Hà Nội

3 nghi lễ độc đáo của dân tộc thiểu số được tái hiện trong lòng Hà Nội

07-02-2022 07:32 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô, Lễ cưới của dân tộc Ba Na, Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho được tái hiện tại Hà Nội trong Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' 2022.

6 lễ hội lớn xuân 2022 của Hà Nội bị ảnh hưởng bởi COVID-196 lễ hội lớn xuân 2022 của Hà Nội bị ảnh hưởng bởi COVID-19

SKĐS - Nhiều lễ hội đầu xuân 2022 tại Hà Nội không thể tổ chức hoặc chỉ tổ chức các nghi lễ truyền thống, hạn chế tụ tập đông người để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch (VHTT&DL) cho biết, Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc 2022 diễn ra từ 12 – 13/2/2022 tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với nhiều hoạt động diễn ra như Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần, chương trình Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước

Đặc biệt, 3 nghi lễ đặc sắc, độc đáo của 3 dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc tại Việt Nam sẽ được tái hiện, trình diễn trong Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc 2022. Qua đó phục hồi, tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, để mọi người dân hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc trong hoạt động đón Tết vui xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay.

Tái hiện Lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô (tỉnh Hà Giang)

Sự kiện diễn ra lúc 9 giờ ngày 12/2 (ngày 12 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Theo BTC, Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô (Hà Giang) là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, đã được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012. Hàng năm, Lễ cúng Tổ tiên được người Lô Lô duy trì và thực hành đều đặn theo truyền thống.

Tái hiện 3 nghi lễ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội - Ảnh 2.

Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô tỉnh Hà Giang gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa Tổ tiên.

Trong đời sống, tín ngưỡng, mỗi gia đình Lô Lô đều có ban thờ Tổ tiên riêng, nhưng lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm, một hoạt động có sự hưởng ứng, tham dự của cộng đồng, làng, bản. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm sửa lễ vật, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng.

Tái hiện 3 nghi lễ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội - Ảnh 3.

Đồng bào dân tộc Lô Lô chuẩn bị vật phẩm cho Lễ cúng Tổ tiên.

Lễ cúng Tổ tiên là một trong những sinh hoạt dân gian thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, có ý nghĩa giáo dục hướng về nguồn cội, biết ơn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ giúp giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự kết nối cộng đồng trong dòng họ, gia đình, làng bản… Nghi lễ linh thiêng này, ẩn chứa và phô diễn nghệ thuật dân gian các nghi thức cổ truyền của người Lô Lô, đồng thời góp phần cho bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em thêm đa dạng và lung linh sắc màu.

Lễ cưới của dân tộc Ba Na (tỉnh Gia Lai)

Trong khi đó, Lễ cưới của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai sẽ được tái hiện lúc 15 giờ ngày 12/2. Với dân tộc Ba Na, phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc luôn được coi trọng và giữ gìn cho đến ngày nay. Trai gái Ba Na đến tuổi trưởng thành đều có thể tự do chọn lựa người bạn đời.

Tái hiện 3 nghi lễ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội - Ảnh 4.

Lễ cưới của dân tộc Ba Na.

Tiêu chuẩn chọn lựa bạn đời, đó là trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy, trai có tài săn bắn, lấy củi, gái thạo đan lát, dệt vải. Từ lúc yêu nhau cho đến khi nên vợ nên chồng, đôi trai gái phải qua hai lễ tục bắt buộc là lễ trao vòng và lễ cưới.

Lễ cưới, tiếng Ba Na gọi là "pơ koong", thường được tiến hành vào cuối năm, nghĩa là sau mùa thu hoạch, trong tháng "khay ning nong", tương đương với tháng 12 và tháng 1 dương lịch, đó là lúc nông nhàn, thóc lúa đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng và gà đầy sân. Ngày cưới bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng đại. Đám cưới diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng.

Lễ mừng lúa mới (nhô lir bong) của dân tộc K’ho (tỉnh Lâm Đồng)

Người K'ho quan niệm, Lễ mừng lúa mới là dịp để bà con buôn làng được cầu khấn Thần lúa phù hộ cho cuộc sống gia đình ngày càng được no ấm và bình yên. Thần lúa đã phù hộ cho người dân sản xuất được mùa bội thu, mọi khó khăn vất vả đều vượt qua, một năm được ấm no, đủ đầy.

Tái hiện 3 nghi lễ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Nội - Ảnh 5.

Lễ mừng lúa mới (nhô lir bong) của dân tộc K’ho

Mừng lúa mới, cầu khấn thần linh, mong thần linh tiếp tục phù hộ, mong vụ mùa năm sau gia đình sẽ làm ăn phát đạt hơn. Sau khi lúa đã về kho, bà con thường tổ chức lễ cúng. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà làm lễ cúng lớn hay nhỏ.

Vật tế lễ thần lúa (Hòi ndu yàng kòi) thường là con gà, con heo và rượu cần. Các gia đình khó khăn thì hiến tế bằng con gà; gia đình có điều kiện hơn thì cúng bằng con heo.

Lễ mừng lúa mới (nhô lir bong) của dân tộc K’ho sẽ được các nghệ nhân dân tộc K’ho tỉnh Lâm Đồng tái hiện vào 9 giờ sáng ngày 13/2/2022 (13 tháng Giêng năm Nhâm Dần).

Bộ VH-TT&DL thông tin, thông qua các hoạt động tại Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc 2022 nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp Tết cổ truyền Nhâm Dần.

"Ngày hội được tổ chức nhằm biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn", BTC nhấn mạnh.

Tranh Kim Hoàng, vàng son còn mãi!Tranh Kim Hoàng, vàng son còn mãi!

SKĐS - Tranh Kim Hoàng vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng của Kinh Kỳ cùng với tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn