình trạng này.(Đồng T., 28 tuổi, Quảng Ngãi)

Chào em,

Nếu mỗi khi huyết áp xuống mức 90-100 đều làm bạn bị đau đầu và chóng mặt, thì bạn phải đi khám để tìm nguyên nhân.Nhưng nếu đây là mức huyết áp thường xuyên, kể cả lúc chóng mặt hay khi bình thường thì tình trạng của bạn không liên quan đến huyết áp.

Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu chóng mặt hàng ngày.Hai trong số đó là đau đầu migraine và đau đầu kiểu căng thẳng.

Để chẩn đoán và điều trị, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh nhé!

- Khi tới tháng em hay bị chóng mặt, bác sĩ cho hỏi em có nên dùng thuốc hay không, nếu có em nên sử dụng thuốc gì ạ? (N., 29 tuổi, Hà Tĩnh)

Chào em,

Khi mất máu, cơ thể sẽ dễ bị mệt, choáng váng, chóng mặt. Triệu chứng này phụ thuộc vào lượng máu mất và tình trạng sức khỏe chung. Nếu tình trạng xảy ra thường xuyên, em nên đến khám bác sĩ phụ khoa, có thể cần phải xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng sức khỏe.Khi đó, bác sĩ sẽ chọn loại thuốc phù hợp.

- Em thỉnh thoảng vẫn bị chứng chóng mặt và sự chấn động của nó kéo dài 2-3 tiếng. Em cần uống thuốc gì để mau hồi phục lại và có thể tiếp tục công việc thay vì phải nằm nghỉ chờ tới lúc có biểu hiện hồi phục?
Em cảm ơn bác sĩ!
(Ciye Vo, 38 tuổi, P7, Q.3, TP. HCM)

Chào em,

Chóng mặt cần phải điều trị theo nguyên nhân. Một số loại chóng mặt chỉ cần tập luyện hoặc điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc. Một số loại khác phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự làm giảm triệu chứng tạm thời bằng một số thuốc có tác dụng hỗ trợ như các thuốc tuần hoàn não, thuốc có hoạt chất acetyl-DL-leucine...

Chúc bạn mau chóng thoát khỏi chứng bệnh này nhé!

- Cách đây 2 tháng, con em bị chóng mặt xây xẩm, kèm nôn ói. Sau khi khám ở bệnh, bác sĩ bảo bị thần kinh ngoại biên, kèm theo đơn thuốc khoảng một tuần, cảm giác chóng mặt có giảm. Nhưng con rất hay xuất hiện các cơn chóng mặt ngắn, tần suất nhiều, không hiểu tình trạng vậy có cần tái khám không, nếu khám nên khám ở đâu cho đúng chuyên khoa ạ? Thỉnh thoảng chóng mặt, con dùng đơn thuốc của bác sĩ cho lúc trước, tự mua và uống vài ngày, cảm giác chóng mặt có giảm nhưng không hết hẳn.Cứ mỗi lần suy nghĩ nhiều lại thấy chóng mặt. Bác sĩ cho con hỏi việc uống thuốc chóng mặt thường xuyên như vậy có tác hại gì không? (Phạm Thị H., 38 tuổi, Tân Phú, HCM)

Chào em,

Nếu chóng mặt vẫn còn tái đi tái lại, em cần tái khám để được điều trị hiệu quả hơn, tốt nhất là chuyên khoa thần kinh. Có một số thuốc chóng mặt không được dùng kéo dài do đó em không nên tự mua uống, cần theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Tôi sức khỏe bình thường, cao 1,72m, nặng 73 kg. Gần đây tôi hay bị ù tai thoảng qua rồi hết, khi ngồi xổm đứng dậy, tôi bị chóng mặt rồi hết ngay. Nhờ bác sĩ cho tôi lời khuyên hoặc bài tập để giảm triệu chứng này.Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Bá Ch., 40 tuổi, phường 7, quận Bình Thạnh, TP. HCM)

Chào bạn,

Triệu chứng ù tai có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng và thiếu ngủ, nếu có bạn nên điều chỉnh hoạt động và giấc ngủ. Ngoài ra, ù tai có thể đi kèm chóng mặt, choáng váng, cụ thể bạn hay chóng mặt khi đứng lên có thể liên quan đến tình trạng giảm huyết áp tư thế. Bạn nên tránh ngồi xổm vì không chỉ gây ra triệu chứng như của bạn mà còn không tốt cho khớp gối và cột sống.Bên cạnh đó, bạn có thể tập thể dục duy trì tập thể dục đều đặn, điều này cũng sẽ hỗ trợ giảm triệu chứng này.

