1. Thức ăn ảnh hưởng đến bệnh gout như thế nào?
Purin là các chất tự nhiên được tìm thấy trong tế bào của cơ thể và hầu như có trong tất cả các loại thực phẩm. Ở người, purin được chuyển hóa thành acid uric, đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và giúp ngăn ngừa tổn thương gây ra bởi các gốc tự do.
Purin không phải là điều đáng ngại đối với những người khỏe mạnh, vì acid uric dư thừa có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.
Nhưng ở những người bị bệnh gout, thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu purin sẽ làm tăng nồng độ acid uric huyết thanh, gây ra cơn gout cấp tính. Vì vậy, ngoài uống thuốc để ngăn ngừa tình trạng viêm và giảm acid uric, người bị gout cần hạn chế các thực phẩm chứa purine.
Thực phẩm thường gây ra cơn gout bao gồm nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia. Chúng chứa một lượng purin từ trung bình đến cao. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy các loại rau có hàm lượng purin cao không gây ra các cơn gout. Sữa cũng chứa nhiều purin, nhưng lại hỗ trợ vào quá trình đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
Ngược lại, đường fructose và đồ uống có đường không giàu purin nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và làm tái phát các cơn gout cấp tính. Lý do là chúng thúc đẩy một số quá trình của tế bào làm tăng nồng độ acid uric.
Một nghiên cứu của Khoa Dinh Dưỡng, Đại học Toronto, Canada, kéo dài trong 17 năm với 125.299 người tham gia, đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều đường fructose nhất có nguy cơ phát triển bệnh gout cao hơn 62%.
Thực phẩm người bệnh gout nên ăn
Các loại rau xanh: Rau hẹ, rau cần, rau cải bắp, cà, rau cải bẹ trắng nhỏ, cà chua...
Các loại trái cây: Quýt, chanh, nho, cam, táo...
Các loại khác: Nước ép quả.
Hợp chất carbon có trong thức ăn có thể giúp thúc đẩy acid trong nước tiểu thoát ra ngoài; Người bệnh nên ăn cơm tẻ, bánh bao, miến... là những loại thực phẩm có nhiều hợp chất carbon.
Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A và vitamin E như cá biển, sữa, đậu tương, cà rốt, bí đỏ, rau lá xanh, các loại hạt…
Thực phẩm nên kiêng
Các loại thủy hải sản: Các loại cá, sò ngao, các loại tôm, tảo tím, hải sâm.
Các loại thịt: Gan, tim, ruột nội tạng động vật.
Các loại khác: Đậu tương, đậu ván.
Ngoài ra, người bệnh nên giữ cho được thể trọng ổn định, phấn đấu giảm béo.
2. Một số món ăn, thức uống dễ thực hiện cải thiện tình trạng gout
2.1. Canh lươn gà
- Thành phần: Thịt lươn thái chỉ 50g, thịt gà xé bỏ da 50g, trứng gà 1 quả, mì sợi 10g, rượu, hành, gừng, xì dầu, hạt tiêu bột, nước luộc gà, nước luộc lươn, dầu vừng, muối, mì chính.
- Chế biến: Bắc chảo đổ nước luộc gà, nước luộc lươn, mỗi thứ 1 bát, đun sôi thì cho thịt lươn, thịt gà, mì sợi, xì dầu, dấm, hành, gừng, muối, sôi thì đổ trứng vào khuấy thành hoa, cho một chút bột vào đun sôi múc ra bát, rắc hạt tiêu, mì chính, dầu vừng là được.
- Công dụng: Bổ khí, thông huyết mạch, lợi gân cốt.
- Phạm vi dùng: Đau khớp xương, viêm khớp do gout, phong thấp. Khí huyết hư nhược, hồi hộp, thiếu lực, váng đầu...
- Cách dùng: Mỗi tuần có thể dùng 1-3 bữa, ăn kèm bữa ăn.
2.2. Dây gắm ngâm rượu
- Dây gắm có vị đắng, tính mát.
- Tác dụng: Giải độc, tiêu viêm, thư giãn gân cốt, hoạt huyết, sát trùng. Vị thuốc này được sử dụng nhiều nhất để điều trị các chứng đau nhức xương khớp, chữa phong tê thấp, hỗ trợ trong điều trị bệnh gout.
- Cách làm: Dùng ngâm rượu bạn nên ngâm theo tỷ lệ 1kg gắm khô không cần chế biến gì thêm, ngâm với khoảng 3 lít rượu, ngâm trong khoảng 1 tháng là uống được. Mỗi ngày nên uống khoảng 2 đến 3 ly rượu nhỏ.
2.3. Nước sắc lá mơ dại
- Cách làm: Lá mơ dại (cả 2 mặt lá đều xanh, mùi hôi hơn lá mơ 1 mặt xanh, 1 mặt tím) thu hái về còn tươi, sau khi loại bỏ lá sâu và các loại lá tạp, đem băm cả dây, lá cho ngắn lại, phơi khô, sao vàng, hạ thổ. Mỗi ấm thuốc, lấy lượng bằng một vốc tay (khoảng 40g), đổ thêm nước, sắc đặc.
- Liều dùng: Mỗi ngày sắc một ấm, uống hai lần trong ngày.
Ngay ngày đầu, sau khi người bệnh uống thuốc, cơn đau đã giảm nhẹ. Từ 4 đến 6 ngày sau, có thể dứt hẳn đau đớn, nhưng người bệnh nên kiên trì uống trong khoảng 4-6 tuần để đạt được kết quả bền lâu.
Ngoài cách làm trên bạn đọc có thể sử dụng lá mơ dại dạng tươi thái nhỏ xào với trứng ăn hàng ngày cũng đem lại hiệu quả tốt. Nhưng nên dùng dạng sắc là tốt nhất.
3. Lưu ý ở người bệnh gout
- Ngoài việc điều trị (dùng thuốc) đúng, nghiêm túc, không điều trị ngắt quãng, người mắc bệnh gout cần thực hiện chế độ ăn giảm đạm, giảm mỡ, giảm cân (nếu béo phì), ăn nhiều rau, trái cây và không nên để bị đói (vì acid uric trong máu tăng cao khi đói). Người bệnh cần kiêng rượu, bia, bởi vì, các loại đồ uống có cồn thường là nguyên nhân làm xuất hiện hoặc tái phát bệnh gout.
- Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (1,5- 2,0 lít) để tăng cường đào thải lượng acid uric bằng đường nước tiểu nhằm hạn chế lắng đọng ở thận.
- Hàng ngày nên vận động cơ thể, có chế độ sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Biến chứng nặng của gout làm biến dạng và mất chức năng vận động của khớp | SKĐS