Qua đó đã có 26.719 cán bộ bị nhắc nhở; 593 cán bộ bị khiển trách; 456 cán bộ bị cắt thi đua; 86 cán bộ bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác; 22 cán bộ bị nghỉ việc; 13 cán bộ bị cách chức, khen thưởng 474 cán bộ.
Kênh giám sát hiệu quả
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, từ ngày 7/11/2013, Văn phòng Bộ được giao làm đầu mối phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel chính thức tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh qua số tổng đài trực ĐDN theo Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua ĐDN.
Qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương xử lý khẩn trương kịp thời các vụ việc.
Việc triển khai hệ thống quản lý ĐDN ở 3 cấp trên toàn quốc đã bước đầu góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh. Từ khi bắt đầu triển khai đưa phần mềm theo dõi, đôn đốc việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân qua tổng đài trực ĐDN Bộ Y tế 1900-9095 vào hoạt động, các đơn vị đều nhận thấy ĐDN không chỉ là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân mà còn là công cụ giám sát hữu hiệu để cán bộ y tế có ý thức hơn trong quá trình hành nghề. Trong hệ thống đó, mỗi bệnh nhân sẽ trở thành giám sát viên đối với từng nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế. Lãnh đạo các bệnh viện có kênh thông tin hữu hiệu và nhanh chóng nhất nắm bắt được những vấn đề cần xử lý và cải tiến quy trình trong việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, hình thức xử lý nhiều nhất là nhắc nhở, cải thiện cơ sở vật chất và cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cuối cùng là khiển trách. Các trường hợp sai phạm liên quan đến quy định pháp luật về cán bộ công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc và cách chức. Bên cạnh các trường hợp bị xử lý nghiêm khắc, cũng từ thông tin phản ánh đến ĐDN, các đơn vị đã tổ chức khen thưởng cho 292 tập thể, cá nhân vì những thành tích xuất sắc, hết lòng tận tình phục vụ người bệnh.
Nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Bên cạnh việc triển khai quyết liệt ĐDN, trong những năm qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, “Bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp”... Các bệnh viện đã tổ chức ký cam kết quán triệt tới toàn bộ nhân viên của từng đơn vị về việc thay đổi lề lối, tác phong ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh với nhiều khẩu hiệu như: “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, “Lời chào, cảm ơn, xin lỗi”,... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở để từng bước làm giảm áp lực cho cán bộ y tế cũng như bức xúc của người bệnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bà Rịa Vũng Tàu, BVĐK tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Hợp Lực Thanh Hóa... đã thành lập Phòng Công tác xã hội, Phòng Chăm sóc khách hàng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin như lắp hệ thống loa phát thanh thông báo toàn viện cũng như camera giám sát tạo ra sự minh bạch, rõ ràng để người bệnh yên tâm khi đến khám, chữa bệnh, đồng thời giúp lãnh đạo đơn vị trong việc giải quyết các nội dung phản ánh của người dân được kịp thời. Để thuận tiện cho việc luân phiên trực ĐDN của đơn vị, BVĐK Trung ương Quảng Nam đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc tự động chuyển số điện thoại sang máy cá nhân được phân công trực theo lịch tuần, giúp tiết kiệm thời gian bàn giao máy điện thoại hàng ngày.
Có thể thấy, việc triển khai ĐDN của Bộ Y tế thời gian qua đã giúp các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ Y tế có được kênh thông tin hữu hiệu và nhanh nhất. Từ đó, Bộ Y tế có cơ sở để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của các đơn vị trực thuộc, kịp thời đưa ra những giải pháp để khắc phục những tồn tại, khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm (2014-2016) số lượng cuộc gọi của người dân đến tổng đài trực đường dây nóng đã giảm mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2014 là 98.760 cuộc, năm 2015 là 38.053 cuộc, năm 2016 là 19.104 cuộc. Cùng với đó, số lượng cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi của người dân đến đường dây nóng đã tăng nhiều qua các năm. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, lãnh đạo các đơn vị đã khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp để chấn chỉnh, cải thiện các vấn đề gây bức xúc như: cơ sở vật chất, thái độ nhân viên y tế, vấn đề viện phí, tiêu cực và an ninh trật tự,...