- Cách đây một năm em hay bị mệt lả người, tê đầu ngón tay và chóng mặt khi bị đói, đặc biệt lúc sau 15h. Em có đi khám và được chẩn đoán em bị chóng mặt ngoại biên và có cho em thuốc uống. Ngoài việc uống thuốc em cũng chủ động không để bị đói mới ăn, sau 15h là phải ăn nhẹ để tránh bị chóng mặt nên em cũng đỡ bị mệt hơn. Tuy nhiên, một tháng trở lại đây em lại bị hay chóng mặt thường xuyên, mặc dù đã cố gắng ăn chiều tầm 15-16h. Buổi chiều em không thể đi được xe máy (dù là ngồi lái hay có ai chở) vì luôn thấy chóng mặt, xây xẩm. Em có đi khám lại tổng quát thì là bị rối loan tiền đình và cho thuốc uống.Tuy nhiên em đã uống hết thuốc và không thấy đỡ hơn. Em vẫn không thể đi được xe máy và hay thấy chóng mặt. Cứ sau 2-3 tiếng sau ăn là em lại mệt lả và chóng mặt, cứ phải ăn liên tục. Công việc của em là kế toán và hay phải ngồi nhiều liên tục, nhưng em có cố gắng đi lại vận động và tập yoga lúc sáng sớm. Nhờ bác sĩ cho em lời khuyên làm sao để trở lại khỏe mạnh và tự lái xe máy đi làm được. (Nguyen Hong H., 30 tuổi, , phuong 5, quan 8)

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn một phần có thể liên quan tiền đình nhưng nhiều khả năng lại có thể liên quan đến chuyển hóa đường. Do đó, bên cạnh chuyên khoa thần kinh, bạn nên đi khám chuyên khoa nội tiết để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.

- Thưa bác sĩ Thắng, cách đây vài tháng đột nhiên tôi bị chóng mặt dữ dội ngay cả đang nằm cũng chóng mặt, chỉ cần đầu nhúc nhích hay chớp mắt cũng chịu không được cảm giác như mọi thứ xung quanh đang quay. Khi tôi cố gắng ngồi dậy không kiểm soát được mình nữa, đầu nặng và muốn ngã đâu thì ngã.Tôi phải uống thuốc và nằm yên sau hai ngày mới đỡ. Cách đây một tháng, tôi bị lại như thế, gần nhất là mới sáng nay khi tôi ngủ dậy định ngồi dậy thấy đầu chóng mặt quay cuồng rất khó chịu. Xin bác sĩ cho tôi biết nguyên nhân tại sao như vậy và có cách nào để khắc phục không.Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thi Thu V., 36 tuổi, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM)

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn khá phù hợp với bệnh chóng mặt tư thế lành tính. Đây là bệnh liên quan đến sỏi tai, thường được điều trị bằng thủ thuật xoay đầu để đưa sỏi về vị trí bình thường. Bệnh này có thể tự khỏi nhưng nếu bị nặng hoặc tái đi tái lại, bạn cần đi khám chuyên khoa thần kinh. Bác sĩ sẽ giúp bạn hết triệu chứng nhanh và hạn chế tái phát.

- Khoảng 3 tháng nay, mẹ tôi hay bị chóng mặt, đi đứng không vững, nhiều lúc đi lảo đảo. Đi khám tại nhiều bệnh viện, được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ. Mẹ tôi đã được kê thuốc, uống xong triệu chứng có thuyên giảm nhưng không hết hẳn vì mẹ tôi phải cắt bớt một số loại thuốc gây đau dạ dày. Có cách nào cải thiện bệnh bằng vật lý trị liệu hay tập thể dục không thưa bác sĩ? Châm cứu có đỡ và có gây tăng huyết áp không vì mẹ tôi còn có bệnh tăng huyết áp? (B., 30 tuổi, Hà Nội)

Chào bạn,

Chóng mặt rất ít liên quan đến thoái hóa cột sống, do đó, cần phải khám chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân thật sự và điều trị phù hợp.Nếu thường xuyên chóng mặt, vật lý trị liệu có thể hỗ trợ giảm triệu chứng nhưng chỉ định và chọn bài tập tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.Châm cứu không liên quan nhiều lắm đến chóng mặt.Khi điều trị chóng mặt, mẹ bạn vẫn phải đồng thời duy trì điều trị tăng huyết áp.

- Gần đây tôi hay bị tình trạng nôn nao chóng mặt nhưng ở mức độ nhẹ. Tôi có uống thuốc có hoạt chất acetyl-DL-leucine để giảm triệu chứng này.Bác sĩ cho tôi hỏi có phương pháp tập luyện duy trì không cần phải uống thuốc không.Xin bác sĩ tư vấn giúp. (lê phương T., 44 tuổi,)

Chào bạn,

Một số nguyên nhân chóng mặt cần được bác sĩ đánh giá và chỉ định điều trị.Tuy nhiên, nếu triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, bạn có thể dùng một số thuốc hỗ trợ không phải kê toa hoặc kết hợp các bài tập tiền đình.

- Thưa bác sĩ, em bị đau đầu kéo dài, dẫn đến chóng mặt và nôn. Khi quá chóng mặt, em không thể ngồi dậy đi đứng được, chỉ có thể nằm một chỗ. Mỗi lần mở mắt, em chóng mặt nhiều hơn, mắt hoa không nhìn thấy.Em bị nay đã 10 năm và không thể điều trị dứt điểm được.Xin hỏi bác sĩ có phương pháp nào điều trị dứt điểm được hay không? (Nguyễn Kim X., 33 tuổi, , xã Xuân Thới Sơn)

Chào em,

Việc đầu tiên là xác định nguyên nhân gây bệnh.Triệu chứng chóng mặt kèm đau đầu diễn ra trong nhiều năm có thể gặp ở bệnh đau đầu migraine hoặc đau đầu căng thẳng. Hai bệnh này cần được điều trị bằng thuốc phù hợp và cân bằng cuộc sống, có thể phối hợp bằng các bài thể dục thông thường hoặc các bài tập tiền đình. Em nên đi khám chuyên khoa thần kinh để có chẩn đoán và điều trị phù hợp.

- Tôi ngủ không đủ giấc nên thường chóng mặt. Tôi bị rối loạn tiền đình hay tái đi tái lại nhiều lần. Hiện tôi lắc đầu mạnh không được, sẽ bị choáng nếu lắc đầu hay xoay đầu nhanh. Xin hỏi bác sĩ cách khắc phục tình trạng này?Cảm ơn bác sĩ. (Hồ Ph., 35 tuổi, , Tân Bình)

Chào bạn,

Bạn cũng đã nhận ra ít nhất một nguyên nhân gây chóng mặt là ngủ không đủ giấc. Do đó, việc đầu tiên cần làm là sắp xếp để ngủ đủ. Bên cạnh đó, các bài tập thể dục thông thường cũng giúp cải thiện sức khỏe, từ đó giảm triệu chứng chóng mặt. Nếu triệu chứng vẫn còn, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân và điều trị. Nếu bệnh liên quan đến tiền đình, bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm các bài tập chuyên biệt hơn.Chúc bạn mau khỏe.

- Bố tôi hiện nay 65 tuổi, thường xuyên bị choáng váng, chóng mặt, có phải bệnh rối loạn tiền đình không và điều trị như thế nào cho hiệu quả thưa bác sĩ? Hiện nay bố tôi phải uống thuốc thường xuyên. (Huỳnh Chí Tr., 32 tuổi, Thành phố Cà Mau)

Chào bạn,

Nói chung choáng váng, chóng mặt thường được gọi là rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, chứng bệnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau, cách điều trị cũng khác nhau. Một số bệnh cần điều trị bằng thuốc và hầu hết đều có thể phối hợp với tập thể dục thông thường hoặc đôi khi cần các bài tập tiền đình. Bạn nên đưa bố đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.

- Cách đây 2 tháng, tôi có bị chóng mặt khi đứng lên, ngồi xuống đột ngột, uống thuốc có hoạt chất acetyl-DL-leucine thì thấy đỡ. Cho tôi hỏi là dùng thuốc này lâu dài có ảnh hưởng gì không? (Hai A., 40 tuổi, HCM)

Chào bạn,

Khi đứng lên đột ngột, một số người gặp tình trạng choáng váng, chóng mặt do máu dồn ứ ở chân, cơ thể không kịp điều chỉnh.Việc đầu tiên, bạn nên tránh tình huống đứng lên quá nhanh, nhất là sau khi ngồi lâu.Bạn cũng tránh tư thế ngồi xổm vì làm máu ứ nhiều hơn.Thuốc bạn uống chứa axit amin thiết yếu vốn đã có trong cơ thể, thường cũng hiếm có tác dụng phụ gì.Tuy nhiên, nếu dùng quá hai tuần mà không hết chóng mặt, bạn cần đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.

- Tôi năm nay 47 tuổi, đang ngủ đến giữa đêm, tỉnh dậy thì thấy hiện tượng chóng mặt quay cuồng, không ngồi dậy được. Tình trạng này kéo dài liên tục trong 5 ngày.Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân tại sao, cách chữa thế nào và có nguy hiểm thế nào đối với sức khỏe? (Trương thanh th., 47 tuổi, Hà Đông Hà Nội)

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn nhiều khả năng là chóng mặt tư thế lành tính.Triệu chứng này rất khó chịu nhưng thường lành tính và có thể tự hết.Tuy nhiên, nếu được điều trị, bệnh sẽ giảm nhanh hơn. Nguyên nhân của bệnh là do sự di chuyển của sỏi tai ra khỏi vị trí bình thường của nó. Cách điều trị hiệu quả nhất là dùng thủ thuật xoay đầu để đưa sỏi tai về lại vị trí ban đầu của nó. Bác sĩ sẽ xác định bên tiền đình bị bệnh và làm thủ thuật này, đôi khi dùng kèm thuốc.

Loại chóng mặt này thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu triệu chứng chóng mặt tương tự mà kéo dài không thành cơn, không giảm kể cả khi nằm yên, hoặc kèm theo tê yếu tai chân, thay đổi giọng nói... lại là dấu hiệu cảnh báo các bệnh nguy hiểm tiềm ẩn, điển hình là đột quỵ. Do đó, nếu chóng mặt có các đặc tính như trên, người bệnh nên đến bệnh viện cấp cứu ngay.


Phát Đạt
Ý kiến của bạn